Anh John McFall, phi hành gia khuyết tật đầu tiên của Cơ quan Vũ trụ châu Âu. Phi hành gia người Anh này là bác sĩ kiêm vận động viên khuyết tật Paralympic - Ảnh: AP
Thế hệ thứ ba của các phi hành gia châu Âu bao gồm năm phi hành gia chuyên nghiệp, 11 thành viên dự bị và một phi hành gia bị khuyết tật. 17 người này được chọn từ hơn 22.500 ứng viên từ khắp châu Âu.
Toàn bộ phi hành gia tập sự mới của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) sẽ tham gia dự án đưa các phi hành gia khuyết tật vào vũ trụ và các sứ mệnh khác trong tương lai.
"Lớp phi hành gia này của ESA đang mang lại tham vọng, tài năng và sự đa dạng dưới nhiều hình thức khác nhau để thúc đẩy nỗ lực và tương lai của chúng ta", Tổng giám đốc ESA Josef Aschbacher cho biết.
Năm tân binh gồm ba nam và hai nữ, sẽ trải qua 12 tháng huấn luyện cơ bản tại Trung tâm Phi hành gia châu Âu ở Cologne, Đức. Các ứng cử viên này gồm là Sophie Adenot, Pablo Álvarez Fernández, Rosemary Coogan, Raphaël Liégeois và John McFall.
Trong đó, hai nữ phi hành gia Sophie Adenot (Pháp) và Rosemary Coogan (Anh) đại diện cho số ít các phi hành gia là người châu Âu và đại diện cho một phần thiểu số các phi hành gia là phụ nữ. Hầu hết các nữ phi hành gia hiện nay đều là người Mỹ.
Danh sách phi hành gia mới này của ESA lại không có người da màu. Chiến dịch tuyển chọn đã không đề cập cụ thể đến vấn đề đa dạng sắc tộc, tuy đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các thành viên “đại diện cho tất cả các bộ phận trong xã hội”.
Trong số các phi hành gia mới có một người đặc biệt là John McFall, người Anh, 41 tuổi. Người đàn ông này mất chân phải khi 19 tuổi, sau đó anh tham gia tranh tài tại Paralympics (Đại hội thể thao cho người khuyết tật).
McFall gọi quyết định của Cơ quan Vũ trụ châu Âu là "một bước ngoặt đánh dấu một cột mốc lịch sử", vì trước đây quy định tuyển dụng của ESA dành cho các ứng viên khuyết tật là những người bị khuyết tật chi dưới hoặc những người thấp dưới 130cm.
"Tất cả những khó khăn trong cuộc sống đã cho tôi niềm tin và sức mạnh, khả năng tin vào chính mình rằng tôi có thể làm bất cứ điều gì tôi muốn. Tôi chưa bao giờ mơ ước trở thành một phi hành gia. Chỉ đến khi ESA thông báo rằng họ đang tìm kiếm một ứng viên khuyết tật để tham gia dự án này tôi mới thực sự quan tâm" - Hãng tin AP dẫn lời anh McFall.
Khác với nhiệm vụ của các phi hành gia khác, McFall sẽ tham gia vào một nghiên cứu mang tính đột phá xem xét các ảnh hưởng của các khuyết tật về thể chất lên việc du hành vũ trụ của con người. ESA xem đây là một “vùng đất chưa được khám phá” vì chưa có cơ quan vũ trụ phương Tây nào đã từng đưa một phi hành gia khuyết tật vào không gian.
Lãnh đạo ESA cho biết sẽ phải mất ít nhất năm năm trước khi McFall đi vào vũ trụ với tư cách là một phi hành gia.
Đây cũng là lần đầu tiên ESA thành lập nhóm phi hành gia dự bị, bao gồm các ứng viên đã hoàn thành quá trình tuyển chọn nhưng không được tuyển dụng.
ESA đã tham gia chặt chẽ vào sứ mệnh Artemis của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) nhằm đưa con người trở lại mặt trăng. ESA hy vọng rằng người châu Âu đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng sẽ nằm trong số các phi hành gia mới này.
TTO - “Phi hành gia Nga” nói sẽ cưới một phụ nữ ở Nhật Bản sau khi quay về Trái đất, nhưng cần 30.000 USD mua tên lửa bay về.
Xem thêm: mth.34921117142112202-neit-uad-tat-teyuhk-aig-hnah-ihp-oc-ua-uahc-urt-uv-nauq-oc/nv.ertiout