vĐồng tin tức tài chính 365

Hóa chất Đức Giang (DGC): Nhiều yếu tố không thuận lợi

2022-11-21 15:15

Kết quả kinh doanh đã đạt đỉnh?

Trong thư gửi cổ đông mới đây, ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hoá chất Đức Giang cho biết: “Trong lịch sử 8 năm kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán, chưa bao giờ cổ phiếu DGC sập sàn 5 phiên liên tiếp, điều bất thường này lại xảy ra vào năm mà kết quả sản xuất - kinh doanh của DGC cao nhất từ trước tới nay. Doanh thu ước đạt trên 14.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ước đạt trên 6.000 tỷ đồng.

Ngay trong quý IV/2022, lãi tháng 10, tháng 11 ước tính khoảng 800 tỷ đồng, chắc chắn đạt kế hoạch đề ra là 1.100 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cho cả quý cuối năm.

Mọi hoạt động của Tập đoàn vẫn bình thường, về tài chính, tôi có thể tự hào rằng DGC là một trong những công ty có nền tảng tài chính tốt nhất Việt Nam với số dư tiền gửi trên 8.000 tỷ đồng và số nợ vay phải trả khoảng 600 tỷ đồng. Là công ty xuất khẩu lớn nên đã hưởng chênh lệch tỷ giá hàng chục tỷ đồng mỗi tháng. Tuy giá cả có giảm cho một số mặt hàng, nhưng lợi nhuận vẫn rất tốt, gần như không có hàng tồn kho, không có nợ xấu…”.

Trước đây, Hóa chất Đức Giang xếp sau Đạm Cà Mau (DCM) về quy mô vốn hóa, song chỉ sau 1 năm đại dịch (năm 2021), vốn hóa của doanh nghiệp này đã tăng hơn 15 lần (DCM cũng tăng mạnh nhưng chỉ đạt 8 lần) và chính thức trở thành doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất ngành hóa chất - phân bón.

Doanh thu và lợi nhuận của Hóa chất Đức Giang nhiều khả năng đã đạt đỉnh.

Tại mức đỉnh 230.000 đồng/cổ phiếu vào thời điểm cuối quý I/2022, quy mô vốn hoá của DGC đạt 1,7 tỷ USD. Nhưng cùng với đà đi xuống mạnh của thị trường chung, giá cổ phiếu DGC rơi về mức 54.900 đồng/cổ phiếu tức mất hơn 76% giá trị so với đỉnh.

Kể từ năm 2021 tới nay, các doanh nghiệp hoá chất cơ bản như Hóa chất Đức Giang được hưởng lợi lớn từ đà tăng phi mã của giá hàng hóa trên thị trường thế giới bởi nhu cầu cao do hoạt động sản xuất tiếp tục hồi phục sau dịch, trong khi nguồn cung bị đứt gãy, ảnh hưởng từ sự thay đổi chính sách của Trung Quốc và xung đột Nga - Ukraine.

Cụ thể, Trung Quốc - thị trường sản xuất các sản phẩm hóa chất lớn trên thế giới và có xuất khẩu vào Việt Nam - tiếp tục chiến dịch phong tỏa thành phố, đồng thời tiến hành các chính sách như cấm xuất khẩu một số mặt hàng, cắt giảm sản lượng để bảo vệ môi trường khiến mặt bằng giá chung các mặt hàng hoá chất tại Việt Nam và trên thế giới đều cao hơn.

Quý III vừa qua, Hóa chất Đức Giang ghi nhận doanh thu thuần 3.695,88 tỷ đồng (tăng 75,46% so với cùng kỳ), lợi nhuận sau thuế 1.513,7 tỷ đồng (tăng 210,13% so với cùng kỳ). Sau 9 tháng đầu năm, Công ty đã hoàn thành 93,52% kế hoạch doanh thu cả năm và vượt 40% kế hoạch lợi nhuận.

Mặc dù vậy, theo nhận định của Công ty Chứng khoán KB (KBSV), doanh thu và lợi nhuận của Hóa chất Đức Giang nhiều khả năng đã đạt đỉnh trong nửa cuối năm 2022 và có xu hướng giảm dần trong thời gian tới.

Nhiều thách thức và áp lực

Phốt pho vàng (P4) là sản phẩm xuất khẩu chính của Hóa chất Đức Giang, đóng góp hơn 50% tổng doanh thu và đóng góp quan trọng vào đà tăng trưởng đột biến về kết quả kinh doanh của Công ty trong thời gian qua. Tuy vậy, thị trường phốt pho vàng thế giới đang diễn biến bất lợi, xuất hiện tình trạng dư cung trong bối cảnh cầu ở hạ nguồn yếu.

Báo cáo thăm doanh nghiệp tháng 11/2022 của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, Ban lãnh đạo DGC đánh giá, trong bối cảnh suy thoái kinh tế đang diễn ra, nhu cầu điện tử có thể sụt giảm mạnh trong năm 2023. Cụ thể, nhiều nhà sản xuất chip và chất bán dẫn (Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ) lên kế hoạch giảm sản lượng do lo ngại tồn kho lớn và rủi ro dư cung trong quý IV/2022 và nửa đầu năm 2023. Hóa chất Đức Giang dự kiến sẽ giảm giá bán, đồng thời giảm sản lượng xuất khẩu phốt pho vàng trong năm 2023. Giá bán dự kiến neo ở 4.500 - 6.000 USD/tấn, giảm 10-30% so với năm 2022.

