Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Nghị quyết 27-NQ/TW (Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành (BCH) Trung ương Đảng khóa XIII về “tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới”) vào ngày 9-11 (đúng ngày Pháp luật Việt Nam).
Đây là nghị quyết đầu tiên ở tầm BCH Trung ương đề cập một cách toàn diện, đầy đủ nhất các nội dung chính của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đang và sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện trong thời gian tới.
Trung ương vừa ban hành Nghị quyết 27-NQ/TW về “tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới”. Ảnh: TTX |
Quá trình chuẩn bị rất kỹ lưỡng
Tư tưởng Nhà nước pháp quyền từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập từ năm 1922 (“Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”) và trước đó. Tư tưởng ấy cũng được khẳng định trong Hiến pháp 1946 nhưng tới tháng 1-1994, “xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam” mới được Đảng đặt ra, trong Báo cáo chính trị của BCH Trung ương khóa VII.
Từ đó đến nay, từng bước, các khía cạnh, nội dung của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đã được Trung ương Đảng ghi nhận ở các cấp độ văn bản khác nhau. Gần đây nhất, cuối nhiệm kỳ khóa XII, khi tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 49 về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, đã xuất hiện những kiến nghị trung ương cần ban hành nghị quyết toàn diện về xây dựng Nhà nước pháp quyền.
Văn kiện Đại hội XIII đã tiếp thu những đề xuất như vậy, để rồi Hội nghị Trung ương 2, tháng 3-2021 đã ban hành chương trình làm việc toàn khóa, ấn định Hội nghị lần thứ sáu, trung ương sẽ bàn chuyên đề về “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.
Trong thời gian ngắn, dù gặp nhiều khó khăn từ đại dịch COVID-19, Ban chỉ đạo xây dựng đề án do Bộ Chính trị thành lập đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức ở trung ương xây dựng 27 chuyên đề tổng kết toàn diện lý luận và thực tiễn các khía cạnh lớn, tổng quát của vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền trong đặc thù Việt Nam.
Ban chỉ đạo đã tổ chức ba hội thảo quốc gia, cơ quan thường trực Ban chỉ đạo là Ban Nội chính Trung ương tổ chức sáu tọa đàm chuyên sâu. Tiếp đó, Ban chỉ đạo tiến hành ba hội nghị, lấy ý kiến các tỉnh, thành ủy ba khu vực Bắc, Trung, Nam. Ở giai đoạn hoàn thiện đề án, Ban chỉ đạo đã có chín cuộc trao đổi, thảo luận với 10 cơ quan, tổ chức ở trung ương có chức năng, nhiệm vụ, vai trò quan trọng với nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền, trước khi Bộ Chính trị hồi tháng 9 họp thông qua đề án. Và để rồi, tất cả được trình Hội nghị Trung ương 6 tháng 10, thảo luận, góp ý quyết định thông qua nghị quyết.
Theo sát quá trình xây dựng đề án có thể thấy Nghị quyết 27-NQ/TW là sản phẩm của “ba nhà”: Nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, nhà chính trị. Trong quá trình xây dựng đề án, dự thảo nghị quyết, nhiều nhà khoa học đã góp nhiều ý kiến. Các cơ quan, đơn vị từ thực tiễn hoạt động của mình cũng đã góp thêm ý kiến.
Và cuối cùng, Bộ Chính trị và BCH Trung ương quyết định giải pháp tổng thể để cân đối tối đa nhiều mặt của quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong thời gian tới.
Tám đặc trưng của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam sẽ liên tục được làm rõ nội hàm, không ngừng hoàn thiện mô hình.
Tám đặc trưng của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam
Giá trị rất lớn là lần đầu tiên BCH Trung ương bằng nghị quyết của mình mô tả đầy đủ tám đặc trưng của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, bao gồm một số nội dung mang tính phổ biến của nhà nước pháp quyền trên thế giới và một số nội dung mang tính đặc thù Việt Nam. Cụ thể:
- Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo;
- Là nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân;
- Quyền con người, quyền công dân được công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ theo Hiến pháp và pháp luật;
- Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật;
- Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và kiểm soát hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp;
- Hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, được thực hiện nghiêm minh và nhất quán;
- Bảo đảm độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật;
- Tôn trọng và bảo đảm thực hiện các điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc, pháp luật quốc tế và các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Các đặc trưng trên của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam sẽ liên tục được làm rõ nội hàm, không ngừng hoàn thiện mô hình để vận hành ngày càng nhuần nhuyễn cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”.
Một vài cảm nhận về Nghị quyết 27-NQ/TW
Cảm nhận ban đầu đến từ tên Nghị quyết 27-NQ/TW là “tiếp tục xây dựng và hoàn thiện” chứ không ở tầm mức “chiến lược” như ở văn kiện Đại hội XIII và chương trình làm việc toàn khóa đặt ra.
Trung ương xác quyết việc xác định mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền ở nước ta chỉ có thể trên quan điểm những gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn kiểm nghiệm, chứng minh là đúng, đa số đồng thuận thì đưa vào đề án.
Như thế, xây dựng nhà nước pháp quyền là quá trình liên tục, với những nội dung cho giai đoạn mới phải được xác định trên cơ sở bám sát tình hình thực tiễn đất nước và thế giới; vừa kế thừa, phát huy những thành tựu đạt được trong xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam sau hơn 35 năm đổi mới, vừa tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế.
Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền trong thời gian tới chính là quá trình “tiếp tục” cụ thể hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên XHCN, Hiến pháp 2013, Văn kiện Đại hội XIII.
Cũng với tính chất “tiếp tục”, nghị quyết lần này về cơ bản là sự hệ thống hóa các tư tưởng, quan điểm, tư duy, nhận thức của Đảng từ trước đến nay về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Các nội dung liên quan ở các nghị quyết, văn kiện của Đảng trước đây nay được xâu chuỗi lại, làm rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp một cách tổng thể nhất cho giai đoạn mới.
NGHĨA NHÂN