Sáu nữ sinh viên xuất sắc tốt nghiệp đợt tháng 11-2022 được Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) vinh danh - Ảnh: THY HUYỀN
Sáng 18-11, Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) tổ chức lễ tốt nghiệp và trao bằng cho gần 2.400 tân tiến sĩ, thạc sĩ, kỹ sư, kiến trúc sư và cử nhân. Trong đó, có 27 tiến sĩ, 228 thạc sĩ và trên 2.500 tân kỹ sư, kiến trúc sư, cử nhân tốt nghiệp.
Tại buổi lễ, trường đã vinh danh và khen thưởng sinh viên có thành tích học tập và bảo vệ luận văn tốt nghiệp loại giỏi, đứng đầu danh sách tốt nghiệp các khoa, ngành.
Đáng chú ý, đợt tốt nghiệp này có đến sáu nữ sinh viên đoạt huy chương vàng (tốt nghiệp loại giỏi trở lên, điểm tốt nghiệp cao và đứng đầu ngành).
Đó là các "bóng hồng" Ngô Hoàng Bảo Trân (khoa kỹ thuật hóa học), Nguyễn Thúy An (khoa khoa học và kỹ thuật máy tính), Khấu Thị Ly (khoa kỹ thuật địa chất và dầu khí), Thái Thanh Trúc (khoa công nghệ vật liệu), Lê Ngọc Kim Ngân (khoa môi trường tài nguyên) và Nguyễn Thanh An (khoa khoa học ứng dụng).
Ngô Hoàng Bảo Trân là sinh viên duy nhất của trường đoạt giải thưởng "Nữ sinh Khoa học công nghệ Việt Nam năm 2022" ở lĩnh vực công nghệ kỹ thuật hóa học.
Trân không chỉ có thành tích học tập, nghiên cứu đáng nể mà còn tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa.
Cô sinh viên 5 tốt cấp thành phố năm 2021 đã nhận được nhiều học bổng danh giá như Canada-ASEAN Scholarships and Educational Exchange for Development (SEED 2022); Honda Award 2021, Swing for Dreams 2021, Vallet 2021, Nitori 2020… và hàng loạt giải thưởng trong các cuộc thi học thuật, sáng tạo, hùng biện tiếng Anh…
Bảo Trân chia sẻ: "Để đạt điểm số ổn cần có tính kỷ luật cao, biết chủ động và có một hội bạn chất lượng. Ở mỗi thời điểm, mình sẽ ưu tiên và dồn lực vào một việc dựa theo tính quan trọng của việc đó để có thể dung hòa mọi thứ".
Khấu Thị Ly cho hay hiện cô đang làm việc tại Công ty BKTECHS. Sinh ra và lớn lên ở vùng núi hẻo lánh của tỉnh Quảng Nam, cô sớm có hứng thú với địa chất và luôn tâm niệm "chỉ cần đủ cố gắng thì mọi khó khăn hay định kiến về nghề sẽ chẳng thể ngăn bước mình đi".
Nữ sinh viên này có thành tích học tập "khủng" với việc đạt học bổng khuyến khích học tập 7/8 kỳ. "Ngày mới vào trường, mình đã đổ lỗi cho chương trình Đại học Bách khoa nặng mà không chịu cố gắng. Tuy nhiên sau học kỳ đầu tiên, mình nhận thấy khả năng của mình không chỉ dừng lại ở việc qua môn, mà có thể làm tốt hơn thế nữa" - Ly nói.
Việc cố gắng hết mình đang mang lại cho Ly nhiều danh hiệu: sinh viên giỏi toàn diện năm hai năm liền; sinh viên xuất sắc toàn diện năm 2020 - 2021; sinh viên có thành tích học tập và rèn luyện xuất sắc năm học 2019 - 2020 của khoa, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa sinh viên. Bên cạnh đó, cô còn nhận nhiều học bổng TA VINA năm 2019, học bổng Vallet năm 2020…
Nguyễn Thúy An cũng có đến sáu kỳ liên tục nhận học bổng khuyến khích học tập (riêng hai kỳ cuối không nhận được vì trước đó đã học vượt, không đủ tín chỉ xét học theo quy định của trường). Cô còn tham gia các cuộc thi lập trình để trải nghiệm, điểm luận văn tốt nghiệp 9,5/10.
