Theo Tuổi Trẻ, trước đó, kênh YouTube của Duma quốc gia Nga đã bị Google khóa.
Tháng 3 năm nay, YouTube (sản phẩm thuộc sở hữu của Alphabet, công ty mẹ của Google) đã chặn quyền truy cập trên toàn cầu vào các kênh liên kết với truyền thông nhà nước Nga. Theo truyền thông phương Tây, động thái của YouTube liên quan tới "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga tại Ukraine. Một số nội dung do phía Nga đăng tải, hoặc các kênh liên quan tới Điện Kremlin, bị cho đã vi phạm chính sách của YouTube.
Tại châu Âu, một số kênh tin tức nổi tiếng của Nga như RT hay Spurnik cũng đã bị cấm, không thể truy cập. Trong diễn biến đào sâu khác biệt giữa Nga và phương Tây, phía Nga cũng đã cấm nhiều mạng xã hội ở phương Tây, bao gồm Facebook và Instagram. Tuy nhiên, trường hợp YouTube tương đối đặc biệt, khi Điện Kremlin vẫn chưa cấm nền tảng phát video lớn nhất thế giới này.
Tạp chí Time (Mỹ) dẫn dữ liệu từ eMarketer cho biết YouTube là nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất ở Nga. Ước tính có hơn 75% người dùng Internet ở Nga đang dùng YouTube. Các chuyên gia cho rằng sự phổ biến của YouTube góp phần khiến mạng xã hội này vẫn "sống sót" dưới các quy định siết chặt của Nga.
Theo VTV, hồi tháng 3/2022, Nga đã liên tục chặn hàng loạt nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter... Theo cáo buộc của Cơ quan quản lý phương tiện truyền thông Nga Roskomnadzor, các mạng xã hội này đã có động thái "phân biệt đối xử" đối với các phương tiện truyền thông nhà nước Nga. Ngoài ra, các dịch vụ này còn vi phạm luật liên bang khi hạn chế quyền truy cập vào tài khoản của một số đơn vị truyền thông.
Trước tình hình này, các nhà phát triển tại Nga đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội và tung ra hàng loạt các mạng xã hội nội địa nhằm thay thế các dịch vụ bị chặn. Rossgram là một trong những ứng dụng mạng xã hội nội địa đầu tiên được công bố tại Nga. Với thiết kế khá giống với Instagram, những người sáng tạo ra Rossgram đã gọi đây là câu trả lời của Nga dành cho Instagram.
Đào Vũ (T/h)