Khi không thực hiện HĐND cấp quận, phường thì HĐND TP Đà Nẵng đã định kỳ tổ chức chương trình “HĐND với cử tri” để gặp gỡ, đối thoại với cử tri nhằm giải quyết các vấn đề người dân bức xúc - Ảnh: HỮU KHÁ
Theo đó, khi không tổ chức HĐND, cán bộ chuyên trách HĐND ở các quận, phường đều đã được bố trí công tác mới phù hợp với năng lực quản lý và trình độ chuyên môn nghiệp vụ; một số trường hợp dôi dư được giải quyết chính sách theo nguyện vọng.
Đem lại kết quả tích cực
Theo báo cáo của TP Đà Nẵng sau khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị (không tổ chức HĐND cấp quận, phường), việc kiện toàn chức danh và bổ nhiệm các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch UBND quận, phường từ ngày 1-7-2021 đảm bảo đúng quy định về quy trình, thủ tục về công tác cán bộ theo phân cấp quản lý.
UBND TP đã trình HĐND TP phân bổ 675 biên chế công chức làm việc tại 45 phường; đã hoàn thành việc thẩm định chuyển cán bộ, công chức phường thành công chức thuộc biên chế UBND quận; hướng dẫn xây dựng và phê duyệt đề án vị trí việc làm của UBND 45 phường phù hợp với chế độ công chức, công vụ mới.
Căn cứ yêu cầu nhiệm vụ của từng phường, UBND quận quyết định cụ thể số lượng công chức của từng vị trí chức danh công chức làm việc tại UBND phường.
Theo kết quả khảo sát, trên 89% cán bộ, công chức, viên chức các cấp đánh giá việc thực hiện chế độ công vụ mới (công chức của UBND phường thuộc biên chế công chức của UBND quận) là hợp lý và đem lại kết quả tích cực trong thực hiện nhiệm vụ so với trước đây; tạo cơ sở cho việc chuẩn hóa đội ngũ công chức phường theo hướng chuyên nghiệp; tạo sự chủ động, linh hoạt, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong công tác quy hoạch, đào tạo, luân chuyên, điều động cán bộ giữa quận - phường và ngược lại.
Những nhiệm vụ được bổ sung cho UBND quận, phường khi thực hiện thí điểm được thực hiện nghiêm túc và đầy đủ; 6/6 quận và 45/45 phường tổ chức hội nghị đối thoại giữa chủ tịch UBND quận, phường với nhân dân và công khai kết luận cuộc họp liên quan đến người dân trên Cổng thông tin điện tử của UBND quận, phường.
Nhìn chung, qua một năm triển khai thực hiện thí điểm bước đầu đã phát huy tính chủ động, thẩm quyền và chế độ trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu quận, phường; công tác quản lý điều hành ổn định, thông suốt, hiệu quả.
Việc quản lý, điều hành ngân sách thực hiện theo quy định; thực hiện tiết kiệm chi và sử dụng linh hoạt, có hiệu quả các nguồn thu và huy động các nguồn vốn để tập trung đầu tư xây dựng các công trình, lĩnh vực trọng điểm.
Thành phố đã đẩy mạnh các nội dung chuyển đổi số trong cải cách hành chính, điều hành hoạt động của các cơ quan hành chính; tăng cường mở rộng tiện ích hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đối với các dịch vụ công.
Việc đối thoại chủ tịch UBND quận, phường với nhân dân đã mang lại kết quả. Chính quyền đã lắng nghe ý kiến người dân bằng cách sớm tháo gỡ, xóa quy hoạch treo dự án ga đường sắt ở quận Liên Chiểu - Ảnh: TẤN LỰC
Một số ưu việt của mô hình chính quyền đô thị
Theo đánh giá của lãnh đạo TP Đà Nẵng, tổ chức mô hình chính quyền đô thị giúp bộ máy tinh gọn hơn, góp phần hình thành phương thức hoạt động nhanh nhạy, thông suốt hơn, chủ động trong điều hành, quyết định nhanh chóng những vấn đề quan trọng, cấp bách ở địa phương.
Các cơ quan chuyên môn trực thuộc được sắp xếp tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp giữa các cơ quan trung ương và chính quyền thành phố, qua đó nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền.
Tiết kiệm giảm chi ngân sách cho hoạt động của HĐND phường (khoảng 35,7 tỉ đồng/năm, tương ứng với 215 đại biểu HĐND quận và 1.275 đại biểu HĐND phường). Đồng thời, tinh giản 69 biên chế là đại biểu chuyên trách HĐND quận và phường.
Về đội ngũ cán bộ, công chức: Mô hình vận hành theo hướng tập trung, thống nhất, phân định rõ hơn về thẩm quyền, trách nhiệm giải trình, bộ máy chính quyền và đội ngũ cán bộ, công chức; từ đó từng bước hình thành phương thức quản lý và cung ứng dịch vụ chuyên nghiệp, kiểm soát chặt chẽ hơn quá trình thi hành công vụ thông qua các công cụ quản lý và cơ chế giám sát mới hiệu quả hơn được hình thành.
Về phát triển kinh tế: Việc hình thành chính quyền đô thị góp phần tích cực vào việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài và trong nước, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động…
Từ đó thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố phù hợp với xu thế phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là các ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố như du lịch, dịch vụ…
Với thẩm quyền tự chủ hơn về tài chính, đầu tư tại đô thị, chính quyền đô thị có thể ban hành và thực thi nhiều chính sách, giải pháp quan trọng, tạo đòn bẩy tích cực phát triển kinh tế Đà Nẵng, có tác động lan tỏa đến sự phát triển của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Về xã hội: Chính quyền đô thị góp phần hạn chế, giảm thiểu những bất cập nảy sinh trong quá trình phát triển đô thị hiện nay thông qua việc quản lý, khai thác hiệu quả các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; tạo thêm nhiều việc làm; cung cấp các dịch vụ công với chất lượng ngày càng cao cho người dân; thiết lập nếp sống văn hóa, văn minh đô thị; trấn áp và ngăn ngừa hiệu quả các loại tội phạm xã hội…
Việc xây dựng mô hình chính quyền đô thị nâng cao tính tự chủ của chính quyền đô thị; huy động cao nhất mọi nguồn lực cho sự phát triển bền vững, thúc đẩy việc hình thành đô thị văn minh, hiện đại.
TTO - Theo đó, ông Trần Phước Sơn, phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, và bà Nguyễn Thị Anh Thi, bí thư Quận ủy Ngũ Hành Sơn, được bầu làm phó chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng.
Xem thêm: mth.4460048032112202-gnan-ad-o-neit-cuht-iov-poh-uhp-iht-od-neyuq-hnihc/nv.ertiout