Cuối năm thứ ba, Thúy An bắt đầu thực tập tại VNG và được giữ lại làm việc ở vị trí Associate Software Engineer.
An cho rằng chương trình học ở Đại học Bách khoa không quá nặng, điều quan trọng là sự cố gắng và khả năng tự học ở mỗi người. Có một nhóm bạn chất lượng, tương trợ lẫn nhau cũng là cách để có thể dễ dàng giải quyết những khó khăn của môn học.
"Tôi không thể thức quá khuya, nên chọn cách phân bổ thời gian hợp lý và lên kế hoạch để tối ưu thời gian, không bị dồn deadline", An cho hay.
Thái Thanh Trúc cho rằng chương trình học của Đại học Bách khoa khá nặng, đòi hỏi sinh viên không chỉ nắm bắt kiến thức trên lớp mà còn phải tìm hiểu sâu hơn các kiến thức liên quan và ứng dụng vào thực tế.
Do vậy nên Trúc luôn ý thức việc phải tự học cũng như chủ động tìm kiếm các nguồn tham khảo khác là cách để trau dồi thêm kiến thức được thầy cô trang bị trên giảng đường.
"Tôi có một cuốn sổ ‘n’ môn, ghi chép lại những thông tin tự thuật một cách ngắn gọn và dễ hiểu nhất có thể. Tôi chia công việc hằng ngày theo tính chất và độ cấp bách để biết việc nào cần thực hiện trước, sau", Trúc chia sẻ.
Đều đặn mỗi kỳ, Trúc đều nhận được học bổng khuyến khích học tập. Cô cũng tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa khác; là thành viên trong CLB Chúng ta cùng tiến của trường với nhiệm vụ soạn tài liệu và hỗ trợ ôn tập cho sinh viên. Hiện tại, Trúc đang tiếp tục theo học chương trình cao học tại trường.
Lê Ngọc Kim Ngân cho hay cơ duyên đưa cô đến với khoa môi trường và tài nguyên là tình yêu thiên nhiên, môi trường. Ngành này không quá khô khan về kỹ thuật nên càng giúp Ngân thêm hứng thú và còn tham gia nghiên cứu khoa học.
"Mình học theo chế độ ‘pomodoro’ 50:10, trong một tiếng sẽ dành 50 phút tập trung học, sau đó giải trí 10 phút. Và đặt mục tiêu cụ thể cho mỗi lần học để nâng cao hiệu suất học tập", Ngân chia sẻ.
Với cách học như vậy, Kim Ngân nhận được học bổng khuyến khích học tập ba năm liền, đạt danh hiệu "Sinh viên 5 tốt" năm 2021.
Nguyễn Thanh An từng đoạt học bổng khuyến khích năm kỳ liên tiếp trong ba năm 2019, 2020, 2021. Cô cho biết theo học ngành kỹ thuật y sinh, sinh viên được có nhiều cơ hội tiếp xúc với các kiến thức mới và trải nghiệm học tập và nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực khác nhau như cơ khí, điện, y tế…
Tuy nhiên, con gái học ngành này sẽ phải cạnh tranh nhiều khi kiếm việc so với các bạn nam.
Thanh An chia sẻ: "Để đạt được kết quả như hôm nay, tôi luôn đặt ra mục tiêu rõ ràng và mong muốn hiểu được mảng kiến thức gì khi đăng ký bất kỳ môn học nào hay nghiên cứu về chủ đề nào. Tôi luôn làm chủ được quỹ thời gian bỏ ra cho môn học".
TTO - Đến nay đã có hơn 1.000 thí sinh nữ trúng tuyển vào Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) năm nay hoàn tất thủ tục nhập học. Đây là năm đầu tiên trường đón nhận số sinh viên nữ nhiều như vậy.
Xem thêm: mth.94224528081112202-aohk-hcab-coh-iad-peihgn-tot-gnav-gnouhc-yuh-taod-neiv-hnis-un-uas/nv.ertiout