Long An trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án tiêu biểu năm 2022 tại buổi lễ kỷ niệm 25 năm xây dựng và phát triển các khu công nghiệp - Ảnh: AN LONG
Từ năm 1997, sau khi Quy chế KCN được Chính phủ ban hành, Long An đã được phép thành lập 2 KCN Đức Hòa 1 và KCN Đức Hòa 2. Đến năm 1998, Ban quản lý các KCN Long An được thành lập. Năm 2010, đổi tên thành Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Long An cùng với việc thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Long An.
Đến nay, Long An có 37 KCN với tổng diện tích quy hoạch hơn 12.280 ha. 32 KCN được chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư với diện tích hơn 10.170 ha. 24 KCN đủ điều kiện tiếp nhận đầu tư, trong đó có 18 KCN đã đi vào hoạt động với diện tích đất cho thuê hơn 3.510ha, đạt tỉ lệ lấp đầy 86,45%.
Hiện tại, Long An đứng thứ 3 cả nước về quy mô các KCN và đứng thứ 13 cả nước về thu hút vốn FDI vào KCN. Có 36 quốc gia và vùng lãnh thổ vào đầu tư. Trong đó có các nhà đầu tư lớn đến từ Hongkong với 853 triệu USD thuộc 77 dự án, Hàn Quốc có 805 triệu USD với 145 dự án, Nhật Bản có 767 triệu USD với 120 dự án, Singapore có 705 triệu USD với 39 dự án, Đài Loan có 608 triệu USD với 97 dự án, Vương quốc Anh có 378 triệu USD với 15 dự án, Trung Quốc có 358 triệu USD với 193 dự án , Mỹ 112 triệu USD với 17 dự án...
Quy mô vốn đầu tư bình quân hiện nay vào các KCN Long An là 6,7 triệu USD/ dự án FDI và 125,64 tỉ đồng/ dự án trong nước.
Ông Nguyễn Thành Thanh - trưởng Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Long An - cho biết hướng tới, Long An sẽ tiếp tục tái cơ cấu các ngành công nghiệp theo hướng công nghệ cao, công nghiệp xanh, tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu, ít thâm dụng lao động, ít thâm dụng đất đai, tăng các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao…
"Đồng thời, sẽ tập trung việc xây mới các KCN theo mô hình KCN chuyên ngành, tăng dần tỉ suất thu hút đầu tư bình quân trên 1 ha đất hiện nay từ 3,74 triệu USD hiện nay lên 10 triệu USD vào năm 2030, nâng cao năng suất lao động, chuyên môn kỹ thuật và chất lượng của người lao động. Đặc biệt là công tác nâng ao chất lượng hành chính sẽ được tiếp tục chú trọng.
Trong năm 2022, Ban Quản lý đã giải quyết đúng hạn 100% hồ sơ, 90% hồ sơ được giải quyết trước hạn và có trên 35% giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được cấp ngay trong ngày khi nộp đủ hồ sơ hợp lệ", ông Thanh nói thêm.
Cửa ngõ miền Tây Nam Bộ đang tiếp tục là một điểm đến kết nối các nguồn lực kinh tế quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (TP.HCM, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang).