Bộ Công Thương đã có Văn bản số 7290/BCT-XNK gửi các Bộ, ngành, cơ quan về hồ sơ xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo.
Bộ Công Thương cho biết, sau hơn 4 năm triển khai, ngoài những tác động tích cực tới hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu mặt hàng gạo, Bộ Công thương cho rằng, Nghị định 107/2018/NĐ-CP đã bộc lộ một số vấn đề bất cập cần phải sửa đổi cho phù hợp với tình hình kinh doanh, bao gồm quy định về chế độ báo cáo số liệu thống kê hợp đồng xuất khẩu và thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo; về kiểm tra điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo; về gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng; về công tác phối hợp với các bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan liên quan tổ chức điều hành xuất khẩu gạo bảo đảm các nguyên tắc quy định tại Nghị định; về triển khai chương trình xúc tiến thương mại theo cơ chế đặc thù đối với mặt hàng gạo; về ủy thác xuất khẩu; xuất hiện tình trạng nhập khẩu gạo trong bối cảnh giá lương thực tăng cao và gạo Việt Nam xuất khẩu chuyển hướng tập trung sang phân khúc gạo cao cấp hơn; về hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.
Cụ thể, Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 Điều 24 Nghị định số 107/2018/NĐ-CP quy định, thương nhân thực hiện báo cáo định kỳ hàng quý, hàng năm về tình hình ký kết và thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo, tồn kho.
Nhưng, thực tế hoạt động thời gian qua ghi nhận, nhiều thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo chưa thực hiện nghiêm túc trách nhiệm báo cáo theo quy định như không báo cáo, báo cáo không đầy đủ nội dung theo quy định.
"Số lượng thương nhân báo cáo chỉ đạt khoảng 30 - 50% trong tổng số thương nhân đã được Bộ Công thương cấp Giấy chứng nhận. Do đó, dẫn đến tình trạng cơ quan quản lý thiếu thông tin, số liệu thực tế chính xác để phục vụ công tác điều hành xuất khẩu gạo tại một số thời điểm", Bộ Công thương chỉ rõ.
Quy định về kiểm tra điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo cũng không còn phù hợp, cần được xem xét sửa đổi. Cụ thể, Điều 5 Nghị định quy định, Sở Công thương địa phương chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cơ quan liên quan tổ chức hậu kiểm kho chứa, cơ sở xay, xát thóc, gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo của thương nhân sau khi thương nhân được cấp Giấy chứng nhận.
Khi triển khai đã bộc lộ một số hạn chế như: chậm tiến hành hậu kiểm do không xác định được Sở Công thương tại tỉnh/thành phố nào chủ trì do thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo có thể kê khai kho chứa, cơ sở xay xát thóc gạo tại nhiều địa phương để được cấp Giấy chứng nhận.
Việc duy trì điều kiện kinh doanh của các thương nhân còn chưa được quan tâm, đáp ứng, đặc biệt là về vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng cháy, chữa cháy..., nhưng chưa được Sở Công thương các tỉnh kịp thời giám sát, báo cáo…
Sở Công thương các tỉnh/thành phố chưa có sự chủ động trong công tác quản lý nhà nước kiểm tra, báo cáo về việc duy trì điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, về việc thay đổi thông tin, năng lực sản xuất của thương nhân trên địa bàn mà chủ yếu thực hiện
nhiệm vụ khi Bộ Công thương phát hiện vấn đề và có văn bản chỉ đạo.
Ngoài ra, Bộ Công thương cho rằng, cần bổ sung thêm cơ chế về sự phối hợp giữa các Bộ, ngành liên quan, các địa phương đảm bảo hiệu quả thực thi chính sách trong tổ chức điều hành xuất khẩu gạo.
Cụ thể, Nghị định Nghị định số 107/2018/NĐ-CP quy định cụ thể trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương liên quan trong điều hành xuất khẩu gạo như: điều tiết giá cả , bình ổn thị trường nội địa, phát triển thi ̣ trường xuất khẩu, ký kết, tổ chức thưc ̣hiên các bản ghi nhớ, thỏa thuận về thương mại gạo, điều hàng thị trường tập trung, xây dựng vùng nguyên liệu…
Nhưng thực tiễn triển khai, trong một số trường hợp cấp bách như giãn tiến độ xuất khẩu gạo năm 2020, sự phối hợp giữa các bộ, ngành có thời điểm chưa thực sự tốt.
Đối với quy định về ủy thác xuất khẩu, tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP chưa có điều khoản này. Do đó, Bộ Công thương cho rằng, nghị định sửa đổi cần điều chỉnh quy định về nhận ủy thác xuất khẩu đối với kinh doanh xuất khẩu gạo tạo sự công bằng đối với tất cả các thương nhân.
Theo quy định tại Luật Quản lý ngoại thương, tất cả hàng hóa lưu thông hợp pháp đều có thể được ủy thác mua bán. Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, điều kiện, bên ủy thác hoặc bên nhận ủy thác phải có giấy phép, đáp ứng điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu trước khi ký hợp đồng ủy thác hoặc nhận ủy thác, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 107/2018/NĐ-CP quy định thương nhân đáp ứng đủ điều kiện quy định tại Nghị định và được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, có quyền kinh doanh xuất khẩu gạo.
