Sau diễn biến giằng co ở phiên sáng và dần đuối sức về cuối phiên, thị trường tiếp tục bước vào phiên giao dịch chiều không mấy khả quan. Áp lực bán vẫn chủ yếu tập trung ở nhóm cổ phiếu bluechip khiến VN-Index khó hồi phục. Chỉ số này đã dao động nhẹ quanh vùng giá 960 điểm điểm trong gần 1 giờ giao dịch.
Mốc 14h điểm, thị trường lại trong kịch bản cũ khi đà giảm điểm càng nới rộng hơn bởi áp lực bán gia tăng ở nhóm cổ phiếu bluechip đã lan rộng ra khiến nhiều mã vừa và nhỏ không giữ được mức giá cao nhất.
Trong đợt khớp lệnh ATC, thị trường có bật hồi đôi chút giúp VN-Index lấy lại mốc 960 điểm khi vẫn để mất hơn 8 điểm, dù bảng điện tử hiển thị khá đẹp mắt với sắc xanh chiếm ưu thế, gần gấp rưỡi số mã giảm, trong đó có tới hơn 1/5 số mã tăng đã khoe sắc tím thành công.
Thị trường đã đóng cửa phiên đầu tuần trong trạng thái đỏ vỏ xanh lòng, trong đó tác nhân chính đến từ gánh nặng của nhóm cổ phiếu bluechip. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ đang có diễn biến ngược dòng thành công với hàng loạt mã đua nhau tăng trần cùng thanh khoản sôi động. Tuy nhiên, tổng thanh khoản của thị trường đã giảm đáng kể, bởi giao dịch khá yếu từ nhóm cổ phiếu bluechip.
Đóng cửa, sàn HOSE có 259 mã tăng (53 mã tăng trần) và 177 mã giảm, VN-Index giảm 8,68 điểm (-0,9%) xuống 960,65 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 597,72 triệu đơn vị, giá trị 8.784,91 tỷ đồng, giảm 37,77% về khối lượng và 35,89% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 18/11.
Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 75 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 1.374,4 tỷ đồng. Trong đó, riêng KDH đóng góp 20 triệu đơn vị, giá trị 444 tỷ đồng.
Cũng như phiên sáng nay, cổ phiếu GVR vẫn là mã tăng tốt nhất của rổ VN30 khi đóng cửa đã lấy lại được mức giá trần 13.000 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 2,82 triệu đơn vị, dư mua trần gần 30.000 đơn vị.
Các mã khác trong nhóm giữ được sắc xanh có POW tăng 2%, SAB tăng 1,9%, KDH tăng 1,4%, VNM tăng 1,2%, PLX tăng 0,8%, VIB tăng 0,5%. Cùng với đó, bộ 3 cổ phiếu ngân hàng là MBB, TPB, VPB đứng giá tham chiếu.
Còn lại có tới 20 mã giảm với mức giảm chủ yếu trên 1%. Trong đó, cặp đôi NVL và PDR vẫn trong trạng thái dư bán sàn chất đống, tương ứng 55,81 triệu đơn vị và 101,72 triệu đơn vị.
Các mã lớn khác cũng nới rộng biên độ giảm như MWG giảm 3,6%, GAS giảm 2,6%, CTG và VIC cùng giảm 2,4%, VHM giảm 2,2%, FPT cùng bộ đôi ngân hàng là TCB và VCB cùng giảm 2%...
Trong khi đó, ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, hàng loạt mã như DIG, HAG, HSG, HQC, LDG… đều đóng cửa trong sắc tím với thanh khoản sôi động, trong đó DIG khớp lệnh hơn 29,4 triệu đơn vị và dư mua trần 2,15 triệu đơn vị; các mã HAG, HSG, HQC cũng khớp hơn 10 triệu đơn vị.
