Các bị cáo tại tòa - Ảnh: TUYẾT MAI
Theo cáo trạng, lúc 21h20 ngày 11-4-2021, Phòng cảnh sát kinh tế Công an TP.HCM tuần tra phát hiện Hà Bảo Châu đang vận chuyển hai bao hàng hóa, bên trong có 170 mũ bảo hiểm ghi hiệu “NÓN SƠN” trên vỏ mũ.
Nghi vấn đó là hàng giả, tổ công tác lập biên bản bắt người phạm tội quả tang đối với Châu.
Tại cơ quan công an, Châu khai đã mua vỏ mũ bảo hiểm của Đỗ Quang Hải để sản xuất và bán cho Nguyễn Vinh Quang. Cơ quan điều tra đã khám xét khẩn cấp các địa điểm do Châu cung cấp.
Sản xuất 'Nón Sơn' fake, giá rẻ
Theo đó, Châu bắt đầu sản xuất mũ bảo hiểm trơn các loại không có nhãn hiệu để bán ra thị trường từ tháng 10-2020. Châu quen biết Đỗ Quang Hải có bán vỏ mũ bảo hiểm trơn không nhãn hiệu nên Châu liên hệ mua về sản xuất bán ra thị trường.
Đến khoảng tháng 1-2021, Châu liên hệ Hải mua vỏ mũ bảo hiểm đã sơn có chữ “NÓN SƠN” và logo trên vỏ nón các loại với giá từ 9.000 đồng - 16.000 đồng/cái, sau đó Châu mua thêm các nguyên liệu khác bán trôi nổi trên thị trường để sản xuất thành nón bảo hiểm giả nhãn hiệu Nón Sơn.
Mỗi tháng Châu sản xuất được 400 - 500 cái mũ bảo hiểm giả nhãn hiệu Nón Sơn các loại.
Châu trực tiếp chở đi bán cho Nguyễn Vinh Quang với giá sản phẩm loại có hoa văn, có màng phim là 65.000 đồng/cái, loại có lỗ thông gió giá 27.000 đồng/cái, loại trơn giá 20.000 đồng/cái, thu lợi bất chính với số tiền từ 3.000 - 4.000 đồng/cái sau khi đã trừ đi hết tất cả các chi phí.
Tính đến thời điểm bị bắt, Châu đã bán cho Quang khoảng 1.500 cái mũ bảo hiểm giả nhãn hiệu Nón Sơn các loại, thu lợi bất chính khoảng 6 triệu đồng, dùng trả tiền thuê nhà, tiêu xài cá nhân, sinh hoạt gia đình.
Còn Đỗ Quang Hải bắt đầu sản xuất sơn vỏ mũ bảo hiểm các loại từ tháng 6-2020 để bán ra thị trường. Sau đó, thông qua mối quan hệ xã hội, Châu chủ động liên lạc với Hải để đặt mua vỏ nón bảo hiểm trơn, không có in logo, nhãn hiệu để sản xuất mũ bảo hiểm các loại.
Đến tháng 1-2021, Châu liên hệ Hải đặt mua vỏ mũ bảo hiểm có đóng logo “Nón Sơn” trên vỏ nón để sản xuất nón bảo hiểm giả nhãn hiệu Nón Sơn.
Để sản xuất vỏ mũ bảo hiểm, Hải thuê địa điểm, thuê và chỉ đạo 4 nhân công làm giả vỏ mũ bảo hiểm thô có logo in chữ nổi “NÓN SƠN” và bán cho Châu với giá 9.000 - 16.000 đồng/cái.
Tổng cộng, Hải đã bán cho Châu khoảng 3.000 cái vỏ mũ bảo hiểm có logo in chữ nổi “NÓN SƠN” các loại, thu lợi bất chính khoảng 2 triệu đồng, dùng để tiêu xài cá nhân.
Bán ‘Nón Sơn’ giả trên Shopee, Lazada, Sendo
Theo cáo trạng, Nguyễn Vinh Quang và Châu có mối quan hệ thông qua mua bán các loại nón bảo hiểm trên thị trường. Đến khoảng tháng 1-2021, Quang biết Châu có bán mũ bảo hiểm hiệu Nón Sơn nên Quang liên hệ với Châu mua với giá từ 40.000 - 50.000 đồng/cái.
Sau đó, Quang lên các trang mạng thương mại điện tử Shopee, Lazada, Sendo để đăng tải thông tin bán mũ bảo hiểm nhãn hiệu Nón Sơn các loại với giá từ 50.000 - 100.000 đồng/cái.
Khi khách hàng có nhu cầu mua sẽ đăng nhập thông tin cá nhân, địa chỉ liên lạc, sau đó, Quang liên hệ shipper (người giao nhận hàng) với chi phí vận chuyển mỗi lần từ 10% - 15%/tổng giá trị tiền hàng.
Từ thời điểm tháng 1-2021 cho đến khi bị phát hiện, Quang mua của Châu khoảng 2.000 cái mũ bảo hiểm giả nhãn hiệu Nón Sơn các loại, đã bán ra thị trường khoảng 500 cái, thu lợi bất chính số tiền khoảng 3 triệu đồng, dùng để trả tiền nhà và tiêu xài cá nhân.
Quang biết rõ mũ bảo hiểm nhãn hiệu Nón Sơn mua của Châu là giả mạo Nón Sơn chính hãng do Công ty TNHH Thời trang Nón Sơn sản xuất và được bán trong hệ thống cửa hàng của công ty (không bán trôi nổi trên thị trường) vì Nón Sơn do Châu bán không có hóa đơn, chứng từ, giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường.
Tuy nhiên, trong phần xét hỏi, HĐXX đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhằm làm rõ một số tình tiết trong vụ án.
TTO - Kiểm tra nhiều cửa hàng trên địa bàn, cơ quan chức năng Đà Nẵng vừa phát hiện và thu giữ trên 400 nón bảo hiểm nghi giả nhãn hiệu Nón Sơn được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam.
Xem thêm: mth.74432621181112202-nos-non-aig-mal-uv-gnus-ob-art-ueid-os-oh-art-aot/nv.ertiout