Vận tải thủy ở Tây Nam Bộ chờ khơi thông
Diễn đàn kết nối Mekong năm 2022 vừa diễn ra với chủ đề "Chủ động nâng chất lượng liên kết, tích hợp để phát triển bền vững". Diễn đàn diễn ra khi đã có Nghị quyết 13 Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn 2045 cùng nhiều chủ trương, chính sách mới cho phát triển khu vực này để giải quyết vấn đề đang tồn tại lâu nay đó là "tiềm năng lớn, nhưng chính sách còn hạn hẹp".
Lấy ví dụ về giao thông, một container vận chuyển từ TP Hồ Chí Minh đến Trung Quốc hay Singapore chỉ tốn 130 USD, nhưng nếu vận chuyển bằng đường thủy từ Cần Thơ lên TP Hồ Chí Minh đắt gần gấp đôi. Đắt đỏ như vậy nên các doanh nghiệp không sử dụng nhiều vận tải thủy. Vì thế mà tiềm năng vận tải thủy ở vùng sông nước này khó phát triển, hạ tầng của loại hình vận tải có chi phí thấp này không được đầu tư nâng cấp.
Vận tải thủy ở Tây Nam Bộ chờ khơi thông. Ảnh minh họa.
Phần lớn các bến cảng trong cụm cảng Cái Cun được thiết kế đón tầu hơn 20.000 tấn. Nhưng trong nhiều năm qua, khu vực này chỉ đón được tầu khoảng 6.800 tấn, tức bằng có 1/3 công suất thiết kế do luồng tuyến bị cạn.
6 năm trước, Tân cảng Sài Gòn đã từng mở tuyến container với tải trọng 1 vạn tấn. Nhưng chỉ ít thời gian, luồng cạn, tuyến mới mở đành phải dừng. Để tăng hiệu quả của tuyến đường thủy quan trọng này, nhất thiết phải có sự đồng hành của 4 bên là khai thác cảng, dịch vụ logictics, doanh nghiệp và chính quyền địa phương.
Nhiều dự án cải tạo luồng tuyến đã được bố trí nguồn vốn trung hạn 2021 - 2025 như Dự án cảng Trần Đề, giai đoạn 2 Quang Chánh Bố, đảm bảo độ sâu âm 6,5m. Kênh Chợ Giao giai đoạn 2 và nâng cao tĩnh không 9 cầu đảm bảo cho tàu chở 3 - 4 lớp container. Đại diện bộ GTVT cho biết, viêc khơi thông các tuyến đường thủy sẽ có sự kết hợp theo hình thức công tư.
Hiện khu vực ĐBSCL đang đóng góp 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu. Nhưng khoảng 80% khối lượng hàng hóa của vùng vẫn phải đi đường vòng, đường bộ tới các cảng tại TP Hồ Chí Minh và Đông Nam bộ để xuất khẩu. Đây chính là dư địa để phát triển mạng lưới đường thủy và 13 cảng biển theo quy hoạch ở khu vực ĐBSCL, nhằm giảm chi phí logistics hiện chiếm tới 30% giá thành sản phẩm, qua đó giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm sản xuất tại vùng.
Sẵn sàng khởi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025
Cùng với vận tải thuỷ, ngay trong tháng sau sẽ khởi công nhiều gói thầu cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có 300 km ở khu vực ĐBSCL. Cho đến thời điểm này, công tác khảo sát thiết kế, lập dự toán của nhiều gói thầu đã cơ bản hoàn tất. Đặc biệt, công tác giải phóng mặt bằng ở nhiều địa phương đã đạt khối lượng hơn 70%. Tất cả đã sẵn sàng để triển khai những km cao tốc mới, thúc đẩy liên kết vùng ĐBSCL với cả nước.
Trong số 721 km đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 đi qua 12 địa phương đến nay đã có 8 địa phương đạt khối lượng giải phóng mặt bằng trên 70%.
Ông Nguyễn Thế Minh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải cho biết: "Các địa phương đều cam kết đến ngày 20/12 sẽ bàn giao đủ mặt bằng. Như vậy đến thời điểm đó, 12/12 gói thầu của 12 dự án sẽ khởi công theo yêu cầu của chính phủ".
Cũng theo đại diện Bộ Giao thông Vận tải, đến quý 2 sang năm toàn bộ mặt bằng của các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 sẽ hoàn tất. Cùng với việc Chính phủ cho phép tiến hành song song nhiều phần việc khảo sát, thiết kế, lập dự toán dự án và chỉ định thầu trong công tác tư vấn, xây dựng khu tái định cư sẽ giúp dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 rút ngắn được nhiều thời gian triển khai so với các dự án khác.
Theo kế hoạch, đến cuối năm 2025 toàn bộ dự án cao tốc đường bộ Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 sẽ được hoàn thành.
Cùng với vận tải thuỷ, ngay trong tháng sau sẽ khởi công nhiều gói thầu cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có 300 km ở khu vực ĐBSCL. Ảnh minh họa.
Chính những hạn chế trong cơ sở hạ tầng mà chủ yếu là giao thông nên ĐBSCL lâu nay được xem là vùng khó thu hút đầu tư. Tuy nhiên, gần đây số doanh nghiệp đến đây tìm hiểu, xây dựng nhà máy, phát triển sản xuất tăng lên mạnh mẽ. Chủ động đi tìm thay vì chờ đợi là phương châm mà ĐBSCL đang thực hiện.
Trên cơ sở những tầm nhìn định hướng dài hạn của Nghị quyết 13 Bộ chính trị, các địa phương trong vùng cũng như các bộ ngành sẽ xác định những giải pháp cụ thể mang tính đột phá để từng bước đưa tăng trưởng kinh tế vùng nhanh hơn, hạ tầng giao thông kết nối tốt hơn tương xứng với vị thế quan trọng của vùng đối với cả nước.
Chương trình Vấn đề hôm nay với chủ đề "Làm sao để khơi thông vận tải ĐBSCL, nâng cao chất lượng liên kết vùng?" với sự tham gia của ông Lê Đỗ Mười - Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, Bộ GTVT đã có những phân tích, bình luận chi tiết các vấn đề trên.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.22220936062112202-lcsbd-gnuv-uam-hcam-gnoht-iohk-iat-nav-nehgn-meid-og/et-hnik/nv.vtv