Thông tin này được đưa ra tại Diễn đàn Xúc tiến thương mại sản phẩm nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi giá trị do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức sáng ngày 21/11 tại TP.HCM.
Cụ thể, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT cho biết, hiện Việt Nam có hơn 30 đơn vị xuất khẩu các loại rau, quả hữu cơ với thị trường xuất khẩu chủ yếu là Pháp, Đan Mạch, Thụy Sỹ, Thụy Điển, Trung Quốc,... Ngoài ra còn các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ xuất khẩu khác đem lại giá trị hàng triệu USD như cà phê, gạo, điều, hạt tiêu.
Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ hiện nay đạt khoảng trên 335 triệu USD/năm tới 180 thị trường trên thế giới, tăng hơn 418% giá trị xuất khẩu sản phẩm hữu cơ hàng năm giai đoạn 2010-2016. Các sản phẩm hữu cơ được xuất khẩu là chè, tôm, gạo, hạt điều, hạt tiêu, quế, hồi, tinh dầu, gia vị... nhưng với số lượng còn rất hạn chế.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định thị trường nông sản hữu cơ sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới khi nhu cầu tiêu dùng thực phẩm hữu cơ đang có xu hướng tăng cao và vượt quá nguồn cung.
Người tiêu dùng trên thế giới có xu hướng sử dụng nhiều hơn các thực phẩm có nguồn gốc thực vật và gia tăng mối quan tâm về sức khỏe, môi trường và đạo đức. Quy mô thị trường thực phẩm hữu cơ toàn cầu được dự báo tăng trưởng nhanh trong 05 năm tới với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 14%, từ 227,19 tỷ USD vào năm 2021 lên 259,06 tỷ USD vào năm 2022 và đạt 437,36 tỷ USD vào năm 2026 với khu vực tăng trưởng mạnh nhất là Bắc Mỹ và Châu Âu.
Các thị trường lớn như EU, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... cũng đang hướng tăng cường các quy định về chất lượng và an toàn thực phẩm hướng tới bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường. Việt Nam với hai thách thức rất lớn là an toàn vệ sinh thực phẩm và biến đổi khí hậu cũng đang đặt ra ngày càng nhiều các tiêu chuẩn cho ngành nông nghiệp.