Không thể phủ nhận vai trò và tính hấp dẫn của kênh trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong thời gian qua. Tuy nhiên, do sự phát triển quá nhanh của kênh TPDN riêng lẻ đã khiến thị trường này xuất hiện rủi ro và việc cơ quan quản lý vào cuộc chấn chỉnh là cần thiết để giữ an toàn chung toàn thị trường.
Đây là chia sẻ của đại biểu Vũ Tiến Lộc, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, khi trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM về thị trường TPDN.
Ông Vũ Tiến Lộc |
Không thể phủ nhận vai trò “chia lửa” của TPDN
. Phóng viên:Thưa ông, thị trường TPDN phát triển rất nhanh thời gian qua nhưng cũng bộc lộ một số rủi ro tiềm ẩn, thậm chí đã xuất hiện một số “con sâu làm rầu nồi canh” và cơ quan chức năng phải vào cuộc xử lý. Ông đánh giá thế nào về thực trạng của thị trường TPDN hiện nay?
+ Đại biểu Vũ Tiến Lộc: Thực tế đã chứng minh, đặc biệt là thời gian khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra, kênh TPDN đã giúp nhiều DN huy động được nguồn vốn trung và dài hạn với lãi suất ổn định để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Chúng ta không thể phủ nhận vai trò “chia lửa” của kênh huy động vốn này đối với hệ thống tín dụng ngân hàng, khắc phục tình trạng nguồn lực đầu tư trung và dài hạn của DN ở nước ta đang phụ thuộc quá lớn vào nguồn vốn huy động ngắn hạn từ các ngân hàng.
Do vậy, tôi cho rằng việc phát triển kênh huy động vốn qua phát hành TPDN là đúng hướng và cần thiết, mang lại lợi ích cho tất cả các bên.
. Rõ ràng việc phát triển kênh huy động vốn qua TPDN là rất cần thiết. Vậy theo ông, làm thế nào để nâng cao trách nhiệm của các chủ thể tham gia để đảm bảo sự minh bạch, an toàn chung cho thị trường này?
+ Như tôi đã đề cập ở trên, thị trường TPDN là một cấu phần quan trọng của thị trường vốn, là kênh huy động và phân bổ vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ kênh tín dụng ngân hàng. Do vậy, không thể chỉ vì một số DN, cá nhân sai phạm mà đánh đồng cả thị trường này là không tốt hay kìm hãm sự phát triển, mà quan trọng là phát triển như thế nào cho đúng hướng, có chất lượng cao và bền vững.
Vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan liên quan là rất quan trọng. Các cơ quan này sẽ phát huy vai trò trong việc định hướng phát triển, xây dựng hành lang pháp lý và quản lý, giám sát, xử lý sai phạm để tạo ra “đường đi” phù hợp trong từng giai đoạn phát triển của thị trường.
Thời gian qua, kênh trái phiếu doanh nghiệp đã giúp nhiều doanh nghiệp huy động được nguồn vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Ảnh: NGUYỆT NHI |
Tuy nhiên, một thị trường thì luôn có nhiều chủ thể, nếu chỉ riêng cơ quan quản lý đề cao trách nhiệm thì chỉ được một phần, còn quan trọng nhất vẫn là các chủ thể tham gia trực tiếp. Dù không mang tính đại diện cho thị trường chung nhưng thực tế đã chỉ ra các sai phạm đều do chủ một số DN phát hành cố tình không tuân thủ các quy định pháp lý.
Nhà đầu tư từng gặp rủi ro cũng có phần chưa đủ năng lực để tìm hiểu thật cặn kẽ sức khỏe của DN. Hay các tổ chức trung gian như công ty chứng khoán, công ty kiểm toán, các ngân hàng thương mại… cũng vậy, chúng ta thấy được chất lượng cung cấp dịch vụ hỗ trợ còn có vấn đề.
Tạo điều kiện phát hành trái phiếu ra công chúng
. Nhiều ý kiến cho rằng một trong những yếu tố quan trọng để phát triển thị trường TPDN lành mạnh, bảo vệ nhà đầu tư là cần các đơn vị xếp hạng tín nhiệm độc lập, có uy tín. Ông nghĩ sao về điều này?
+ Thực tế các tổ chức trung gian quan trọng là các công ty định mức tín nhiệm vẫn chưa phát triển tương xứng, khiến thị trường TPDN thiếu một “thước đo” trung gian. Vì vậy, việc hỗ trợ, phát triển lĩnh vực này là cần thiết. Nhà đầu tư cũng vậy, cần có giải pháp để đẩy mạnh đào tạo, tuyên truyền, tránh thực trạng “lách luật” trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, mua theo rủ rê, hoặc vì lãi suất cao mà bỏ qua các khâu quản trị rủi ro.
Nói chung, tôi nghĩ rằng việc hoàn thiện thể chế pháp lý, tăng cường kỷ cương, kỷ luật thị trường là cần thiết nhưng trách nhiệm, vai trò, tính tuân thủ của các bên tham gia cũng rất quan trọng. Chỉ khi nào các “chuẩn mực cứng và chuẩn mực mềm” cùng phát triển song hành và đạt đến một trình độ nhất định thì khi đó thị trường TPDN sẽ được phát triển chất lượng, bền vững.
. Ông có đề xuất gì với các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là việc hoàn thiện pháp lý và tăng cường kỷ cương, kỷ luật thị trường?
+ Trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt là việc lãi suất đang chịu áp lực gia tăng rất lớn, việc tiếp cận vốn tín dụng sẽ khắt khe hơn, chúng ta cần ưu tiên và quan tâm lớn hơn nữa tới việc thúc đẩy thị trường vốn, trong đó có thị trường TPDN.
Vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định 65/2022, nhiều quy định mới đã được bổ sung, sửa đổi để thị trường TPDN phát triển chất lượng hơn và an toàn hơn. Các quy định này sẽ cần thời gian để DN và nhà đầu tư làm quen nhưng về cơ bản sẽ giúp thị trường minh bạch, lành mạnh hơn trong tương lai.
Bên cạnh đó, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ để thị trường này sớm lấy lại niềm tin, sớm ổn định trở lại.
. Xin cám ơn ông.
Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính kịp thời tháo gỡ khó khăn
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 143 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10-2022. Trong đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan, địa phương tập trung triển khai thực hiện Nghị định 65/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 153/2020 quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ. Qua đó, Bộ Tài chính phải rà soát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, ổn định thị trường TPDN, báo cáo Chính phủ để sửa đổi (nếu cần thiết).
Đồng thời, nghị quyết của Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính phải có giải pháp xử lý kịp thời các khó khăn trong ngắn hạn liên quan đến TPDN và thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, hiệu quả, bền vững trong trung và dài hạn. Sớm báo cáo đánh giá từng loại trái phiếu, việc đáo hạn TPDN phát hành riêng lẻ trong quý IV-2022 và năm 2023, đề xuất giải pháp xử lý chủ động, phù hợp, hiệu quả với diễn biến tình hình.