Miệng cống bên hông Bệnh viện Bình Dân nằm trên con hẻm trước nhà các hộ dân tràn nước lênh láng sau cơn mưa chiều 23-11 - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT
Anh Nguyễn Trung Hữu, số nhà 40E, khóm Đông An 5, cho biết tình trạng tràn cống, nước lênh láng bốc mùi hôi thối đã xảy ra khoảng hai tháng nay, bắt đầu từ khi công trình cải tạo rạch Cái Sơn làm kè tạm chắn hai đầu thoát nước của con rạch, nước ùn ứ thoát không kịp.
"Tôi đã nhiều lần kiến nghị với đơn vị thi công giải quyết tình trạng nước cống tràn, bên đó trả lời do triều cường dâng, nhưng hết triều cường rồi, mỗi khi mưa xuống thì nước hôi thối lại tràn lên. Có những cơn mưa kéo dài, nước ngập trong nhà cao khoảng 20cm. Vợ con tôi sinh mới ba tháng tuổi buộc phải đưa về nhà ngoại ở tạm", anh Hữu cho biết.
Cảnh nước tràn lênh láng trong nhà người dân trong đêm mưa - Video: Người dân cung cấp
Chiều 23-11, Tuổi Trẻ Online ghi nhận sau cơn mưa khoảng 10 phút, nước từ miệng cống bên hông Bệnh viện Bình Dân, phường Mỹ Xuyên, TP Long Xuyên tràn lên ngập đường đi và nhà các hộ dân sinh sống lân cận.
Chỉ trong khoảng 15 phút, nước dâng gần 10cm, người dân phải mang ủng đi rảo vòng nhà xem đồ đạc nào bị ảnh hưởng, tiếp tục kê cao lên.
Còn bà Trần Thị Ngọc Mại, cùng ngụ khóm Đông An 5, cho biết gần hai tháng nay nhà bà luôn sống trong cảnh lo sợ không biết khi nào nước cống ngập tràn lên, hố ga trong nhà cũng đầy tràn chất thải, thậm chí đi vệ sinh không được phải chạy ra quán cà phê, hoặc đi tại chỗ rồi chờ nước rút vệ sinh sau.
"Khi mưa xuống nước tràn vô nhà tôi lút gần tới đầu gối. Ở trong nhà chúng tôi phải kê đồ lên, đeo khẩu trang vô để dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa bùn đen bốc mùi, mưa xuống thì nước tràn vô như cũ, đêm ngủ không được phải thức canh chừng.
Tôi đề xuất chính quyền nói nhà thầu làm sao cho nước thoát đi được, để nhà cửa đồ đạc hư hết, trong nước có cả nước thải từ bệnh viện làm sao chúng tôi an tâm được", bà Mại nói.
Bà Trần Thị Ngọc Mại cho biết mực nước cống tràn lên có khi lên đến 20cm - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT
Ông Nguyễn Công Lý - phó trưởng Phòng quản lý đô thị TP Long Xuyên - cho biết trước đây Bệnh viện Bình Dân đấu nối ống thoát nước xuống rạch Cái Sơn, hiện rạch này đang thi công, bệnh viện xin đấu nối đường ống nước thải về khu xử lý nước thải TP Long Xuyên.
"Các bên đã thống nhất phương án thi công, Phòng quản lý đô thị cũng đã duyệt chủ trương thi công, chờ bên phía bệnh viện và chủ đầu tư thực hiện. Dự kiến khi hoàn thành không còn tình trạng nước thải cùng lúc gây tràn cống lên các hộ dân nữa", ông Lý nói.
Khu vực kè tạm dài khoảng 100m để thoát nước công trình và khu dân cư lân cận phục vụ công trình cải tạo rạch Cái Sơn được cho là nguyên nhân gây tràn nước cống lên nhà dân - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Ngọc Kính - giám đốc Ban quản lý đô thị TP Long Xuyên - cho hay qua khảo sát đã đo được cao trình của đường cống trước nhà dân khoảng 2,5m, cao trình của kè công trình thoát nước từ 2,2 - 2,3m, nghĩa là mực nước cao nhất trong cống luôn thấp hơn mực nước cao nhất tại kè tạm khoảng 0,2m.
"Khi trời mưa xuống, đơn vị thi công có tăng khơi thông một phần bề mặt kè tạm để tăng cường thoát nước. Hiện ban quản lý tiếp tục phối hợp các bên liên quan cùng người dân giải quyết khó khăn. Chúng tôi có thể hỗ trợ một phần kinh phí để người dân nâng nền nhà chống ngập khi có đề xuất kiến nghị", ông Kính nói thêm.
Con hẻm vào nhà các hộ dân lênh láng nước đen, bốc mùi sau cơn mưa chiều 23-11 - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT
Được biết công trình thi công cải tạo rạch Cái Sơn thuộc dự án nâng cấp mở rộng đô thị Việt Nam - tiểu dự án TP Long Xuyên chiều dài tuyến thi công dài 1,8km, riêng đoạn kè đê thoát nước nằm giữa hai đoạn cống (dưới chân cầu Cái Sơn) dài 100m, phục vụ thoát nước công trình và khu dân cư lân cận đấu nối vào bốn đường ống dọc theo hai bên đường Trần Hưng Đạo đổ ra các sông.
TTO - Người dân sống tại rạch Bà Bầu, Ông Mạnh, phường Đông Xuyên, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang "kêu khổ" vì công trình kè rạch chậm, dở dang nhiều tháng qua khiến việc đi lại khó khăn, gặp tai nạn do đường hẹp, dốc đứng, thiếu biển báo nguy hiểm.
Xem thêm: mth.78760138132112202-ahn-pahk-pagn-nart-ohc-cuhc-ioht-gnoc-coun-iv-ugn-tam-na-tam/nv.ertiout