vĐồng tin tức tài chính 365

Vì sao Dược Cửu Long giấu được Bộ Y tế 3,84 triệu USD suốt 15 năm?

2022-11-23 04:10

Năm 2005, trong giai đoạn cao điểm dịch cúm A (H5N1) tại Việt Nam, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thống kê trong 65 ca bệnh có 22 người tử vong, tỷ lệ chết 34%. Hàng chục triệu viên Oseltamivir, thuốc phòng, chữa H5N1, đã được sản xuất theo hợp đồng giữa Bộ Y tế và các doanh nghiệp dược phẩm, trong đó có Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long. Nhưng phải 15 năm sau, những sai phạm mới được phát hiện tại Cửu Long.

Nhà chức trách xác định hơn 3,84 triệu USD đã bị Dược Cửu Long biển thủ, sử dụng vào mục đích riêng.

Là một trong 5 cựu cán bộ, lãnh đạo Bộ Y tế hầu tòa trong vụ án này, cựu thứ trưởng Cao Minh Quang phân trần một phần nguyên nhân do tin tưởng cấp dưới và lơ là kiểm tra, kiểm soát. Song ông cũng cho rằng nguyên nhân lớn nhất do Dược Cửu Long "cố tình che giấu và lập lờ hồ sơ".

Ông Cao Minh Quang được HĐXX cho ngồi trả lời xét hỏi do sức khỏe kém. Ảnh: Danh Lam

Ông Cao Minh Quang được HĐXX cho ngồi trả lời xét hỏi do sức khỏe kém. Ảnh: Danh Lam

"Bằng chứng là sau đó Thanh tra Chính phủ và Thanh tra Bộ Tài chính nhiều lần điều tra suốt nhiều tháng vẫn không thể phát hiện ra", cựu thứ trưởng khai trong chiều 21/11.

Cáo trạng cũng thể hiện, kế hoạch "che đậy" số tiền này đã được lãnh đạo công ty thực hiện từ khi ký hợp đồng sản xuất thuốc với Bộ Y tế.

Biển thủ 3,84 triệu USD bằng cách nào?

Là người mở màn phiên thẩm vấn sáng 21/11, bị cáo Lương Văn Hóa (65 tuổi, cựu Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long) khai ngày 17/1/2006, công ty ký hợp đồng kinh tế với Bộ Y tế, sản xuất 5 triệu viên Oseltamivir. Hợp đồng có điều khoản "bên B (tức Dược Cửu Long) đàm phán với nhà cung cấp để giảm giá nguyên liệu, nếu đàm phán được sẽ báo Bộ Y tế và Bộ Tài chính để xem xét điều chỉnh giá thành sản xuất"...

Từ tháng 2 đến tháng 4/2006, Dược Cửu Long nhập 520 kg nguyên liệu Oseltamivir với giá 9,1 triệu USD của đối tác Mambo (Singapore). Công ty thanh toán 5,25 triệu USD cho bên bán, còn 3,84 triệu USD chưa trả.

Tháng 3/2006, ông Hóa chỉ đạo ông Ngô Hữu Hiếu Nghĩa đàm phán với Mambo và được họ đồng ý giảm 3,84 triệu USD. Ông Hóa bị cáo buộc không báo cáo việc này cho Bộ Y tế mà vẫn yêu cầu Bộ chuyển đủ tiền để trả Mambo.

Theo cáo buộc, bước đầu tiên trong kế hoạch hợp thức 3,84 triệu USD, ông Hóa chỉ đạo kế toán trưởng lập 4 phiếu kế toán, hạch toán gian dối, thể hiện giảm giá vốn nguyên liệu và nợ phải trả Mambo.

Phân trần trong phiên tòa, ông Hóa nói, khi Dược Cửu Long đề nghị Mambo giảm giá, đối tác trả lời "sẽ xem xét". Song đến tận khi ông nghỉ hưu, tức năm 2015, Mambo vẫn chưa trả lời chính thức có phải trả số tiền đó không, do đó không thể báo cáo chính thức cho Bộ Y tế.

"2005 là năm thực sự khó khăn với doanh nghiệp, với lãi suất ngân hàng hơn 20%. Dược Cửu Long là doanh nghiệp Nhà nước, vốn ít, chỉ biết vay ngân hàng. Khi Mambo chưa trả lời, Dược Cửu Long phải hạch toán, ăn trước trả sau, coi như "chiếm dụng" vốn của khách để giải cứu trong cơn khủng hoảng, phải trả lãi ngân hàng cao. Năm đầu, Cửu Long chỉ sử dụng một ít để nếu khi người ta đòi mình còn sẵn sàng trả. Năm thứ 2, thứ 3 vẫn không thấy họ trả lời, đó là lý do công ty hạch toán 3 lần, vào các năm 2006, 2007 và 2008", ông Hóa khai.

Theo lời khai, từng có một thời điểm, Cửu Long chuẩn bị trả 3,84 triệu USD cho Mambo nhưng có trục trặc, không liên lạc được. "Chúng tôi xác định đằng nào cũng phải trả họ nên báo cáo Bộ Y tế là đã trả, dù thực tế là chưa", ông Hoá khai.

Bị cáo Lương Văn Hóa. Ảnh: TTXVN

Bị cáo Lương Văn Hóa. Ảnh: TTXVN

Sau ba năm che giấu thành công, Cửu Long nghĩ cách đối phó với vấn đề mới: Đoàn kiểm tra liên Bộ Y tế - Tài chính, thành lập theo quyết định của Thứ trưởng Y tế Cao Minh Quang. Trong số nhiều nhiệm vụ, Đoàn kiểm tra sẽ kiểm tra tình hình mua, bảo quản, sử dụng thuốc, nguyên liệu Oseltamivir.

