Giặc còn đánh được huống gì là xe dù, bến cóc
Đánh giá về nguyên nhân căn bản khiến xe dù, bến cóc dù nhiều có nhiều nỗ lực dẹp bỏ vẫn có “đất” sống trong thời gian dài tại tọa đàm "Giải pháp nào để xóa xe dù, bến cóc", TS. Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, một trong những bất cập tồn tại là việc tổ chức và bố trí các bến xe tương đối xa khu vực mà người dân đang sinh sống.
Bên cạnh đó, rất nhiều địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM... chưa quan tâm đúng mức đến việc bố trí các điểm đón, trả khách.
Theo đó, Nghị định 86 và mới đây là Nghị định 10 đều thiếu quy định về việc các địa phương phải quy hoạch và tổ chức những điểm đón, trả khách thuận tiện cho phục vụ những xe khách cố định, dẫn đến sự kém hấp dẫn của vận tải.
Theo ông Hùng, không chỉ nên tập trung “đổi lỗi cho lái xe, doanh nghiệp”, mà cần đánh giá lại việc quy định pháp luật và thực thi pháp luật như thế nào cho hiệu quả. Trong đó là vai trò phối hợp của lực lượng công an, giao thông là cơ quan xây dựng pháp luật, quản lý nhà nước về vận tải và có cả cơ quan tuần tra kiểm soát vi phạm giao thông.
“Tất nhiên cuối cùng vẫn luôn là ý thức của người kinh doanh. Nhưng vấn đề đầu tiên là chúng ta phải làm tốt việc bảo vệ pháp luật và thực thi pháp luật. Tôi nghĩ đấy là vấn đề chúng ta cần phải giải quyết”, TS. Khuất Việt Hùng nhấn mạnh.
Cũng về vấn đề trên, ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, sở dĩ có tình trạng xe dù, bến cóc đó là do hội chứng lợi ích. Những người phá vùng, phá tuyến, phá thể chế, phá rào cản, phá quy định và sẵn sàng hoạt động trên cơ sở tự thân, tự ý của mình đương nhiên làm ảnh hưởng đến toàn bộ xã hội chứ không chỉ ảnh hưởng đến giao thông.
“Tôi cho rằng tất cả các vấn đề liên quan đều gói gọn chung trong cái gọi là là "ý thức tuân thủ pháp luật thấp" và liên quan đến cả ý thức trách nhiệm của bản thân doanh nghiệp vận tải. Rồi những vấn đề liên quan đến các biện pháp mang tính chất ngoại biên là những người giữ gìn pháp luật, ví dụ cơ quan quản lý về mặt giao thông, kể cả lực lượng cảnh sát giao thông, rồi cả cơ quan quản lý địa bàn, địa phương, người dân. Cho nên họ có đất sống. Rõ ràng, có yếu tố bên trong và bên ngoài”, ông Nhưỡng đánh giá.
Đặt vấn đề có thể có tình trạng "bảo kê" cho xe dù, bến cóc lộng hành, TS. Lưu Bình Nhưỡng nói: “Tôi nhắc lại ý ông Nguyễn Đức Chung (nguyên Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội) trước đây đã nói đến hiện tượng này. Không chỉ bảo kê nhà hàng, khách sạn, hay quán bia mà ông Chung nói thẳng còn bảo kê cả những bến xe, bãi đỗ tự lập ra, rồi câu chuyện đỗ chỗ nọ, đỗ chỗ kia… Có bảo kê thật sự. Chúng ta chưa nói đến việc ai là người bảo kê nhưng có nhiều khả năng thế này”.
Theo ông Nhưỡng, có thể có hai loại bảo kê. Loại bảo kê thứ nhất là bảo kê mang tính quyền lực, tức là bảo kê của các cơ quan công quyền, của những lực lượng chức năng, thậm chí của một số cá nhân cán bộ thoái hóa biến chất.