Xét về nhóm ngành, nhóm bất động sản vẫn thuộc top giảm mạnh bởi sự cản đường của các mã lớn như VIC, VHM, VRE, BCM, NVL, PDR, dù ở top vừa và nhỏ, hàng loạt mã đua trần thành công như NLG, DXS, LDG, TCH, LCG, TCD, DPG, TDH, HQC, DRH, CII…
Tương tự, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng có diễn biến phân hóa, với điểm tích cực thuộc về nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ khi APG, PAS, PHS, PSI, SBS đều đóng cửa tăng kịch trần.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng có phần tiêu cực hơn trong phiên chiều khi chỉ còn VIB nhích nhẹ 0,5% và SHB tăng 2,97%, còn lại đứng giá hoặc mất điểm. Đáng kể vẫn là EIB nhanh chóng quay về nằm sàn sau phiên đảo chiều tăng trần cuối tuần trước. Kết phiên, EIB đứng ở mức giá sàn 18.050 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 12,6 triệu đơn vị và dư bán sàn hơn 2,4 triệu đơn vị.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu thép hầu hết đều khởi sắc ngoại trừ cổ phiếu HPG vẫn giữ mức giảm 1%, đóng cửa đứng tại mức giá 14.950 đồng/CP với thanh khoản dẫn đầu, đạt hơn 31,6 triệu đơn vị khớp lệnh. Cặp HSG và NKG đóng cửa tăng trần hoặc sát trần với giao dịch khá sôi động, lần lượt đạt 11,42 triệu đơn vị và hơn 7,18 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, nhóm cổ phiếu bluechip tiếp tục là trụ đỡ chính dẫn dắt đà tăng điểm của thị trường.
Chốt phiên, sàn HNX có 122 mã tăng (37 mã tăng trần) và 62 mã giảm, HNX-Index tăng 1,53 điểm (+0,8%), lên 192,4 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 52 triệu đơn vị, giá trị 572,18 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5 triệu đơn vị, giá trị 134,74 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 đóng cửa tăng gần 7 điểm khi hầu hết đều khởi sắc, ngoại trừ 3 mã là TAR, PVS và VC3 cùng giảm hơn 2%.
Nhóm cổ phiếu than tiếp tục tỏa sáng với cặp đôi TVD và NBC cùng đóng cửa tăng kịch trần, các mã còn lại cũng đều nới rộng đà tăng mạnh như HLC tăng 7,35%, MDC tăng hơn 8%, TC6 tăng 6,52%, TCS tăng 3,95%...
Ở nhóm cổ phiếu đáng chú ý, CEO cũng giữ vững đà tăng trần với khối lượng khớp lệnh đạt 4,18 triệu đơn vị và dư mua trần 1,43 triệu đơn vị; đặc biệt là màn đảo chiều ngoạn mục của HUT với mức biến động lên tới hơn 20%, từ mức giá sàn khi mở cửa đã kéo trần thành công khi đóng cửa tại mức giá 14.100 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 1,63 triệu đơn vị..
Tuy nhiên, dẫn đầu thanh khoản thị trường vẫn thuộc về SHS với khối lượng khớp lệnh hơn 9 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,9% lên mức 7.200 đồng/CP.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, hàng loạt mã như AMV, IDJ, APS, BII, VGS, DL1, KVC, DVG, FID, API… cũng đồng loạt tăng cửa ở mức giá trần.
Trên UPCoM, thị trường duy trì đà tăng nhẹ trong suốt cả phiên chiều.
Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,49 điểm (+0,73%), lên 67,64 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 28,82 triệu đơn vị, giá trị 287,03 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 13,8 triệu đơn vị, giá trị 181,49 tỷ đồng.
Cổ phiếu BSR vẫn giữ mức giá 12.800 đồng/CP, tăng 1,6% với khối lượng khớp lệnh vẫn lớn nhất thị trường, đạt hơn 5,53 triệu đơn vị.
Trong khi đó, hàng loạt mã như VHG, SBS, DDV đều đóng cửa trong trạng thái dư mua trần với khối lượng khớp lệnh đạt một vài triệu đơn vị.
Một số mã đáng chú ý khác cũng giao dịch khởi sắc như PAS tăng 4,8%, C4G tăng 10,1%, VGT tăng 10,9%, VGI tăng 5,5%, CEN tăng kịch trần…
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều mất điểm, trong đó hợp đồng VN30F2212 giảm 24,8 điểm, tương đương -2,6% xuống 938,2 điểm, khớp lệnh gần 443.490 đơn vị, khối lượng mở gần 38.940 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng chiếm áp đảo, nhưng mã CTCB2211 dẫn đầu thanh khoản với gần 1,7 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa tăng 25% lên 50 đồng/CQ.
Đứng ở vị trí thứ 2 là CVPB2212 khớp lệnh 1,08 triệu đơn vị cũng đóng cửa tăng 4,3% lên 240 đồng/CQ.