Tân sinh viên Trịnh Thị Thanh Huyền, Học viện Ngân hàng xuất sắc đỗ thủ khoa ngành Kế toán với số điểm 28,05 chưa tính điểm cộng ưu tiên - Ảnh: HÀ THANH
Một năm trước, Trịnh Thị Thanh Huyền (19 tuổi, quê Hà Nam, hiện là tân sinh viên Học viện Ngân hàng) trúng tuyển vào Trường ĐH Thương mại. Nhưng dịch COVID-19 bùng phát, kinh tế lao đao, trong nhà chẳng xoay trở nổi 10 triệu đồng đóng học ban đầu, vậy là Huyền quyết định không nhập học nữa.
"Tôi có trao đổi với mẹ là muốn đi học, nhưng điều kiện kinh tế không có, nếu tôi đi học mẹ phải vay mượn rất mệt nhọc. Cả nhà chỉ có một mình mẹ cáng đáng, không có công ăn việc làm ổn định. Lúc không đi học nữa, tôi bàn với mẹ: "Hay con đi làm công ty một năm, năm sau mẹ cho con thi lại nhé?" - Huyền bộc bạch.
Bàn bạc với mẹ xong, Huyền xin làm cho một công ty may ở gần nhà. Đôi tay gầy guộc của cô gái nhỏ không thuần thục đường kim mũi chỉ, nên chỉ đành xin phụ việc.
Cô đảm nhận việc ủi vải, khâu móc, làm gia công, mỗi tháng được trả 3 triệu đồng tiền công, nếu tăng ca sẽ được 4 triệu đồng.
Tân sinh viên Trịnh Thị Thanh Huyền trải lòng từng "đứt gánh học" vì nghèo khó, nay cô quyết tâm theo đuổi việc học đến cùng - Video: HÀ THANH
Tôi chưa bao giờ trách bố mẹ, làm sao mà trách được? Bệnh tật chẳng ai chọn được cả, biết gia đình như vậy mình phải cố gắng hơn thôi. Tôi sẽ không khóc nữa đâu, vì mỗi người một hoàn cảnh, có thể mình thấy mình khổ cái này nhưng người ta còn khổ hơn mình nữa
Tân sinh viên TRỊNH THỊ THANH HUYỀN, Học viện Ngân hàng
Có bữa phải làm đến đêm, mệt lắm mà lương không cao. Lúc đó cô nghĩ nếu không đi học, nếu chỉ làm như thế này thì cả đời không thể khá lên được. Do đó, cô quyết tâm thực hiện ước mơ học tập, không để "đứt gánh học" nữa.
Nhờ đi làm công nhân may kiếm được tiền, mỗi tháng cô đưa cho mẹ 1 - 2 triệu đồng lo chi phí trong nhà, còn lại xin được giữ lại để dành tiền đi học.
Để không quên kiến thức, ngày đi làm, nếu đêm nào được về sớm, cô gái nhỏ sẽ dành thời gian ôn luyện. Miệt mài làm ở công ty may đến dịp ra Tết, Huyền xin nghỉ việc để tập trung cho ôn thi.
Không khuất phục trước khó nghèo, bằng nỗ lực không ngừng nghỉ, Trịnh Thị Thanh Huyền (19 tuổi) trúng tuyển vào Học viện Ngân hàng. Với số điểm 28,05 khối A00 chưa tính điểm cộng, Huyền xuất sắc trở thành thủ khoa đầu vào của ngành Kế toán.
Cô thật thà thừa nhận, sau khi tìm hiểu kỹ lưỡng đã quyết định chọn ngôi trường này để theo đuổi ước mơ, cũng vì học phí ít tốn kém hơn các trường khác. Với số tiền 10 triệu đồng dành dụm được nhờ làm công nhân, Huyền đóng học phí ban đầu hơn 4 triệu đồng, còn lại để trang trải chi phí đắt đỏ ở thủ đô như tiền trọ, tiền sinh hoạt phí, tiền xe buýt…
Huyền dự tính, sau khi ổn định chỗ ở sẽ đi kiếm việc làm thêm, vào dịp tết hoặc dịp hè được nghỉ học, cô sẽ về quê xin làm công ty tiếp để dành dụm tiền cho năm sau.
Vừa học vừa làm đòi hỏi phải biết sắp xếp, cân bằng thời giờ, nhưng cô sẽ quyết tâm tìm kiếm thêm các học bổng để trang trải cho việc học.
"Tôi mong sẽ nhận được học bổng Tiếp sức đến trường để có tiền đóng học cho năm tới. Tôi biết rằng các quỹ học bổng chỉ trợ sức ban đầu thôi, điều quan trọng nhất là mỗi sinh viên phải tự thân, do đó tôi sẽ nỗ lực đi làm thêm, kiếm tiền.
Tôi cũng mong muốn trong quá trình học sớm được công ty nhận thực tập, sau đó có công ăn việc làm ổn định, có mức lương tốt để nuôi sống bản thân, có khoản tiết kiệm cho mẹ" - tân sinh viên Trịnh Thị Thanh Huyền bày tỏ mong ước.
"Không cho con học, sau này có gì sẽ hối hận lắm"
Chồng qua đời vì bệnh tật, từ đó một mình bà Nguyễn Thị Nhung phải cáng đáng mọi chuyện trong nhà, nuôi hai đứa con ăn học, dưới Huyền còn một em trai hiện đang học lớp 12. Năm ngoái, người mẹ đành nén nỗi đau để con gái lỡ dở việc học.
"Ngày làm công nhân, đêm nào về con cũng khóc và xin mẹ cho con đi học lại. Nhưng nhà không có tiền, lấy đâu ra tiền cho con học" - bà Nguyễn Thị Nhung nhớ lại khoảng thời gian khó khăn.
Nhưng năm nay thấy con đỗ cao và quyết chí theo học đến cùng, bà Nhung nói dù gia đình khó mấy cũng sẽ cố gắng chạy vạy để Huyền đi học.
"Tôi cũng thương con nên sẽ cố gắng vay mượn cho con học. Con chăm học như vậy, không cho nó đi học thì tội lắm, sau này có chuyện gì thì mình hối hận lắm" - bà Nhung giãi bày.
TTO - "Thời của tôi ăn học rất khó khăn, lại mồ côi, đi làm thuê làm mướn để có tiền, đâu được như các em bây giờ là có phao cứu sinh như học bổng Tiếp sức đến trường, bởi vậy phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa".
Xem thêm: mth.78011604122112202-coh-iad-aohk-uht-od-ihk-court-neit-meik-d-yam-nahn-gnoc-mal/nv.ertiout