Dự án Living Breakwaters bắt đầu vào năm 2021 - Ảnh: RAMBOLL
Một thập kỷ sau khi cơn bão Sandy đổ bộ và gây thiệt hại lớn, chính quyền thành phố New York đã tìm ra một giải pháp sáng tạo để chống chọi với hậu quả của biến đổi khí hậu: xây dựng một bức tường chắn sóng bằng hàu sống, thay vì bê tông.
Dự án này được gọi là Living Breakwater, nằm trên đảo Staten (một quận của thành phố New York). Vỏ hàu từ các nhà hàng tại khắp New York sẽ được thu thập, chuyển đến bờ biển và đặt vào các cấu trúc mô phỏng rạn san hô, được làm từ đá biển và bê tông sinh học.
Cấu trúc này sẽ cung cấp môi trường sống cho những con hàu mới cũng như các sinh vật biển khác, sau đó trở thành con đê chắn sóng do hàng tỉ con hàu sống phủ lên.
Những con hàu ở cạnh nhau sẽ tạo thành các rạn hàu, cung cấp môi trường sống cho các sinh vật biển khác như cua, tôm, cá… giúp bờ biển New York chống lại thời tiết khắc nghiệt, cũng như bảo vệ cộng đồng sinh vật biển, hệ sinh thái của vùng.
Dự án Living Breakwaters trị giá 107 triệu USD, dự kiến hoàn thành vào năm 2024. Chuyên gia Thad Pawlowski từ Đại học Columbia (Mỹ) gọi dự án Living Breakwaters là một sáng kiến "ý nghĩa, siêu sáng tạo và truyền cảm hứng".
Tiến sĩ Judith Weis tại Đại học Rutgers (Mỹ) cho biết hiệu quả của dự án vẫn còn phải xem xét, nhưng lưu ý rằng bản thân dự án đã là một giải pháp tốt hơn so với đê chắn sóng bằng bê tông thông thường.
Đê chắn sóng là giải pháp thường được lựa chọn để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, đê chắn sóng bằng bê tông có thể khiến con người trả giá đắt. Các chuyên gia cho rằng chúng có nguy cơ làm nước dâng cao hơn ở các bãi biển lân cận và phá hủy hệ sinh thái.
Đầu năm nay, Liên Hiệp Quốc cũng đã cảnh báo về việc các công trình nhân tạo như trên về lâu dài sẽ chỉ làm trầm trọng thêm các hậu quả của biến đổi khí hậu.
Theo Đài CNA, những dự án như Living Breakwaters là một phần trong nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu sau khi cơn bão Sandy càn quét New York vào năm 2012. Chỉ trong vòng 2 ngày, Sandy đã gây ngập lụt cho gần 1/5 thành phố, phá hủy 300 căn nhà, khiến 44 người thiệt mạng.
Cơn bão đi qua khiến hàng ngàn người dân New York mất điện và không thể tiếp cận thực phẩm, nước uống, y tế và các dịch vụ khác… gây thiệt hại 19 tỉ USD.
New York cũng đang triển khai dự án Billion Oyster (1 tỉ con hàu) nhằm tận dụng khả năng lọc nước của hàu để hồi sinh hệ sinh thái.
Theo Cơ quan Đại dương và Khí quyển quốc gia Hoa Kỳ (NOAA), một con hàu có khả năng làm sạch đến 50 gallon (227 lít) nước mỗi ngày. Dự án Billion Oyster bắt đầu hoạt động từ năm 2014, tận dụng khả năng làm sạch nước của hàu nhằm khôi phục các rạn san hô ở vùng biển xung quanh thành phố New York.
Các thành viên dự án Billion Oyster đã hợp tác dự án Living Breakwaters trong việc tạo ra rạn san hô nhân tạo dài hơn 3km dọc bờ biển của đảo Staten. Trong tương lai, với hiệu quả từ 2 dự án, hàng tỉ con hàu có thể bám vào đó và tạo nên các rạn san hô tự nhiên với quy mô rộng và tốc độ nhanh hơn.
Hàng nghìn con hàu bắt đầu phát triển trên các quả cầu đá nhân tạo ở vịnh San Diego (Mỹ) sẽ không chỉ giúp chống xói mòn bờ biển và còn là các 'cỗ máy' lọc nước.
Xem thêm: mth.36693051271112202-uahgnab-oab-gnohc-kroy-wen-ohp-hnaht/nv.ertiout