Những "nội quy" đùa giỡn và hình ảnh như thế này nhan nhản trên mạng xã hội những ngày qua - Ảnh: Chụp màn hình
"Câu hỏi là vì sao cách đây mấy tháng, dư luận lên án một MV ca nhạc có hình ảnh người trầm cảm tự tử, xem đó là hiểm họa, nhưng hôm nay lại thấy bình thường, thậm chí cười cợt việc thua độ nhảy cầu (cũng là tự tử)?" - luật sư Lê Nguyễn Duy Hậu đặt vấn đề trên trang cá nhân.
Trò đùa nhảy cầu không chỉ dừng lại ở vài chữ mà còn đi kèm những bài đăng hướng dẫn nhảy, danh sách cầu nên nhảy, hình ảnh những cây cầu ngập dép, hình ảnh người hoặc con heo đang nhảy...
Có người còn đùa linh vật của World Cup năm nay chính là... người nhảy cầu.
Mới đây, vợ của Hồ Tấn Tài - cầu thủ tuyển quốc gia Việt Nam - phải xin lỗi sau khi đăng ảnh cá độ bóng đá lên trang cá nhân. Kèm ảnh cá độ, cô cũng viết: "Anh em tối nay thế nào rồi nhỉ, nhẹ nhàng thôi không nhảy cầu nhé".
Linh vật của World Cup 2022 ở Qatar cũng bị đùa là người nhảy cầu - Ảnh: FIFA
MV ca nhạc và một câu đùa
Tuổi Trẻ Online trích dẫn phân tích của luật sư Lê Nguyễn Duy Hậu về nghịch lý trên:
"Đọc lại tình huống cấm MV cách đây mấy tháng, thì có một nguyên tắc sau đây được người phản đối MV đưa ra: vì MV có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, thậm chí là cổ vũ cho người khác, đặc biệt là trẻ vị thành niên tự sát.
Nhưng vì sao định đề đó lại đúng? Người phản đối MV đưa ra thêm hai lập luận: (1) vì MV do một ca sĩ nổi tiếng, có ảnh hưởng biểu diễn (yếu tố ảnh hưởng), và (2) vì MV rơi vào một thời điểm nhạy cảm khi có quá nhiều vụ tự sát trong giới thanh thiếu niên (yếu tố hoàn cảnh).
Vậy thì dựa trên nguyên tắc đó, ta có thể kết luận, một hình ảnh có nội dung tự tử cần phải cấm khi (1) nó có thể gây ảnh hưởng đến người khác, và (2) nó rơi vào hoàn cảnh có thể gây ra nhiều vụ tự tử khác.
Để củng cố, người ta đưa ra thêm nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh rằng một sản phẩm giải trí có thể khiến thúc đẩy hành vi tự tử của người khác như thế nào.
Nguyên tắc này nhìn chung hợp lý. Nhưng nếu vậy thì việc đùa giỡn về nhảy cầu cũng đâu khác mấy?
Xét về yếu tố ảnh hưởng, cũng chưa chắc MV ca nhạc kia có ảnh hưởng bằng việc rất nhiều người cùng một lúc đùa về việc nhảy cầu (thậm chí có người còn được gắn tick xanh, có page còn có hơn 1 triệu thành viên) cùng lên bài trong một sự kiện cả tỉ người xem hay không [...].
Ngoài ra, việc đùa giỡn về tự tử cũng là một hành vi bình thường hóa hành vi tự tử. Cũng không thiếu các nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa việc này và việc gia tăng tỉ lệ tự tử trên thực tế".
"Cá nhân tôi không đồng tình với việc đem tự tử ra làm trò đùa vì bất kỳ lý do gì" - độc giả Huy Đoàn nêu ý kiến.
Bình thường hóa cá độ?
Thêm vào đó, luật sư Duy Hậu còn cho rằng việc đùa nhảy cầu còn bình thường hóa cá độ - một hành vi bất hợp pháp tại Việt Nam.
Bàn luận về vấn đề này, một độc giả khác cho rằng ngoài câu đùa "nhảy cầu", đến mùa World Cup, những câu đùa về bán xe, bán nhà, cắm sổ đỏ... cũng tràn lan trên mạng xã hội, góp phần bình thường hóa các hành vi này.
Độc giả Bảo Quân viết: "Từ ngày World Cup diễn ra, mình thấy quá nhiều người không chỉ bình luận mà còn viết hẳn bài đùa cợt, chế giễu, hằn học... bóng gió về việc nhảy cầu. Tại sao lại viết về chuyện sinh tử của người khác một cách gần như không mảy may suy nghĩ như vậy?
Cảm giác một bộ phận không nhỏ đang bình thường hoá hoạt động cá độ bóng đá, trong khi theo mình nó gây nên những bất ổn thật sự ở xã hội".
Nhiều khán giả chỉ ra rằng trò đùa này đã kéo dài nhiều mùa World Cup, Euro, trên mạng vẫn còn nhiều bài đăng tương tự từ hồi World Cup 2018. Nhưng những người có trách nhiệm cần lên tiếng để số đông hiểu rằng đây là một trò "đùa nhưng không vui".
"Facebook mùa World Cup... chán quá"
Từ năm 2018, khán giả - nhà báo Trần Triều đã nêu ý kiến: "Facebook mùa World Cup chán quá nhờ? Chủ đề quanh đi quẩn lại cũng là nhảy cầu. Sáng hôm nào mở Facebook lên cũng thấy quá trời người đòi nhảy cầu.
Mình đón ngày mới bằng cách vào trang một người có bộ óc tinh anh viết giỏi để mình đọc đặng học hỏi, chỉ thấy nội dung: đòi nhảy cầu. Mình vào trang một người thông minh hài hước đọc để thấy yêu đời, chỉ thấy nội dung: đòi nhảy cầu. Mình vào trang của một người tình cảm ấm áp đọc để lấy chút năng lượng ấm, chỉ thấy nội dung: đòi nhảy cầu.
Tất cả cảm xúc thể hiện trên Facebook đều hướng về World Cup, mà nội dung về World Cup có hay gì cho cam, có mỗi một chuyện: đòi nhảy cầu. Chán hè".
Đó là 2018 rồi, năm 2022 chúng ta có thay đổi được không?
TTO - Ông Trần Đăng Tuấn, cựu phó tổng giám đốc VTV, hiểu việc mời hot girl 'nóng cùng World Cup' là để thêm vui và sinh động nhưng việc này đã thành gánh nặng cho chương trình. Ông khuyên đài 'mạnh dạn thôi mảng đó đi'.
Xem thêm: mth.28571600152112202-oas-yah-ior-aud-ed-neyuhc-teh-puc-dlrow-aum-uac-yahn/nv.ertiout