Do Cửu Long vẫn chưa báo cáo Bộ Y tế về việc được giảm giá 3,84 triệu USD và vẫn che giấu dưới dạng nợ phải trả Mambo, Tổng giám đốc Hóa cần tài liệu về khoản nợ này để trình Đoàn kiểm tra. Ông Hóa sai thuộc cấp gửi thư đề nghị Mambo giãn nợ và dùng bản photo cung cấp cho Đoàn kiểm tra.

Ba tháng sau, Đoàn kiểm tra tiếp tục hỏi Cửu Long về việc "đã trả nợ Mambo chưa?". Ngày 24/2/2009, ông Hóa ký văn bản báo cáo Bộ Y tế rằng "sẽ trả chậm nhất ngày 20/3/2009". Song thay vì báo cáo đúng sự thật và trả lại tiền này cho Nhà nước, lãnh đạo Cửu Long vẫn theo đuổi việc che giấu đến cùng.

Theo cáo buộc, ông Hóa dùng 3,84 triệu USD để thanh toán 11 hợp đồng kinh tế khác song không trực tiếp trả tiền cho từng đối tác này mà thông qua một công ty tài chính ZPT, chuyên dịch vụ chi trả ngoại tệ. Mục đích cuối cùng là để Cửu Long có được chứng từ thanh toán đủ 3,84 triệu USD. Ông Hóa lấy tài liệu này nộp về Bộ Y tế, báo cáo rằng số tiền này đã được trả Mambo.

Tại toà, các thuộc cấp của ông Hóa thừa nhận, biết hành vi là sai, song không thể làm trái chỉ đạo của sếp. Trong khi đó, ông Hoá cũng nhận có lỗi song cho rằng mức độ "đến đâu do tòa đánh giá". Ông khai giữ lại tiền chỉ vì muốn đưa công ty vượt khó khăn, khủng hoảng.

Trong vụ án, ngoài cựu thứ trưởng Cao Minh Quang, 4 cựu cán bộ khác của Bộ Y tế cùng bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 285, Bộ luật Hình sự năm 1999.

Để xảy ra thất thoát 3,84 triệu USD, năm người đều thừa nhận có một phần trách nhiệm. Cựu thứ trưởng cho rằng, kiểm tra tài chính, hợp đồng, không phải lĩnh vực ông phụ trách, mà của một thứ trưởng khác. Song ông tự nhận thiếu sót lớn nhất của mình là tin tưởng cấp dưới nên không chỉ đạo kiểm tra kỹ lưỡng.

Cấp dưới của ông Quang, bị cáo Nguyễn Việt Hùng khai 15 năm trước với cương vị Cục phó Quản lý Dược, Trưởng Đoàn kiểm tra liên bộ, ông đã không tổng hợp lấy ý kiến để làm rõ số tiền 3,84 triệu USD mà chỉ dựa vào báo cáo của Dược Cửu Long. Các tài liệu thanh toán, giãn nợ do Cửu Long cung cấp đều là bản photo, đóng dấu treo, không có phản hồi của công ty Mambo song vẫn được ông Hùng chấp thuận.

Trước việc này, VKS truy vấn: "Vậy bản chính ở đâu?". Ông Hùng cho biết chỉ được lãnh đạo công ty báo cáo là có thư giãn nợ, còn thực tế "không được xem nên không biết thư này là bản photo hay bản chính".

Bị cáo Nguyễn Việt Hùng. Ảnh: TTXVN

Bị cáo Nguyễn Việt Hùng. Ảnh: TTXVN

Ông Dương Huy Liệu (Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính) và Nguyễn Nam Liên (Vụ phó Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế) là những người được phân công trực tiếp ký hợp đồng kinh tế và sau đó thanh quyết toán hợp đồng với Dược Cửu Long. Tại phiên toà, cả hai khai khi đó do "bận nhiều việc" hay "thời gian quá lâu", do "nhận thức hạn chế" nên chỉ căn cứ các báo cáo của công ty này mà không thanh kiểm tra lại. Vì vậy, họ không biết việc Dược Cửu Long được giảm giá 3,84 triệu USD, để yêu cầu trả lại Bộ Y tế.

Các luật sư bào chữa đề nghị HĐXX làm rõ, nếu trong vụ án, Bộ Y tế được xác định là nguyên đơn dân sự, vậy bị đơn là ai? Chủ tọa Vũ Quang Huy cho hay, thiệt hại được xác định là tiền của Nhà nước, do Bộ Y tế quản lý. Nghĩa vụ bồi thường thuộc về ai và cụ thể bao nhiêu, sẽ được Tòa quyết định dựa trên kết quả xét xử, dự kiến sau 5 ngày.

Trong 3,84 triệu USD thiệt hại (khoảng 62 tỷ đồng theo tỷ giá năm 2006), số tiền các bị cáo khắc phục không đáng kể. Theo cáo trạng, trước phiên toà, cựu thứ trưởng Quang là người duy nhất nộp khắc phục, tổng 1,5 tỷ đồng. Tài sản của các bị cáo vẫn đang bị kê biên để đảm bảo thi hành án.

Hôm nay, phiên tòa tiếp tục làm việc.

Thanh Lam - Phạm Dự

Xem thêm: lmth.8388354-dsu-ueirt-48-3-ev-man-51-tous-et-y-ob-coud-uaig-gnol-uuc-coud-oas-iv/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Vì sao Dược Cửu Long giấu được Bộ Y tế 3,84 triệu USD suốt 15 năm?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools