Tên lửa đẩy Trường Chinh 2D mang theo 3 vệ tinh được phóng vào vũ trụ vào ngày 23-6. Thiết bị cánh buồm cũng được gắn vào tên lửa và tự động kích hoạt sau 3 ngày - Ảnh: XINHUA
Hàng trăm triệu mảnh vỡ do hoạt động không gian của con người tạo ra đang quay quanh Trái đất, bao gồm mảnh vỡ từ tên lửa đẩy, các vệ tinh không còn hoạt động.
Hãng tin Tân Hoa xã cho biết với mong muốn giải quyết vấn đề rác thải trong không gian, các nhà khoa học hàng không vũ trụ Trung Quốc đã tìm cách sử dụng một "cánh buồm" lớn để phá hủy quỹ đạo tàu vũ trụ, khiến chúng rơi xuống Trái đất.
Thiết bị mô phỏng cánh buồm này được làm bằng một màng mỏng, có độ dày xấp xỉ nhỏ hơn 1/10 độ dày của một sợi tóc. Khi gấp lại, kích thước của "cánh buồm" này nằm gọn trong lòng bàn tay của một người lớn, nhưng khi mở ra có thể bao phủ diện tích lên đến 25m2.
Thiết bị này sẽ tự động vận hành khi các vệ tinh/tàu vũ trụ ngừng hoạt động. Khi mở ra, thiết bị sẽ làm tăng ma sát không khí, giảm tốc độ của vật thể trong quỹ đạo, tăng tốc độ lao xuống khí quyển và bốc cháy trong quá trình này.
Công nghệ này đã được thử nghiệm trong sứ mệnh không gian mới nhất của Trung Quốc, khi tên lửa đẩy Trường Chinh 2D mang theo 3 vệ tinh được phóng vào vũ trụ vào ngày 23-6. Thiết bị cánh buồm cũng được gắn vào tên lửa và tự động kích hoạt sau 3 ngày.
Theo Học viện Công nghệ vũ trụ Thượng Hải - đơn vị sản xuất thiết bị, đây là lần đầu tiên một thiết bị dọn dẹp rác ngoài không gian với công nghệ mới được triển khai.
"Thiết bị tương tự cánh buồm này sẽ giúp giải phóng không gian của quỹ đạo", ông Li Yide, người đứng đầu học viện, cho biết.
Ông Li cũng đưa ra ví dụ cho thấy với một vệ tinh với khối lượng 15kg ở độ cao 700km, nếu không có biện pháp dọn dẹp khi ngưng hoạt động, sẽ tiếp tục quay quanh quỹ đạo trong 120 năm.
Tuy nhiên, khi cho tích hợp thiết bị cánh buồm với diện tích 2m2, thời gian chuyển động của vật thể này trong quỹ đạo sẽ giảm xuống còn dưới 10 năm.
Không giống như các phương pháp loại bỏ rác vũ trụ truyền thống như sử dụng robot hay công nghệ lưới và dây buộc, thiết bị cánh buồm này dọn dẹp rác vũ trụ mà không cần tiêu thụ nhiều nhiên liệu, khi chỉ cần một lượng điện nhỏ để hoạt động.
Học viện Công nghệ vũ trụ Thượng Hải đã nghiên cứu công nghệ cánh buồm trong hơn 10 năm. Công nghệ của họ hiện có thể đáp ứng nhu cầu loại khỏi quỹ đạo nhiều loại tàu vũ trụ, từ các vệ tinh nano siêu nhỏ đến các thiết bị phóng lớn có khối lượng lên đến vài tấn.
Thiết bị cánh buồm đã được trưng bày trước công chúng tại Triển lãm Hàng không Trung Quốc 2022, diễn ra vào đầu tháng 11.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tăng cường các nỗ lực nghiên cứu để giảm nguy cơ va chạm trên quỹ đạo, đảm bảo hoạt động bền vững của con người trong không gian.
Ngoài việc thử nghiệm các công nghệ mới trong lĩnh vực làm sạch các mảnh vỡ không gian, Trung Quốc cũng cam kết cải thiện việc giám sát các mảnh vỡ không gian và mở rộng hệ thống quản lý môi trường không gian.
TTO - Nhật Bản là nước đầu tiên cùng Mỹ đưa ra quyết định kéo dài thời gian tham gia chương trình Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS).
Xem thêm: mth.97705026112112202-tahn-iom-urt-uv-car-nod-ehgn-gnoc-gnal-hnirt-couq-gnurt/nv.ertiout