“Gần đây nhất chúng ta biết báo chí đưa tin một Đại úy công an tại Tp.HCM, cũng bình thường thôi, một cấp rất nhỏ trong lực lượng, mà sẵn sàng lập ra đến 47 công ty nhập khẩu, trốn thuế. Chúng ta thấy chỉ một cán bộ thôi mà có thể đứng ra làm những chuyện đó”, ông Nhưỡng nêu ví dụ.
Bảo kê thứ hai là bảo kê ngoại biên, dựa vào sức mạnh và câu chuyện xã hội. Đó chính là các băng nhóm xã hội đen. Câu chuyện này không thể không có và chúng ta biết một nhóm có thể thành lập ra bãi đỗ, bến đỗ và tự thu tiền. Ở Hà Nội đã xảy ra rất nhiều. Nhiều người dân trả tiền xe rất ít nhưng đến bến đỗ, bãi đỗ của chúng là phải trả thêm nhiều, có khi hàng trăm nghìn”, ông Nhưỡng nói đồng thời nhấn mạnh cả hai vấn đề đó đều phải xem xét trên bình diện pháp luật.
Để xảy ra hiện tượng trên, TS. Lưu Bình Nhưỡng cho rằng là trách nhiệm của nhiều bên. “Rõ ràng đây là hiện tượng tiêu cực, đây là hành vi trái pháp luật diễn ra "giữa ban ngày ban mặt" mà chúng ta không xử lý được thì lỗi này thuộc về toàn bộ hệ thống chính trị chứ không thể đổ lỗi cho các nhà xe hay trách nhiệm của các doanh nghiệp. Nếu cả hệ thống vào cuộc chẳng lẽ chúng ta không xử lý được mấy cái xe dù bến cóc? Chúng ta không thể nói là khó khăn đến mức "không xử lý được". Giặc chúng ta còn đánh được nữa là câu chuyện này”, ông Nhưỡng nhấn mạnh.
Vấn đề vẫn là tổ chức thực hiện
Liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước, bà Phan Thị Thu Hiền - Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT cho biết hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề vận tải đã tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, trong tổ chức thực hiện thì nhiều nơi chưa được hiệu quả.
“Đối với Cục Đường bộ Việt Nam, chúng tôi thường tiếp nhận những thông tin liên quan đến xe dù, bến cóc từ phía người dân. Từ đó, chúng tôi có chỉ đạo, yêu cầu lực lượng thanh tra giao thông xử lý. Đó là những giải pháp mang tính thời điểm. Liên quan đến việc xử lý vi phạm qua thiết bị giám sát hành trình, chúng tôi có mở những đợt cao điểm”, bà Hiền cho biết.
Theo bà Hiền, tình trạng vẫn tồn tại xe dù, bến cóc có nguyên nhân từ rất nhiều khâu. Trong đó, khâu quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch trong các đô thị lớn vẫn là bài toán không chỉ giải quyết trong một ngày, vì nó liên quan đến quỹ đất, điều kiện đầu tư, nguồn vốn và liên quan cả đến nhiều ngành.
Đối với ngành Giao thông vận tải, đặc biệt trong lĩnh vực đường bộ, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam nhấn mạnh sẽ vận dụng tất cả những giải pháp có thể áp dụng được trước mắt cũng như lâu dài như xây dựng chính sách, điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật khi có phản ánh của người dân và doanh nghiệp…
Về phía Cảnh sát giao thông, Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh - Phó Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an) cho biết, sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát và thường xuyên xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, nhất là xe khách vi phạm những lỗi tiềm ẩn nhiều nguy cơ lớn gây tai nại giao thông như vi phạm về tốc độ, dừng đỗ, đón trả khách không đúng quy định hay đi sai phần đường, làn đường, tránh vượt sai quy định…
Bên cạnh đó, phối hợp với các lực lượng chức năng khác như thanh tra giao thông, công an quận, phường, xã để xử lý nghiêm từ gốc.
“Chúng tôi nghĩ trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm thì phải lắp đặt hệ thống camera giám sát. Chúng ta không có lực lượng để xử nóng, xử ngay trực tiếp lúc đó thì sẽ xử lý hành vi qua hình ảnh đã được ghi nhận lại để nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông”, bà Minh nói.