Trà My soạn thêm vài cuốn sách đem theo khi quyết định quay lại TP.HCM tiếp tục đi học - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT
Giây phút ký đơn xin thôi học, mình nghĩ giấc mơ giảng đường kết thúc rồi. Dù không đành lòng nhưng phải về chăm sóc cha rồi kiếm việc làm phụ mẹ chứ đi TP.HCM học đại học là ước mơ cả đời của mình.
TRẦN THỊ TRÀ MY
Cô tân sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM ấy nói mình không còn lựa chọn nào khác khi cha vừa phát hiện ung thư đại tràng mới đây, một mình mẹ không thể gồng gánh vừa chữa bệnh cho cha, vừa lo cho bạn đi học được.
Xin thôi học về phụ mẹ
Ông Trần Tấn Phát (46 tuổi, cha My) nhận kết quả ung thư đại tràng mới hồi tháng 5. Một mình mẹ My - bà Trần Thị Huệ - phải chạy vay đủ đầu mới có tiền bắt đầu chạy chữa cho chồng, đóng học phí cho con gái. Viết đơn xin nghỉ, My được trường hoàn trả học phí, cũng có thêm chút để cùng về giúp mẹ chăm sóc cha.
Căn nhà cả gia đình đang ở được Nhà nước hỗ trợ tái định cư vượt lũ tuyến đường Kênh 7, phường Núi Sam, TP Châu Đốc (An Giang). Nhà mái tôn cũ, sàn lót mấy loại gạch, hỏi ra mới biết do có tiền đến đâu làm đến đó mới ra vậy. Bên hông nhà bếp, lỉnh kỉnh bình xịt thuốc, bình sạ phân, rồi đồ nghề chìa khóa đủ loại mà ông Phát mới sang tay của người bạn chưa bao lâu thì ngã bệnh.
Sức khỏe bà Huệ cũng không khá hơn là mấy. Từ hồi sinh đứa con thứ hai năm 2008, không hiểu nguyên nhân gì làm ảnh hưởng cột sống, rồi lại bị thoát vị đĩa đệm từ đó đến nay. Nên bà không làm được việc nặng, cũng không thể đứng hoặc ngồi quá lâu. Đó giờ bà chỉ quẩn quanh chuyện nhà cửa, cơm nước cho chồng con, việc kiếm tiền dồn lên đôi vai chồng.
Trên 20 năm ông quảy bình đi phun thuốc, sạ lúa, rải phân lấy tiền công lo cuộc sống cả nhà và việc học của hai đứa con. "Vào vụ có ngày tôi làm từ sáng đến tối mịt ngoài đồng, cao điểm phải xịt 40 bình/ngày, công mỗi bình 10.000 đồng, còn trung bình ngày cũng kiếm được 200.000 đồng. Nhưng giờ người ta đầu tư máy móc hiện đại, mình cạnh tranh không lại", ông Phát chép miệng.
Hôm nào không xịt thuốc, ông lại đi bốc vác lúa mướn cho thương lái, mỗi tấn được trả tiền công 70.000 đồng. Rồi ông đổ bệnh. Ngồi trầm ngâm một góc nhà, nhìn cô con gái "rượu" phải bỏ dở việc học về quấn quýt bên người cha đau ốm, ông rầu hết sức.
Học để nuôi hy vọng
Từ ngày cha bệnh, My khóc nhiều. Hôm ở ký túc xá trường, My trằn trọc suốt đêm không ngủ được, đến sáng gọi về cho mẹ thêm lần nữa trước khi đặt bút ký đơn xin thôi học. Không đành nhìn con từ bỏ ước mơ nhưng bà Huệ cũng chẳng còn cách nào khác vì quãng đường bốn năm phía trước mịt mờ quá. Giá mà cha My còn mạnh, có thiếu thốn mấy hai vợ chồng cũng ráng lo cho hai chị em.
Nếu buộc phải chọn giữa cứu chồng và cho con đi học, bà đành phải hy sinh chuyện học của con để mong giữ được mạng sống cho chồng. "11 triệu đồng cho con nhập học tui cũng đi vay chứ nhà đâu có sẵn. Gật đầu để con thôi học, lấy phần học phí trường trả lại tạm trang trải được chút nào hay chút đó, đâu vay mượn mãi được", bà Huệ giãi bày.
Ngày My quay về, hai mẹ con ôm nhau khóc. Bà Huệ xót xa lắm khi con gái giấu nỗi buồn, tận tụy chăm sóc cha. May mắn là ca phẫu thuật cắt khối u của ông Phát thành công, vượt qua nguy nan trước mắt, sẽ phải đi bệnh viện tiếp tục xạ trị. Mẹ động viên con gái đi học lại.
Mấy anh chị cán bộ phường Núi Sam cũng là hàng xóm thân thiết của gia đình khuyên My sớm quay lại trường. Bà Nguyễn Thị Bích Phượng - trưởng khóm Vĩnh Phước 1, phường Núi Sam - đến nhà vận động, khuyên Trà My đi học lại, còn giới thiệu cho bạn vài chương trình học bổng và nhắn nhủ: "Chỉ cần có ý chí học tập, vươn lên thì xã hội sẽ không bỏ rơi mình".
Phần may, nhà trường chấp thuận cho My tiếp tục đi học. Bạn lại rộn ràng xếp mấy cuốn sách, ít cuốn tập được lãnh thưởng trở lại trường. Biết nhà mình khó khăn nhưng Trà My không hề mặc cảm mà quyết tâm nỗ lực gấp nhiều lần. Sức khỏe của cha dần ổn định, gia đình thêm hy vọng, My cũng có động lực để quay lại giảng đường.
"Gần ký túc xá có nhiều hàng quán cần tuyển sinh viên làm bán thời gian, mình sẽ đi làm thêm khi lịch học ổn định. Bất kể bốn năm phía trước khó khăn thế nào mình cũng phải hoàn thành thật tốt việc học. Đó là con đường ngắn nhất để có công việc ổn định mới lo cho cha mẹ và em trai", My tâm sự.
"Tiếp sức" 95 tân sinh viên Đồng bằng sông Cửu Long
Hôm nay (18-11), báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng 10 tỉnh đoàn Đồng Tháp, Long An, Trà Vinh, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và Thành Đoàn Cần Thơ trao học bổng "Tiếp sức đến trường" 2022 cho 95 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Năm nay, Quỹ Đồng hành nhà nông (Công ty cổ phần phân bón Bình Điền) tài trợ cho chương trình hơn 3 tỉ đồng. Trong đó 1,4 tỉ đồng dành cho tân sinh viên khó khăn của 11 tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Mỗi suất học bổng 15 triệu đồng.
Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tài trợ quà tặng, Quỹ khuyến học Vinacam (Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam) tặng sáu laptop cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn thiếu thiết bị học tập.
Đây là điểm trao thứ sáu của chương trình "Tiếp sức đến trường" 2022. Ngoài 11 tỉnh thành nói trên, hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre dự kiến tổ chức lễ trao riêng vào cuối tuần này.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
TTO - "Em là Thương, một cô gái khuyết tật bẩm sinh, thiếu cẳng tay phải nhưng luôn lạc quan và cảm thấy hạnh phúc với những gì mình đang có" - Nguyễn Thị Thương đã tự giới thiệu về mình trong thư gửi đến Tuổi Trẻ.
Xem thêm: mth.10840442271112202-coh-gnoud-naod-tud-gnout-gnuhn-gnaig-na-iun-gnuv-hnis-un/nv.ertiout