Iran hai lần chọc thủng lưới Xứ Wales ở thời gian bù giờ, Nhật Bản đã gây tiếng vang lớn khi đánh bại Đức 2-1 và đây không phải là thất bại đầu tiên của các ông lớn do một đội châu Á gây ra ở World Cup này. Trước đó, Argentina từng bị Saudi Arabia ngược dòng đánh bại 1-2 và đội tuyển Hàn Quốc không để ông lớn Uruguay sút thủng lưới.
Richarlison thách thức Chiếc giày vàng World Cup, khổ thân Neymar
Nhìn lại thành tích của các đại diện châu Á tại giải vô địch bóng đá thế giới và những thách thức họ phải đối mặt trong nhiều năm qua cho thấy hiện tại có một sự tiến bộ lớn cùng hy vọng lặp lại kỳ tích như Hàn Quốc vào bán kết World Cup 2002.
Các đội châu Á tại World Cup
Trong lịch sử, World Cup là sân chơi độc quyền của bóng đá châu Âu và Nam Mỹ. Chưa từng có đội bóng nào ngoài hai châu lục này giành được giải thưởng lớn nhất ở đấu trường thế giới. Trong 21 kỳ World Cup đã hoàn thành cho đến nay, chỉ có hai đội vào bán kết không đến từ châu Âu hoặc Nam Mỹ. Đó là đội tuyển Mỹ từ hồi World Cup khai sinh năm 1930 (chỉ có 13 đội và thua Argentina 1-6) và Hàn Quốc trên sân nhà của họ vào năm 2002.
Đội tuyển Saudi Arabia đã gây chấn động làng bóng thế giới sau cú lội ngược dòng đánh bại đối thủ hùng mạnh Argentina. Ảnh: GETTY. |
Thêm một thực tế phũ phàng nữa là các đội châu Á có thành tích đặc biệt kém khi so sánh với các châu lục khác. Mặc dù chưa có quốc gia châu Phi nào lọt vào bán kết, nhưng kể từ năm 1986, mọi kỳ World Cup đều có ít nhất một đội châu Phi lọt vào nhóm bốn đội mạnh nhất (trừ năm 2018).
Tương tự, mọi kỳ World Cup kể từ năm 1986 đều có ít nhất một đội từ Bắc Mỹ lọt vào Vòng 16 đội. Ngược lại, không có đội tuyển của châu Á nào vượt qua vòng bảng ở 5/9 kỳ World Cup được tổ chức trong cùng thời kỳ này. Nói một cách đơn giản, các đội châu Á thường thi đấu kém hiệu quả ngay cả với những kỳ vọng khiêm tốn nhất đặt vào họ.
Cầu thủ và đội tuyển ở châu Á trên sân khấu lớn
Châu Á có rất ít cầu thủ thường xuyên thi đấu ở các giải đấu và đội bóng tốt nhất ở châu Âu. Chỉ xét về mặt tên tuổi, các cầu thủ châu Á đã kém hơn nhiều so với các đồng nghiệp châu Phi hoặc Bắc Mỹ. Nhưng điều này không có nghĩa là châu Á không sản sinh ra những cầu thủ hàng đầu.
Ritsu Doan và đồng đội Nhật Bản kết liễu "cỗ xe tăng" Đức làm lu mờ khái niệm mạnh được yếu thua trong bóng đá. Ảnh: GETTY. |
Nhìn vào một vài thập kỷ qua, có một số cầu thủ xuất sắc của bóng đá châu Á, bao gồm: Park Ji-Sung (Hàn Quốc) trong đội bóng huyền thoại Manchester United những năm 2000; Nakamura (Nhật Bản) là nhân vật đình đám ở Glasgow; Ali Daei (Iran) là cỗ máy ghi bàn cho tuyển quốc gia; Nakata (Nhật Bản) là một hiện tượng ở Serie A; Hiện tại là Son Heung-Min (Hàn Quốc) là một trong những tiền đạo xuất sắc nhất Premier League.
Nhưng với quy mô của nguồn tài năng châu Á là lục địa lớn nhất, đông dân nhất, bóng đá châu Á vẫn chưa đạt đến tầm cao có thể hoặc nên có.
World Cup 2002 diễn ra tại Hàn Quốc và Nhật Bản là giải đấu thế giới đầu tiên tổ chức trên đất châu Á. Cho đến nay, đây là kỳ World Cup thành công nhất đối với các đội châu Á. Cả chủ nhà Nhật Bản và Hàn Quốc đều vượt qua vòng bảng, và Hàn Quốc đã tiến vào bán kết một cách khó tin.
Iran kiên nhẫn hạ gục Xứ Wales 2-0 trong những phút bù giờ. Ảnh: GETTY. |
Đây vẫn là thành tích tốt nhất của bất kỳ đội nào bên ngoài châu Âu và Nam Mỹ tại một kỳ World Cup. Họ lại lọt vào vòng 16 đội hai lần vào năm 2010 và 2018, nhưng cả hai lần đều không thể tiến xa hơn.
Kỳ vọng bóng đá châu Á lặp lại kỳ tích 2002
Năm 2002 vẫn là cuộc chơi sôi động của bóng đá châu Á trên đấu trường thế giới, cho dù tất cả đều không có sự ổn định và không đạt đỉnh cao như Hàn Quốc năm 2002.
Một vài yếu tố giúp các đại diện châu Á góp mặt ở cúp thế giới nhờ sự phân bổ các suất tham dự World Cup và mỗi Liên đoàn quốc gia có những cơ hội nhất định đảm bảo vị trí của họ. Hiện tại, châu Á có từ 4 đến 5 suất cho 45 đội tham dự vòng loại trong khi châu Âu chỉ có 13 suất cho 55 đội đủ điều kiện, dù tiêu chuẩn trình độ cao hơn. Hệ thống này cho thấy các đội châu Á sẽ không gặp nhiều các đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ hơn và quanh đi quẩn lại chỉ có vài gương mặt quen thuộc.
Son Heung-min và các tuyển thủ Hàn Quốc cho đối thủ lớn Uruguay biết mình không dễ bắt nạt. Ảnh: GETTY. |
Tiếp đó, quá trình thương mại hóa và chuyên nghiệp hóa của bóng đá tạo ra khoảng cách lớn hơn giữa chất lượng của các đội bóng ở châu Âu và phần còn lại của thế giới. Ngay cả những cầu thủ giỏi nhất từ Nam Mỹ cũng chơi bóng ở châu Âu. Cơ sở hạ tầng và sự phát triển của cầu thủ tốt hơn ở các giải đấu hàng đầu châu Âu.
Các giải đấu châu Á không có chất lượng như vậy, và mạng lưới tuyển trạch cầu thủ của các CLB châu Âu không có nhiều ấn tượng ở châu lục này. Điều này gây bất lợi cho các cầu thủ châu Á so với các đối thủ đến từ các châu lục khác.
Nhưng Qatar 2022 có khởi đầu rất thuận lợi cho các đội bóng châu Á. Họ chơi bóng tự tin và có năng lực trên sân khấu lớn nhất. Không kể chủ nhà Qatar, các đồng nghiệp châu Á như tuyển Saudi Arabia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran đã gây tiếng vang lớn ở World Cup lần này với kỳ vọng gặt hái thành công như mùa 2002.