Gặp gỡ mùa thu không chỉ đào tạo mà còn kết nối hợp tác điện ảnh - Ảnh: BTC
Nhưng chương trình, cũng như công nghiệp điện ảnh ở Việt Nam, đang không được quan tâm, đầu tư đúng mực.
Gặp gỡ mùa thu là dự án cộng đồng đầy tâm huyết được khởi xướng từ năm 2013 bởi đạo diễn Phan Đăng Di và nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc nhằm tìm kiếm, hỗ trợ và đào tạo các tài năng điện ảnh trẻ.
Năm nay, các lớp diễn xuất quy tụ nhiều gương mặt triển vọng như: Hoàng Hà, Lan Thy (Em và Trịnh), Võ Điền Gia Huy (Thưa mẹ con đi), Nguyễn Phương Trà My (Vợ ba), Hồ Thu Anh (Sài Gòn trong cơn mưa)... dưới sự dẫn dắt của các giảng viên gồm: diễn viên Hàn Quốc Lydia Park, đạo diễn Nhật Bản Tsuyoshi Sugiyaman, diễn viên Lê Khanh, đạo diễn Tú Mai, đạo diễn hình ảnh Chananun Chotrungroj, đạo diễn hình ảnh Lý Thái Dũng...
Không chỉ đào tạo, Gặp gỡ mùa thu đã trở thành bệ phóng cho các dự án phim triển vọng trong nước và quốc tế: Ròm (Trần Thanh Huy), Thưa mẹ con đi (Trịnh Đình Lê Minh), Vợ ba (Ash Mayfair), A Land Imagined (Chris Yeo)...
Nhọc nhằn Gặp gỡ mùa thu
Đến năm thứ 10, Gặp gỡ mùa thu chật vật đến mức vài ngày trước gala trao giải, ban tổ chức kêu gọi quyên góp 800 triệu đồng để tổ chức sự kiện chỉn chu nhất có thể.
Về điều này, nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc nói với Tuổi Trẻ: "Nhìn chung, kinh phí tổ chức Gặp gỡ mùa thu mỗi năm vào khoảng 2,4 - 2,5 tỉ đồng.
Bỏ qua hai năm dịch bệnh, trong suốt khoảng 7, 8 năm tổ chức, ngân sách thường nhiều hơn con số chúng tôi công bố. Để chi số tiền ấy, chúng tôi phải bỏ ra rất nhiều công sức. Cứ tầm tháng 4, tháng 5 chúng tôi ra Đà Nẵng chuẩn bị và đi thương lượng, tìm các nhà tài trợ.
Con số cũng không khác các năm, còn việc thiếu là do tự nó thiếu, chúng tôi không can thiệp vào. Lúc mình kêu gọi tài trợ nên có sự mạch lạc và minh bạch".
Năm nay, có một số nhà tài trợ rút đi vì kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn sau dịch COVID-19, lạm phát... khiến Gặp gỡ mùa thu diễn ra trong bị động.
Với khó khăn tiền bạc liên miên như vậy, Gặp gỡ mùa thu tổ chức với tinh thần "năm nào cũng là năm cuối".
"Trong 10 năm ấy, nhiều thế hệ tình nguyện viên đã đến và đi, mỗi năm lên đến 50-70 người. Tôi rất trân trọng điều đó nhưng rất khó khi không thể có một khoản thù lao cho các bạn" - chị Bích Ngọc nói.
Nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc
Muốn có công nghiệp điện ảnh phải đào tạo tài năng
Trong "Chiến lược về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" do Chính phủ ban hành, mục tiêu của ngành điện ảnh là đạt 250 triệu USD đến năm 2030, trong đó phim Việt Nam đạt 125 triệu USD. Mục tiêu là công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP cả nước.
Hiện nay, vào năm 2022, công nghiệp điện ảnh là ngành mũi nhọn được nhiều quốc gia châu Á đầu tư để mang lại sức mạnh văn hóa nhưng ở nước ta thì vẫn chưa.
Tại hội thảo về điện ảnh Hàn Quốc ở Liên hoan phim quốc tế Hà Nội giữa tháng 11, ông Jung Tae Sun - tổng giám đốc CJ HK - góp ý Việt Nam rất cần chú trọng đào tạo nhân lực cho điện ảnh để phát triển công nghiệp điện ảnh.
"Khi làm phim, chúng tôi xác định bốn yếu tố để có bộ phim hay: kịch bản, diễn xuất, quay phim và dựng phim" - ông Jung nói. Bốn yếu tố này ở Việt Nam vẫn còn thiếu, cần đào tạo người trẻ để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Nhìn từ bên ngoài, nhiều người dễ nghĩ rằng Gặp gỡ mùa thu chỉ là dịp tề tựu, giao lưu của giới làm phim. Nhưng về ý nghĩa xã hội, những người thực hiện cho rằng để ngành điện ảnh phát triển thì khâu ươm dưỡng tài năng rất quan trọng.
Gặp gỡ mùa thu đã làm được điều mà rất nhiều người mong muốn là tập hợp được các nhà làm phim như một "liên minh điện ảnh" nhỏ. Nhà sản xuất Bích Ngọc nhận định hiện nay ngành điện ảnh Việt Nam hầu như chỉ tập trung ở TP.HCM.
Để phát triển, họ cần một cộng đồng nhưng không nên là tự phát. "Việc tạo ra môi trường là rất cần thiết, mà môi trường đó có khi phải có Nhà nước cùng chung tay tạo ra.
Nếu cứ ở quy mô nhỏ lẻ thì nó sẽ chỉ bùng lên như một hiện tượng chứ không thể đi xa được như một con đường dài, sức mạnh nội lực của một ngành" - chị nói.
Diễn xuất phải học suốt đời
* Diễn viên Mai Thanh Hà:
"Tôi biết chương trình Gặp gỡ mùa thu lâu rồi. Năm 2016, khi mới vào nghề, tôi đã tìm đến chương trình để học.
Trong diễn xuất, mọi thứ rất vô hạn. Khi mình muốn học thì không có giới hạn tuổi.
Khi có cơ hội, tôi muốn nuôi dưỡng cảm xúc và được học với những thầy cô rất giỏi.
Diễn xuất là công việc phải tìm hiểu cả đời nên học không bao giờ đủ".
* Diễn viên Kim Tuyến:
"Trước Gặp gỡ mùa thu, tôi vừa hoàn thành việc học đạo diễn tại Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM hồi tháng 10.
Dù là diễn viên đã có nhiều vai nhưng tôi luôn tâm niệm mình phải học hỏi và phá vỡ những lối diễn cũ của bản thân.
Nếu một diễn viên không học cái mới thì sẽ đi theo lối mòn.
Không chỉ học, làm diễn viên hay đạo diễn còn cần nhiều kinh nghiệm sống.
Tôi muốn khắc họa cuộc sống trên bộ phim cho chính xác bằng cách dấn thân vào cuộc sống".
TTO - Ra rạp từ ngày 18-11, 'Huyền sử vua Đinh' là một trong số ít những phim khai thác đề tài lịch sử quân sự. Tuy nhiên, trái ngược với kỳ vọng, bộ phim nhanh chóng lộ rõ nhiều điểm thiếu sót, mấp mé bên bờ vực 'thảm họa' điện ảnh Việt.
Xem thêm: mth.35455129032112202-ohk-auq-hna-neid-peihgn-gnoc-ohc-gnom-yax/nv.ertiout