Ông Phạm Nhật Vượng xây 2 nhà máy pin quy mô nghìn tỷ
Mới đây, Công ty cổ phần Giải pháp năng lượng VinES và Công ty Gotion, Inc. đã khởi công dự án Nhà máy sản xuất cell pin sạc LFP tại Khu kinh tế Vũng Áng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh).
Dự án này có tổng mức đầu tư gần 6.330 tỉ đồng (275 triệu USD), quy mô 14ha tại lô CN4-5 khu công nghiệp trung tâm với công suất thiết kế 5 GWh/năm, tương đương khoảng 30 triệu cell pin/năm. Trong đó, 2.405 tỉ đồng là nguồn vốn của nhà đầu tư và 3.924 tỉ đồng được huy động từ các tổ chức tín dụng, tổ chức khác. Theo dự kiến, nhà máy sẽ bắt đầu đi vào sản xuất đại trà từ quý 3/2024 và trở thành nhà máy sản xuất pin LFP đầu tiên tại Việt Nam, góp phần tạo ra hàng trăm việc làm mới cho người dân địa phương.
Trước đó, vào tháng 12/2021, VinES đã khởi công xây dựng nhà máy sản xuất và đóng gói pack pin với quy mô giai đoạn 1 là 8ha, công suất 100.000 pack pin/năm, tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỉ đồng. Sau 11 tháng xây dựng và lắp đặt thiết bị, hiện nhà máy đang trong những công đoạn hoàn thiện cuối cùng trước khi chính thức đi vào vận hành từ tháng 12/2022, cung cấp pin Lithium cho các dòng ô tô điện và xe buýt điện VinFast.
VinFast bàn giao 100 chiếc xe điện VF8 đầu tiên đến tay người dùng Việt vào tháng 9/2022.
Bà Phạm Thùy Linh, tổng giám đốc Công ty VinES, cho biết nhà máy sản xuất cell pin LFP liên doanh với đối tác Gotion là một phần quan trọng trong chiến lược tự chủ về nguồn cung pin cho các dòng xe điện VinFast, cũng như trong chiến lược phát triển thành công ty giải pháp năng lượng hàng đầu của VinES.
Với độ tự động hóa cao, quy trình sản xuất hiện đại và tối ưu, nhà máy khi hoàn thành sẽ đảm bảo cung cấp đủ lượng cell pin cần thiết cho các dòng ô tô điện sử dụng pin LFP của VinFast và các sản phẩm lưu trữ điện năng được phát triển bởi VinES.
Đây cũng là bước tiến quan trọng trong chiến lược "3 chân kiềng" nhằm đảm bảo nguồn cung về pin của Tập đoàn Vingroup gồm: mua pin từ các nhà sản xuất tốt nhất thế giới; hợp tác với các đối tác để sản xuất các loại pin tốt nhất thế giới và tự nghiên cứu, phát triển, sản xuất pin.
Đồng thời, cũng là bước đi chiến lược trong việc tự chủ công nghệ pin dành cho xe điện của VinFast, là tiền đề cho việc nghiên cứu, phát triển ra các dòng xe điện thông minh, tiên tiến trong tương lai. Trong giai đoạn tiếp theo, hai đơn vị này sẽ tiếp tục nghiên cứu mở rộng dự án phù hợp với nhu cầu phát triển và tiềm năng của thị trường.
VinFast của ông Vượng ra xe nào bán hết xe đó?
Trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên của Vingroup năm 2022, trước lo ngại của cổ đông về khả năng tiêu thụ xe VinFast, Chủ tịch Vingroup, ông Phạm Nhật Vượng cho biết thế giới đang "rất thiếu xe chứ không thừa", do đó "chỉ cần VinFast có hàng tốt là có thể bán được". Ông cũng nhấn mạnh đây là thời cơ vàng để xe VinFast có thể chiếm lĩnh thị trường, tạo dựng được thương hiệu.
Đề cập đến bối cảnh các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất pin như lithium đang ngày một khan hiếm. Ông Vượng thừa nhận, không chỉ lithium bị thiếu, thậm chí, các nguyên liệu khác như coban, niken cũng đang dần khan hiếm hơn. Phía VinFast cũng đã lập riêng danh sách 6 nhóm linh kiện chiến lược dùng để sản xuất pin cũng như bắt đầu nghiên cứu để dự trữ lâu dài.
Bên trong nhà máy VinFast tại Hải Phòng (Nguồn: Bloomberg)
Việc công xưởng thế giới là Trung Quốc đang gián đoạn cung ứng do Covid-19, theo ông Vượng, cũng gây khó khăn không nhỏ cho doanh nghiệp khi một phần linh kiện được nhập từ thị trường này. Nhiều nhà máy của Mỹ, Đức, châu Âu tại Trung Quốc đã đóng cửa. Trong khi đó, một chiếc xe ô tô có khoảng 3.000-4.000 linh kiện mà thiếu một con ốc thì không xuất xưởng được tạo áp lực rất lớn.
Việc phụ thuộc nguồn cung bên ngoài cũng khiến lãnh đạo Vingroup muốn thúc đẩy chiến lược nội địa hoá linh kiện. "Chúng tôi muốn phát triển mạnh mẽ công nghiệp phụ trợ cho ôtô. Mức độ nội địa hoá xe VinFast khoảng 60%, và tiến tới là 80%", ông Vượng nói.
