“Mùa đông khắc nghiệt”
Những cuộc chạy đôn, chạy đáo và gần như lúc nào cũng phải quá bữa ngay trên những chiếc xế hộp 7 ngày trong tuần để kịp đến trao đổi với đối tác thu xếp tài chính phục vụ thanh khoản không còn là hình ảnh lạ lẫm của lãnh đạo cấp cao các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân trong thời gian gần đây.
Nguồn vốn khan hiếm và sự suy giảm của các hoạt động kinh tế được dự báo trước đó dần hiện hữu, khiến bộ óc của những vị CEO này phải hoạt động gần như hết công suất nhằm tìm cách giải bài toán về vốn, quản trị kinh doanh, duy trì sự ổn định của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản và tài chính.
Hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng năm 2022 được Ngân hàng Nhà nước ấn định ở mức 14% ngay từ đầu năm, cao hơn năm 2021, nhưng nhiều ngân hàng đã sớm cạn.
“Mức tăng trưởng tín dụng 14% năm nay không đủ để đáp ứng hết nhu cầu vốn của doanh nghiệp”, TS. Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhận định.
Hai năm đại dịch Covid-19 đã khiến hầu hết doanh nghiệp hao mòn nguồn lực, nhất là nguồn lực tài chính. Cộng thêm cú sốc trên thị trường vốn khi giá cổ phiếu lao dốc, kênh trái phiếu doanh nghiệp bị tắc..., khiến không ít doanh nghiệp khát vốn, chật vật xoay xở trong bối cảnh được ví là “mùa đông khắc nghiệt”.
Trên sàn chứng khoán, VN-Index tính đến ngày 15/11/2022 giảm xuống sát ngưỡng 900 điểm, mất trên 40% giá trị so với đầu tháng 4/2022. Trong đó, nhóm cổ phiếu bất động sản chịu áp lực giảm mạnh nhất, mức mất giá phổ biến từ 50 - 80% như NVL, DRH, VPH, NLG, SCR, SJS, IDJ, PVL...
Đáng lưu ý, theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, khoảng 130.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản sẽ đáo hạn trong năm 2023, khả năng đảo nợ là rất khó. Bởi lẽ, hiệu ứng rời bỏ thị trường trái phiếu và cả cổ phiếu của nhà đầu tư có thể tiếp diễn, hoặc thận trọng khi giải ngân, dù định giá đang ở mức hấp dẫn.
Định giá P/E của thị trường chứng khoán Việt đã giảm về gần 9 lần, thấp hơn so với nhiều thị trường trong khu vực như Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan... Bên cạnh đó, định giá P/B đang ở mức 1,5 lần, thấp hơn thị trường Indonesia, Philippines, Thái Lan.
Theo thống kê của FIDT, hiếm khi P/E ở mức thấp như hiện tại. Với P/B, chỉ số này từng rơi xuống mức thấp chủ yếu trong giai đoạn cuối năm 2011 đến đầu 2013, đi kèm với đó là tình hình nợ xấu hệ thống ngân hàng gia tăng, lãi suất cho vay có những thời điểm lên đến hơn 20%/năm, lãi suất huy động đạt 15 - 18%/năm, thị trường bất động sản trải qua “mùa đông” kéo dài.
“Những cổ phiếu trước đây 5 - 7 chấm giảm xuống dưới mệnh giá sẽ xuất hiện ngày càng nhiều, tạo cơ hội cho các tổ chức có tiềm lực thực hiện M&A với giá rẻ”, chuyên gia phân tích tại một công ty chứng khoán ở Hà Nội nhận định.
M&A sẽ bước vào giai đoạn mới
Thị trường M&A giai đoạn 2023 - 2024 sẽ là cơ hội cho các nhà đầu tư có sẵn tiền mặt mua lại những dự án hấp dẫn.
Theo dữ liệu từ KPMG, tổng giá trị các giao dịch M&A tại Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2022 là 5,7 tỷ USD, giảm 35,3% so với cùng kỳ năm 2021. Hãng kiểm toán này nhận định, thị trường M&A sẽ sôi động trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh các kênh huy động vốn gặp khó khăn, không ít doanh nghiệp buộc phải tái cấu trúc, bán bớt tài sản, kêu gọi đầu tư do sức ép về tài chính.
Trong khi đó, kinh tế Việt Nam có triển vọng sáng trong trung và dài hạn, sẽ giúp các khoản đầu tư thông qua M&A ghi nhận kết quả tích cực, tạo động lực cho bên mua, bên cạnh mức giá hấp dẫn.
