"Điều này có nghĩa công ty đi lùi thực sự. Trong điều kiện khó khăn, tôi không biết kết quả này tệ hay đáng khích lệ so với nhiều doanh nghiệp khác", ông Nguyễn Đức Tài nói tại buổi gặp nhà đầu tư giữa tuần này.
Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) đặt kế hoạch năm nay doanh thu đạt 140.000 tỷ đồng và lãi sau thuế 6.350 tỷ đồng, tăng gần 14% và 30% so với năm ngoái. Ban lãnh đạo từng cho biết con số này đưa ra dựa trên giả định dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng không dẫn đến sự ngưng trệ do phong tỏa hoặc tác động trầm trọng như hai năm trước.
Thực tế mười tháng đầu năm, Thế Giới Di Động thu hơn 113.710 tỷ đồng và lãi 3.840 tỷ đồng, đều tăng so với cùng kỳ nhưng mới hoàn thành lần lượt 81% và 60% kế hoạch. Quy mô tổng cộng 5 chuỗi (điện thoại, điện máy, bách hoá, nhà thuốc, đồ cho mẹ và bé) là 5.760 cửa hàng.
Lý giải về khả năng không hoàn thành mục tiêu lợi nhuận năm, người đứng đầu Thế Giới Di Động cho biết nguyên nhân chính là thu nhập của người lao động giảm nên sức mua hạn chế. Ông ví dụ công nhân ở nhiều nhà máy thay vì tăng ca sản xuất cho mùa cuối năm, giờ phải chia ca một tháng 14 ngày làm 14 ngày nghỉ, thậm chí mất việc dẫn đến phải thắt lưng buộc bụng.
"Những thứ không cần dùng, người lao động cắt hẳn. Những thứ buộc xài, họ có khuynh hướng chọn món rẻ hơn", ông Tài nói và bổ sung thêm ngành hàng không thiết yếu như điện thoại, điện máy sẽ chịu ảnh hưởng nhiều hơn nhóm tiêu dùng.
Theo ông Tài, vấn đề hiện tại của ngành bán lẻ không đến từ một quyết định mà có nguồn cơn từ một chuỗi những yếu tố tác động như lạm phát, chiến tranh, rủi ro tỷ giá... và không ai có thể xử lý vấn đề này nhanh gọn. Ông dự báo khó khăn chỉ có thể kết thúc nhanh nhất vào cuối quý I/2023. Trong trường hợp tình hình thế giới vẫn bất ổn, nhiều khả năng tác động tiêu cực sẽ kéo dài đến quý III và từ quý IV trở đi mới "dễ thở hơn".
"Chúng ta không thể kỳ vọng hồi phục ngay 1-2 tháng tới. Đó là lạc quan quá mức", ông Tài chia sẻ.
Ngoài yếu tố khách quan của ngành bán lẻ, một trong những nguyên nhân khiến kết quả kinh doanh của Thế Giới Di Động chậm lại trong năm nay là do tái cấu trúc chuỗi cửa hàng bách hoá. Công ty ước tính chi phí phát sinh từ thanh lý tài sản, hoàn trả mặt bằng do đóng cửa hơn 400 cửa hàng lên đến 500 tỷ đồng và đã hạch toán trong hai quý giữa năm.
Kết quả kinh doanh không như kỳ vọng trước đó của ông Vũ Đăng Linh – Giám đốc Tài chính – rằng Thế Giới Di Động không gặp khó khăn nào về tài chính hay dòng tiền. Theo ông Linh, công ty đã có kịch bản để đối mặt với các biến động bất lợi như tạm dừng mở mới cửa hàng ở tất cả chuỗi (trừ một số cửa hàng thử nghiệm), cắt bỏ mọi chi phí không hiệu quả, kiểm soát hàng tồn kho để đủ phục vụ khách trong mùa cao điểm cuối năm nhưng không tạo gánh nặng cho năm tới và bảo vệ dòng tiền lành mạnh.
Ông cho biết Thế Giới Di Động mới tất toán khoản trái phiếu 1.135 tỷ đồng phát hành từ 5 năm trước và thanh toán khoản vay 120 triệu USD do HSBC thu xếp cách đây 2 năm. Ngược lại, công ty mới nhận khoản vay 250 triệu USD vào cuối tháng 9.
Phương Đông