Các nhà kinh tế cho biết, việc các công ty công nghệ Mỹ sa thải hàng loạt nhân sự và tạm ngừng hoạt động tuyển dụng dường như không thể khiến thị trường lao động nước này chịu tác động lớn.
Jennifer Lee - chuyên gia kinh tế cấp cao tại BMO Capital Market, cho biết, dù các Big Tech đang cắt giảm việc làm sau thời kỳ tuyển dụng ồ ạt trong thời kỳ đại dịch, nhưng nhiều ngành khác vẫn đang chật vật với tình trạng thiếu lao động. Lee nhận định về ngành công nghệ: “Đây không phải là lĩnh vực phản ánh được cả thị trường lao động. Nhìn chung, thị trường việc làm của Mỹ vẫn rất 'cần người'.”
Những tuần vừa qua, các công ty công nghệ lớn, như Amazon, đã yêu cầu hàng chục nghìn nhân sự nghỉ việc và thực hiện đợt sa thải lớn chưa từng có. Trong khi Lyft và Meta đang cắt giảm hơn 10% lực lượng lao động, thì các gã khổng lồ công nghệ cũng như startup khác cũng thông báo về các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” trên quy mô lớn.
Trong tháng này, các công ty công nghệ đã đưa ra kế hoạch giảm 31.200 việc làm, theo hãng tư vấn Challenger, Gray & Christmas Inc. Đây là con số hàng tháng cao nhất trong ngành này kể từ tháng 9/2015.
Theo Nela Richardson - nhà kinh tế trưởng tại ADP Research Institute, chia sẻ trong một bài đăng trên blog cá nhân rằng, dù việc này ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người lao động, nhưng thị trường việc làm của Mỹ vẫn không bị ảnh hưởng tiêu cực.
Bà Richardson cho biết, các công ty công nghệ đóng góp khoảng 2% việc làm ở nước Mỹ. Trong khi đó, ngành giải trí và khách sạn lên đến 11%, vốn vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc thuê nhân công. Bà viết: “Hoạt động tuyển dụng ở các lĩnh vực lớn hơn đã chậm lại nhưng vẫn diễn ra sôi nổi.”
Theo các nhà kinh tế của Goldman Sachs, một lý do khác giải thích cho làn sóng sa thải nhân sự ở lĩnh vực công nghệ gần đây không phải là dấu hiệu của suy thoái, đó là dựa theo những gì đã diễn ra trong lịch sử. Nhóm các nhà kinh tế viết trong ghi chú rằng, tình trạng sa thải nhân viên ở ngành này thường xuyên tăng đột biến trong thời gian trước đây và cũng không phải là chỉ báo hàng đầu thể hiện cho việc thị trường lao động đã hạ nhiệt.
Các nhà kinh tế cho biết: “Chúng tôi tiếp tục dự đoán rằng nhiều người lao động bị sa thải có thể tìm được việc làm mới tương đối nhanh chóng. Hơn nữa, việc nhu cầu lao động giảm trên diện rộng chủ yếu sẽ đến từ tình trạng cơ hội việc làm sụt giảm chứ không hẳn là tỷ lệ thất nghiệp tăng cao hơn.”
Cho đến nay, thị trường lao động Mỹ vẫn thể hiện khả năng tăng trưởng mạnh mẽ trước tình trạng lạm phát cao nhất trong nhiều thập kỷ và bối cảnh bất ổn kinh tế ngày càng gia tăng. Một số dấu hiệu cho thấy thị trường lao động đang dần hạ nhiệt và khi Fed vẫn tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm hạn chế nhu cầu, thì tình trạng thất nghiệp dự kiến sẽ tăng lên trong những năm tới.
Tốc độ của tỷ lệ thất nghiệp tăng nhanh như thế nào và bao nhiêu là câu hỏi mà các nhà kinh tế đang tranh luận. Sau nhiều tháng nỗ lực tuyển dụng, nhiều công ty có thể đã quyết định tiếp tục giữ chân nhân viên dù nhu cầu đi xuống, hành động này được gọi là “tích trữ lao động”.
Ngoài ra, nhóm ngành có tỷ lệ sa thải lớn ở thời điểm hiện tại có thể thể hiện một chút về tương lai của thị trường lao động. Nick Bunker - trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế khu vực Bắc Mỹ tại Indeed Hiring Lab, nhận định, nhiều đợt sa thải ở các công ty công nghệ là những vị trí nhân sự và tuyển dụng, cho thấy các công ty này không chắc chắn về việc tuyển dụng trong tương lai.
Bunker nói thêm: “Nếu sa thải cả vị trí nhân sự, thì có thể các doanh nghiệp này chưa có kế hoạch bổ sung thêm người trong thời gian sớm. Theo tôi, các công ty này đang cắt giảm chính các bộ phận mà họ từng tuyển dụng rất nhiều.”
Tham khảo Bloomberg