Bộ cho rằng, quy định về ủy thác xuất nhập khẩu tại Luật Quản lý ngoại thương, sẽ có trường hợp thương nhân đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo ủy thác cho thương nhân không được cấp Giấy chứng nhận thực hiện xuất khẩu gạo, làm thủ tục xuất khẩu gạo tại cơ quan hải quan.
Mặc dù chưa ghi nhận trường hợp thực tế nào, nhưng trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 107/2018/NĐ-CP, thương nhân có thể tận dụng kẽ hở pháp luật để thực hiện mục đích xuất khẩu.
Do đó, để bảo đảm hiệu quả thực thi của văn bản quy phạm pháp luật, nghị định sửa đổi cần điều chỉnh quy định về nhận ủy thác xuất khẩu đối với kinh doanh xuất khẩu gạo tạo sự công bằng đối với tất cả các thương nhân.
Đặc biệt, Bộ lưu ý về tình trạng nhập khẩu gạo trong bối cảnh giá lương thực tăng cao và gạo Việt Nam xuất khẩu chuyển hướng tập trung sang phân khúc gạo cao cấp hơn.
Việt Nam là nước nông nghiệp chủ yếu sản xuất lúa gạo, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến phục vụ sản xuất, giảm tổn thất sau thu hoạch, sản lượng lúa gạo hàng năm của Việt Nam tương đối dồi dào, đảm bảo an ninh lương thực, dự trữ quốc gia và dành một lượng nhất định cho xuất khẩu.
Hàng năm, Việt Nam dành khoảng 6 – 6,5 triệu tấn gạo cho xuất khẩu gạo. Do vậy, khi xây dựng Nghị định số 107/2018/NĐ-CP, hoạt động nhập khẩu gạo không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 107/2018/NĐ-CP bảo đảm phù hợp với thực tế tại thời
điểm xây dựng nghị định.
Tuy nhiên, trước tác động của các yếu tố khách quan và chủ quan, Việt Nam đã nhập khẩu một số loại gạo để phục vụ các nhu cầu trong nước như sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất bia. và dành lượng gạo chất lượng cao hơn cho xuất khẩu.
Trong năm 2021, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng lượng gạo nhập khẩu của Việt Nam là 999.750 tấn. Trong đó, nhập khẩu từ Ấn Độ lên mức 719.970 tấn (chiếm 72,02% tổng lượng nhập khẩu gạo của cả nước), chủng loại gạo nhập khẩu chủ yếu là gạo tấm (thuộc phân nhóm HS 100640), gạo trắng khác (thuộc phân nhóm HS 100630). Gạo nhập khẩu từ Ấn Độ chủ yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong nước để làm bún, bánh, thức ăn chăn nuôi, sản xuất bia, rượu...
Việc xuất khẩu, nhập khẩu gạo trong nền kinh tế thị trường, với giá nhập khẩu thấp hơn trong nước hoặc các loại gạo trong nước sản xuất được, nhưng không đáp ứng nhu cầu thị trường đang diễn ra.
Việc nhập khẩu gạo quá nhiều nhưng không được quản lý, thống kê đầy đủ, kịp thời sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất trong nước, tác động đến sản xuất lúa gạo của Việt Nam. Do đó, Bộ Công thương cho rằng, cần có quy định về quản lý nhập khẩu gạo để giúp cơ quan quản lý nhà nước chủ động, kịp thời điều tiết, điều hành hoạt động nhập khẩu gạo phù hợp với mục tiêu quản lý trong từng thời kỳ.
Về hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, tại Điều 4 Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đã quy định có kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo đáp ứng phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kho chứa và cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo do cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định của
Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Tuy nhiên, hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 107/2018/NĐ-CP gồm: Đơn đề nghị theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục kèm theo Nghị định; Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đầu tư; Hợp đồng thuê kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo (đối với trường hợp thương nhân thuê kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến) hoặc giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến (đối với trường hợp kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thuộc sở hữu của thương nhân. Như vậy, trong thành phần hồ sơ chưa thể hiện kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo đáp ứng điều kiện theo quy định. Thực tiễn triển khai, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo khi gửi hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đã có thêm tài liệu, chứng từ chứng minh kho chứa, cơ sở xay, xát thóc, gạo đáp ứng điều kiện.
Theo Bộ Công Thương, để kịp thời khắc phục những vướng mắc, bất câp nêu trên cần xây dựng, ̣ban hành một Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2018/NĐ-CP để hoàn thiện khung pháp lý, thúc đẩy phát triển ngành sản xuất, xuất khẩu gạo ổn đinh, bền vững, hiệu quả; nâng cao năng lưc, sức cạnh tranh của ngành hàng trên trường quốc tế, góp phần nâng cao thu nhâp và đời sống của người nông dân, hiêu quả kinh doanh xuất khẩu gao và cơ chế quản lý, điều hành xuất khẩu gao đáp ứng yêu cầu thưc tiễn hiện nay.
Tuệ Minh