Không dừng lại ở thị trường trong nước, VinFast còn đặt mục tiêu lớn tiến vào thị trường Mỹ, châu Âu với dòng ô tô điện mô hình cho thuê pin sẽ đủ sức thu hút người tiêu dùng trước các nhà sản xuất nội địa lớn như Tesla và General Motors (GM). Doanh nghiệp này đặt mục tiêu đạt doanh số bán xe điện hằng năm từ 160.000 - 180.000 xe tại Mỹ, tương đương 1% tổng sản lượng ô tô bán ra tại Mỹ. Ngoài ra, ông Vượng cho biết, khoảng 600.000 xe điện bán tại Mỹ sẽ được sản xuất ở Việt Nam do nhà máy ở Mỹ công suất chỉ 150.000 xe, trong khi kế hoạch bán hàng tại Mỹ là 750.000 xe vào năm 2026.
VinFast đang ngày càng cho thấy khát vọng thâm nhập thị trường xe điện Mỹ và các nước phương Tây, khi vào 25/11 tới đây, Vingroup sẽ xuất khẩu xe ô tô điện đầu tiên sang Mỹ.
Nhà sản xuất xe điện Việt Nam VinFast ghi dấu ấn tại thị trường Mỹ khi đạt được thỏa thuận với dịch vụ cho thuê xe Autonomy của Mỹ để cung cấp hơn 2.500 chiếc. Đây là đơn đặt hàng lớn nhất của công ty cho đến nay, như một phần trong kế hoạch mở rộng hơn nữa trong lĩnh vực này.
Thế giới thiếu pin trầm trọng
Ngành công nghiệp ô tô đang chứng kiến sự chuyển dịch mạnh mẽ khi mà các dòng xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch đang dần nhường chỗ cho xe điện (EV). Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), doanh số bán xe điện dự kiến sẽ đạt mức cao kỷ lục trong năm 2022 với mức tỷ lệ xe EV trên thị trường toàn cầu lên 13%.
Trong quá trình sản xuất xe điện, khi nhắc tới công nghệ cốt lõi không thể không nhắc tới bộ phận vô cùng quan trọng là pin - chiếm đến 1/3 chi phí sản xuất. Đặc biệt, khi "cơn sóng thần về nhu cầu pin đang đến", giá pin hứa hẹn sẽ còn tăng cao hơn nữa và trở thành nguyên vật liệu hàng đầu mà các hãng xe tìm kiếm.
Tuy nhiên, thiếu nguồn cung sản xuất pin lithium đang là tình trạng chung mà nhiều công ty trên thế giới đang đối mặt. Trong bối cảnh chuỗi cung ứng đang bị tắc nghẽn tại Trung Quốc kết hợp với ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, việc giải quyết nguồn cung các nguyên liệu sản xuất pin lithium là chuyện không hề đơn giản, theo Auto Car.
Hiện, Trung Quốc gần như kiểm soát thị trường pin lithium khi quốc gia này tinh chế 80% lượng nguyên liệu thô của thế giới, 77% dung lượng pin bán ra toàn thị trường và sản xuất 60% linh kiện pin toàn cầu.
Do đó, để khắc phục tình trạng, hầu hết các công ty kinh doanh xe điện, trong đó có VinFast đều đầu tư vào các nhà máy pin, song song với kế hoạch mở rộng dải sản phẩm xe điện. Đơn cử như Tesla đã mua một khu vực với diện tích 10.000 ha ở Nevada để khai thác Lithium; SK, công ty của Hàn Quốc cũng mở nhà máy pin khổng lồ ở Georgia, Mỹ để sản xuất pin cho Volkswagen và Ford hay Volkswagen công bố muốn có tổng cộng 6 nhà máy sản xuất pin xe điện ở châu Âu vào năm 2030, tổng giá trị năng lượng 240 gigawatt giờ mỗi năm... Và gần đây nhất là Vingroup – công ty mẹ của VinFast đã quyết định đầu tư thêm 6.330 tỉ đồng để xây dựng thêm một nhà máy pin tại Vũng Áng, Hà Tĩnh.
Không đứng ngoài cuộc, các chính phủ cũng đang nỗ lực thúc đẩy việc khai thác lithium, sản xuất pin để đảm bảo vấn đề tự chủ nguồn cung. Chẳng hạn, Nhà Trắng công bố chi hơn 7 tỷ USD để tăng cường chuỗi cung ứng pin của Mỹ, 3,1 tỷ USD trong số đó dành cho các công ty sản xuất và tái chế pin lithium. Indonesia cũng không ngừng kêu gọi các doanh nghiệp mở nhà máy sản xuất pin tại nước này nhờ nguồn nickel phong phú...
Mặc dù hàng loạt biện pháp được đưa ra, giới phân tích vẫn cho rằng thế giới đang khá chậm so với sự phát triển của thị trường xe điện. Carlos Tavares - CEO của Tập đoàn ô tô Stellantis cho rằng tình trạng thiếu pin - thậm chí không có pin cho xe điện chưa thể được giải quyết, ít nhất cho đến năm 2025-2026.
Theo Auto Car, "Nếu không sớm được giải quyết, sự trục trặc trong vấn đề nguồn cung nguyên liệu sản xuất pin có thể ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn cung xe điện trong tương lai".
Như vậy, với việc chỉ hàng nghìn tỉ đồng xây dựng 2 nhà máy sản xuất pin trong 12 tháng nỗi lo về pin ô tô điện của VinFast sẽ được giải tỏa. VinFast muốn tự chủ hơn trong quá trình phát triển cũng như sản xuất xe điện. Nhờ đó mà nguồn cung xe điện đưa ra thị trường hứa hẹn sẽ ổn định hơn và tăng trong tương lai. Đồng thời, điều này cũng giúp VinFast chủ động vượt lên phía trước để xác lập vị thế cạnh tranh trên thị trường xe điện toàn cầu.