Trong báo cáo mới nhất của mình, ông Mark Ridley, Tổng giám đốc điều hành Savills Global vẫn đánh giá rất cao Việt Nam dưới góc nhìn của các nhà đầu tư toàn cầu, với sự ổn định về kinh tế - chính trị, chi tiêu cơ sở hạ tầng bền vững, dân số trẻ, vị trí thuận lợi trong thương mại toàn cầu...
Theo ông Mark Ridley, Việt Nam đang nhận được sự quan tâm từ các nhà đầu tư trên khắp thế giới. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 dự báo ở mức 2,5%, các thị trường như Anh và châu Âu có nguy cơ suy thoái trong hai quý tiếp theo. Điều này sẽ tiếp tục thúc đẩy sự quan tâm từ các nhà đầu tư nước ngoài khi Việt Nam đang sở hữu cơ hội tăng trưởng cao.
Ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, nếu những nội dung trong Nghị quyết 31/2021/QH15 của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 được thực thi đúng, tốt và đầy đủ, thì Việt Nam sẽ có một nền kinh tế chất lượng, tạo ra những tác động tích cực cho thị trường vốn, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp và thị trường M&A phát triển.
Bảo hiểm là một trong những lĩnh vực tiềm năng, có khả năng tiếp tục thu hút các dòng vốn thực hiện M&A.
Báo cáo đánh giá mới nhất của Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho biết, thị trường bảo hiểm Việt Nam rất hấp dẫn các doanh nghiệp bảo hiểm trên toàn cầu do tỷ lệ xâm nhập thấp, tốc độ tăng trưởng cao...
Thực tế, hoạt động M&A trong lĩnh vực bảo hiểm tại Việt Nam khá sôi động trong những năm gần đây. Trong đó, quan hệ đối tác là cách các công ty bảo hiểm nước ngoài áp dụng để bước chân vào thị trường Việt Nam. Thời gian đã chứng minh, trong một ngành non trẻ và cạnh tranh quyết liệt, mô hình hợp tác với một doanh nghiệp bảo hiểm trong nước hiểu biết về thị trường, pháp luật và văn hóa kinh doanh sẽ là cách nhanh nhất để nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường.
Hầu hết công ty bảo hiểm lớn, hoạt động hiệu quả đã hoàn thành việc tìm kiếm đối tác chiến lược nước nước ngoài, điển hình như Sumitomo của BVH, HDI Global SE (Talanx sở hữu 100%) của PVI, Samsung Fire and Marine Insurance của PGI, DongBu của PTI, Fairfax của BIC, Metlife của BIDV, AXA của BMI. Cơ hội cho những thương vụ mới vẫn còn khi nhu cầu về bảo hiểm ngày một gia tăng.
Đáng lưu ý, xu thế M&A đang mở rộng hơn, không chỉ ở trong các lĩnh vực truyền thống, mà lan sang nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác, trong đó có công nghệ thông tin hay game blockchain.
“Một lượng vốn lên đến hàng chục triệu USD từ các quỹ ngoại đang chờ đợi đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực blockchain tại Việt Nam. Động lực của xu hướng này chính là mục tiêu hợp nhất các hoạt động. Những công ty lớn sẽ mua lại những công ty cung cấp dịch vụ bổ sung có quy mô nhỏ hơn, giúp họ hoàn thiện một hệ thống dịch vụ thống nhất”, ông Trịnh Ngọc Đức, Chủ tịch D.lion Group, một trong những quỹ đầu tư mới nổi trong mảng blockchain tại Việt Nam cho biết.
Theo TS. Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam, thị trường M&A giai đoạn 2023 - 2024 là cơ hội cho các nhà đầu tư có sẵn tiền mặt mua lại những dự án hấp dẫn.
“Có thể nói, đây là thị trường của người mua, không phải là thị trường của người bán nữa. Đặc biệt, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ góp mặt nhiều hơn trong thời gian tới, bởi vì nguồn tiền trong nước đang hạn hẹp khi lãi suất tăng lên và thanh khoản ít dần”, ông Ái nói.
Diễn đàn M&A Việt Nam lần thứ 14 - năm 2022 có chủ đề “Kích hoạt những cơ hội mới” sẽ diễn ra lúc 13h ngày 23/11/2022 tại GEM Center, TP.HCM.
Sự kiện thường niên uy tín về M&A và kết nối đầu tư do Báo Đầu tư tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ thảo luận chuyên sâu các cơ hội khi hoạt động M&A tại Việt Nam tiếp tục thu hút dòng tiền từ các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính và các quỹ đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các quỹ đầu tư tư nhân có lượng tiền dự trữ dồi dào.
Chi tiết xem tại: https://vir.com.vn/data/VIR-Events/mavietnam/index.html