Ngành sản xuất chất bán dẫn nhiều khả năng đã đạt đỉnh vào quý III/2022. Doanh thu tất cả các mặt hàng chính của TSMC, nhà sản xuất chip lớn nhất Đài Loan đều tăng trưởng trong quý III, đặc biệt là doanh số bán chip điện thoại và các sản phẩm liên quan đến Internet. Tồn kho của các doanh nghiệp kinh doanh chip và chất bán dẫn được TSMC dự báo đã đạt đỉnh trong quý III/2022 và sẽ trải qua áp lực điều chỉnh đến sớm nhất là nửa sau năm 2023.

Việc bỏ giãn cách xã hội và lạm phát tăng cao tại Mỹ và các nước châu Âu khiến cho nhu cầu tiêu thụ máy tính, điện thoại và các sản phẩm công nghệ giảm sút. Các doanh nghiệp cũng theo đó cũng trì hoãn việc triển khai các sản phẩm mới, khiến cho đà sụt giảm trở nên trầm trọng hơn.

Với mảng kinh doanh phân bón, giá phân DAP chịu áp lực điều chỉnh trong ngắn hạn. Cụ thể, nhu cầu tiêu thụ nội địa chậm do trái vụ khiến giá phân DAP sụt giảm 25% từ mức đỉnh thiết lập hồi tháng 5, xuống mức 19.600 đồng/kg, tương đồng với diễn biến trên thị trường quốc tế. Trong ngắn hạn, nhu cầu tiêu thụ DAP duy trì ở mức thấp sẽ tiếp tục gây áp lực giảm giá tới các nhà cung cấp trong nước.

Tuy nhiên, mức độ sụt giảm sẽ không quá lớn trong bối cảnh vẫn khan hàng và lượng hàng dự trữ tại các kho của nhà phân phối lớn không còn nhiều. Bước sang nửa đầu năm 2023, giá phân DAP được dự báo sẽ lùi về quanh ngưỡng 14.400 - 15.800 đồng/kg trước áp lực nguồn cung xuất khẩu có xu hướng gia tăng đến từ Nga và Trung Quốc.

Giải pháp được Hóa chất Đức Giang đưa ra là chủ động đẩy mạnh xuất khẩu phân bón sang các quốc gia ASEAN như Indonesia, Philippines, Ấn Độ, Bangladesh do nguồn cung phân bón thế giới vẫn kém vì Nga và Trung Quốc - hai quốc gia xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới áp hạn ngạch xuất khẩu các loại phân bón quan trọng như Urea, DAP, MAP, NPK.

Năm 2023, Nhà máy NPK của DGC sẽ đi vào hoạt động 2023, dự kiến khai thác 10.000 tấn/năm. Dù vậy, giá nông sản sụt giảm tác động tiêu cực đến tiêu thụ vật tư nông nghiệp, trong đó có phân bón. Chỉ số FAOFOODI, giá giao ngay của 55 mặt hàng thực phẩm trên thế giới, đã sụt giảm 14% từ mức đỉnh thiết lập hồi tháng 5/2022 trước những lo ngại về rủi ro suy thoái kinh tế sẽ tác động tiêu cực đến xuất khẩu nông sản toàn cầu.

Một diễn biến không thuận lợi khác là Dự án Nghi Sơn chậm tiến độ so với dự kiến (muộn nhất tháng 6/2023 sẽ khởi công giai đoạn 1 và tầm một năm sau sẽ đi vào hoạt động). Sản lượng sản xuất giai đoạn 1 của Nghi Sơn đạt xấp xỉ 50.000 tấn PVC.

“Chúng tôi quan ngại về những thách thức mà Hoá chất Đức Giang phải đối mặt trong năm 2023. Thứ nhất, mảng phốt pho vàng có thể ghi nhận mức tăng trưởng âm do suy thoái kinh tế đang diễn ra, dự báo nhu cầu điện tử sụt giảm mạnh trong 2023. Công ty dự kiến sẽ giảm giá bán, đồng thời giảm sản lượng xuất khẩu phốt pho vàng trong năm 2023. Thứ hai, Dự án Nghi Sơn đi vào hoạt động chậm hơn so với kế hoạch. Thứ ba, giá phân bón khó tăng mạnh do tồn kho từ nửa đầu năm, nông dân lo ngại mở rộng diện tích canh tác khi chi phí trồng trọt tăng và giá nông sản có xu hướng quay đầu giảm trong bối cảnh lạm phát kéo dài và khủng hoảng năng lượng. Với những thách thức nêu trên, chúng tôi nhận định giá cổ phiếu DGC khó tăng mạnh trong ngắn hạn”, BVSC nhận định.

Xem thêm: lmth.383013tsop-iol-nauht-gnohk-ot-uey-ueihn-cgd-gnaig-cud-tahc-aoh/nv.naohkgnuhchnahnnit.www

Comments:0 | Tags:Tin nhanh chứng khoán

“Hóa chất Đức Giang (DGC): Nhiều yếu tố không thuận lợi”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools