Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi tăng 100.000 đồng/lượng so với ngày cuối tuần trước, thì vào cuối ngày hôm nay 21/11 đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện niêm yết tại 66,50 – 67,52 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 9,5 USD xuống mức 1.751,1 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng lao dốc tiếp về dưới 1.740 USD, nhưng đã nảy nhẹ lên trên mốc này vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 107,86 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 21/11 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.674 đồng/USD, giảm 1 đồng so với cuối tuần trước. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.607 – 24.857 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm giảm về 16.200 USD, thì sang phiên hôm nay đã tiếp tục giảm và giằng co quanh 16.100 USD/BTC cho đến cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,37 USD (-0,46%), xuống 79,71 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,58 USD (-0,66%), xuống 87,04 USD/thùng.
VN-Index giảm về gần 960 điểm
Sau khi giằng co nhẹ và dần đuối sức về cuối phiên sáng, thị trường tiếp tục bước vào phiên chiều không mấy khả quan, khi áp lực bán vẫn chủ yếu tập trung ở nhóm bluechip khiến VN-Index dần lùi bước về các mức thấp hơn trong phiên và kịp nhích lên đôi chút về 960 điểm, tương đương mất gần 9 điểm khi đóng cửa.
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ đang có diễn biến ngược thị trường, hàng loạt mã đua nhau tăng trần cùng thanh khoản sôi động, đáng kể ở nhóm bất động sản với NLG, DIG, DXS, LDG, LCG, TCD, DPG, TDH, HQC, DRH, CII…
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 4,41 triệu đơn vị, nhưng tổng giá trị là bán ròng 83,95 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 21/11: VN-Index giảm 8,68 điểm (-0,9%), xuống 960,65 điểm; HNX-Index tăng 1,53 điểm (+0,8%), lên 192,4 điểm; UpCoM-Index tăng 0,49 điểm (+0,73%), lên 67,64 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Phố Wall tăng điểm trong phiên ngày thứ Sáu (18/11) khi nhà đầu tư kỳ vọng những phát biểu mới của các quan chức Fed sẽ giúp tốc độ tăng lãi suất chậm lại.
Chủ tịch Fed khu vực Boston, Susan Collins, tin rằng các nhà hoạch định chính sách có thể kiềm chế lạm phát mà không gây thiệt hại quá nhiều cho thị trường lao động.
Chủ tịch Fed khu vực St. Louis, James Bullard cho biết: “Lãi suất vẫn chưa nằm trong vùng có thể được xem là đủ hạn chế”. Ông Bullard gợi ý rằng vùng thích hợp cho lãi suất liên bang có thể nằm trong phạm vi 5% - 7%, cao hơn so với mức thị trường đang định giá.
Trong tuần, Dow Jones gần như không đổi, S&P 500 mất 0,69%, còn Nasdaq Composite giảm 1,57%.
Kết thúc phiên 18/11, chỉ số Dow Jones tăng 199,37 điểm (+0,59%), lên 33.745,69 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 18,79 điểm (+0,48%), lên 3.965,34 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 1,10 điểm (+0,00%), lên 11.146,06 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản chỉ tăng nhẹ, do các ca nhiễm Covid-19 gia tăng ở Trung Quốc đè nặng lên tâm lý ở nhiều thị trường châu Á và các nhà giao dịch chờ đợi sự rõ ràng hơn về triển vọng lãi suất của Fed.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,16% lên 27.944,79 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,28% lên 1.972,57 điểm.
Masayuki Kichikawa, chiến lược gia trưởng vĩ mô tại Sumitomo Mitsui Asset Management, cho biết: “Nền kinh tế Nhật Bản đang có vẻ ổn định khi quá trình mở cửa trở lại sau đại dịch và lạm phát cuối cùng cũng tăng sau nhiều năm giảm phát, mặc dù triển vọng toàn cầu và tác động của nó đối với các nhà xuất khẩu của Nhật Bản khiến thị trường thận trọng”.
Phiên này cổ phiếu Sapporo Holdings Ltd dẫn đầu với mức tăng 2,8%, khi hy vọng mở cửa trở lại đã thúc đẩy cổ phiếu của nhà sản xuất bia này tăng hơn 7% trong tháng này và đang trên đà tăng tháng thứ tư liên tiếp.
Các cổ phiếu hưởng lợi từ giá hàng hóa tăng với Marubeni tăng 2% và chạm mức cao kỷ lục 1.514 yên trong phiên giao dịch sáng. Cổ phiếu này đã tăng 34% trong năm nay.
Chứng khoán Trung Quốc giảm, khi đợt bùng phát Covid-19 làm tiêu tan hy vọng của một số nhà đầu tư về việc sớm nới lỏng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt đối với đại dịch.
Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,39% xuống 3.085,04 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,85% xuống 3.769,13 điểm.
Trung Quốc đang chiến đấu với nhiều đợt bùng phát Covid-19 từ Trịnh Châu ở trung tâm tỉnh Hà Nam đến Trùng Khánh ở phía tây nam. Vào Chủ nhật, nước này đã báo cáo 26.824 trường hợp nhiễm virus corona mới.
Phiên này, cổ phiếu các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu giảm 1,8%, trong khi các công ty du lịch giảm 2,9%, dẫn đầu mức giảm.
Tuy nhiên, một số cổ phiếu liên quan đến xét nghiệm và điều trị vi-rút corona đã tăng, với TY Pharmaceutical Group và Andon Health Co tăng 10%.
Chứng khoán Hồng Kông giảm, do chịu sức ép của nhóm cổ phiếu cổ phiếu của các gã khổng lồ công nghệ và nhà phát triển bất động sản Đại lục, khi lần lượt giảm 3% và 1,5%.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,87% xuống 17.655,91 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 2,02% xuống 6.001,90 điểm.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm, khi có những lo ngại mới về sự bùng phát Covid-19 mới của Trung Quốc, trong khi dữ liệu xuất khẩu yếu kém của nước này cũng ảnh hưởng đến tâm lý.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 24,98 điểm, tương đương 1,02% xuống 2.419,50 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 10/11.
Xuất khẩu của Hàn Quốc trong 20 ngày đầu tháng 11 này đã giảm 16,7% so với cùng kỳ năm trước, do nhu cầu chip yếu và từ Trung Quốc, trong khi cán cân thương mại ghi nhận đã thâm hụt hàng tháng thứ tám liên tiếp.
Trong số các cổ phiếu lớn, gã khổng lồ công nghệ Samsung Electronics giảm 0,65%, SK Hynix giảm 2,38% và nhà sản xuất pin LG Energy Solution giảm 4,18%.
Kết thúc phiên 21/11: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 45,02 điểm (+0,16%), lên 27.944,79 điểm, Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 12,00 điểm (-0,39%), xuống 3.085,04 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 336,63 điểm (-1,87%), xuống 17.655,91 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 24,98 điểm (-1,02%), xuống 2.419,50 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Căn nguyên ngân hàng tăng mạnh lãi suất
Huy động từ các doanh nghiệp sụt giảm khiến các ngân hàng phải tăng lãi suất để hút tiền gửi dân cư, bù đắp thiếu hụt..>> Chi tiết
- Tích lũy vị thế
Ba phiên cuối tuần qua, sắc xanh lan tỏa trên hầu hết các nhóm ngành, đặc biệt là áp lực chốt lời ngắn hạn phiên cuối tuần được hấp thụ..>> Chi tiết
- Chặn domino thanh khoản...
Tình trạng chung được nhiều chuyên gia kinh tế và lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ gần đây là kể cả doanh nghiệp tốt cũng không thể huy động vốn qua trái phiếu hay ngân hàng, huy động qua phát hành cổ phiếu đóng băng cùng với đà rớt giá thảm của TTCK..>> Chi tiết
- Tổng giá trị trái phiếu bất động sản đáo hạn đến cuối 2022 còn hơn 21.850 tỷ đồng
Số liệu cập nhật của FiinRatings cho thấy, tổng giá trị trái phiếu bất động sản sẽ đáo hạn sau ngày 15/11/2022 đến ngày 31/12/2022 chỉ còn ở mức 21.850 tỷ đồng..>> Chi tiết
- Tín hiệu giảm tốc của Fed
Lạm phát hạ nhiệt có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm tốc độ tăng lãi suất trong kỳ họp tháng 12 tới và nhiều nhà đầu tư đang đặt cược vào khả năng này..>> Chi tiết