Ảnh minh họa
Quốc hội đặt lộ trình đến năm 2025, thực hiện chuyển đổi số 100% công tác kiểm soát tài sản, thu nhập bằng việc sử dụng công nghệ số, dữ liệu số chính là bước đi trên thực tế để triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu này theo quy định của Luật phòng chống tham nhũng năm 2018 về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Việc này cũng giúp tiết giảm các chi phí phát sinh trong lưu trữ, bảo quản các bản kê khai tài sản và thu nhập bằng giấy truyền thống.
Tuy nhiên, để kiểm soát hiệu quả các nguồn tài sản và thu nhập của những người có chức vụ, quyền hạn hướng tới mục tiêu phòng chống tham nhũng thì bước đi này chỉ là điều kiện cần.
Về mặt chủ trương, cần có sự nhất quán, quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị về phòng chống hành vi tham nhũng theo tinh thần chung của quốc tế - đó là "không có bến đỗ nào có thể coi là an toàn cho những kẻ tham nhũng và tài sản phi pháp của chúng".
Có được điều này mới nghĩ đến việc triển khai hiệu quả các biện pháp kiểm soát tài sản và thu nhập để phòng chống tham nhũng, bởi nếu có giải pháp mà không quyết tâm thực hiện thì cũng trở nên vô nghĩa.
Hiện nay, các cơ quan chức năng đã xây dựng nhiều cơ sở dữ liệu quốc gia như cơ sở dữ liệu dân cư, đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm...
Trong hoạt động tín dụng, các tổ chức tín dụng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại, đã xây dựng cơ sở dữ liệu khách hàng và liên thông với nhau để phục vụ cho các giao dịch trực tuyến liên ngân hàng.
Với nền tảng cơ sở hiện có này, việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tài khoản tiền gửi của cá nhân, tổ chức tại các tổ chức tín dụng là hoàn toàn khả thi.
Đồng thời, liên thông cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập với các hệ thống cơ sở dữ liệu khác và trao quyền truy cập cho cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập để có thể cập nhật biến động về tài sản, thu nhập của những người có chức vụ, quyền hạn.
Mặt khác, chú trọng cơ chế xác minh, hậu kiểm đối với việc kê khai tài sản, thu nhập của những người có chức vụ, quyền hạn.
Báo cáo của Chính phủ cho thấy năm 2022 có 74 người kê khai chưa đúng quy định, tuy nhiên con số này chỉ dựa trên 7.662 người được xác minh trong khi tổng số bản kê khai là 542.337 người.
Kinh nghiệm thế giới cho thấy để thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả cần mở rộng phạm vi thu hồi theo hướng không dựa trên kết án hình sự mà có thể bằng các phương thức đa dạng.
Cụ thể, chuyển nghĩa vụ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của tài sản cho người bị tình nghi phạm tội sau khi cơ quan có thẩm quyền có bằng chứng đáng tin cậy cho rằng tài sản này có nguồn gốc bất hợp pháp.
Cho phép tịch thu tài sản không dựa trên phán quyết hình sự hoặc khi không chứng minh được tội phạm và cho phép thực hiện một cách trực tiếp hoặc gián tiếp quyết định thu hồi tài sản không dựa trên phán quyết của tòa án nước ngoài...
Cùng với đó, cần xử lý nghiêm khắc các vi phạm pháp luật của những người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập và cả các cá nhân, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập nếu có phát sinh sai phạm. Chỉ khi đa dạng các biện pháp mới kiểm soát hiệu quả tài sản, thu nhập của quan chức.
TTO - Khẩn trương nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập.
Xem thêm: mth.25495347081112202-aoh-ueil-ud-noh-ueihn-nac-nas-iat-taos-meik/nv.ertiout