Tối qua, Sam Bankman-Fried nhắn tin cho tôi trên Twitter.
Thật ngạc nhiên. Đầu mùa hè năm nay, tôi từng nói chuyện với Bankman-Fried trên Zoom. Vì thế tôi đã thử liên lạc với cậu vào ngày 13/11, sau khi tin tức xấu về sàn FTX tràn ngập. Thông thường thì những người đang bị cả Ủy ban chứng khoán và Bộ Tư pháp điều tra sẽ trốn tránh báo chí và im lặng, do vậy tôi không mong đợi sẽ nhận được hồi âm.
Thế nhưng Bankman-Fried lại kể ra câu chuyện của bản thân. Về cách FTX và quỹ Alameda Research đã đặt tiền của khách hàng vào thế rủi ro mà chính họ cũng không hề hay biết. Về trải nghiệm của 1 người từng được tung hô là anh hùng bỗng chốc trở thành kẻ tội đồ. Về cơ quan quản lý. Về những điều hối tiếc và nếu chọn lựa chọn lại thì cậu sẽ làm những gì.
Tôi nhận được hồi âm lúc nửa đêm theo giờ Bahamas, nơi Bankman-Fried được cho là đang sinh sống, và đã nhắn tin qua lại trong hơn 1 giờ đồng hồ. Sam cho biết vẫn đang cố gắng huy động tiền để hoàn trả cho tất cả khách hàng.
Trong suốt cuộc trò chuyện, tôi bị ám ảnh bởi câu hỏi đằng sau các chiêu trò PR và các khoản từ thiện khổng lồ, thực chất thì Bankman-Fried nhìn nhận điều gì là đúng, điều gì là sai, đặc biệt là quan điểm của cậu về các chuẩn mực đạo đức của bản thân cũng như của ngành tiền số. Nhưng dù câu trả lời là gì đi chăng nữa, sự thực là những người từng tin tưởng hoàn toàn vào cậu giờ đang mất trắng. Tuy nhiên có vẻ như, ít nhất thì ở vẻ bề ngoài Sam không hề tỏ ra nao núng hay có vẻ suy sụp.
Tất cả chỉ là PR!
Trước khi đế chế sụp đổ, Sam vẫn được nhìn nhận là 1 người tích cực vận động hành lang để tạo ra khung pháp lý cho tiền số. Trong lúc nhiều CEO khác của giới tiền ảo như CEO Binance – Changpeng Zhao – công khai tỏ thái độ hoài nghi và không muốn hợp tác với chính phủ, Sam luôn tránh chỉ trích các cơ quan quản lý.
Thế nhưng, trong cuộc đối thoại, cậu đã phủ nhận tất cả. Chỉ mới tháng trước, Sam nói rằng một vài quy định sẽ rất tốt cho thị trường. Nhưng giờ cậu lại nói “đó chỉ là PR” và quay sang ủng hộ quan điểm của số đông.
Sẵn sàng hành xử theo lối phi đạo đức?
Trong vụ bê bối của FTX, có 1 câu hỏi được rất nhiều người quan tâm: liệu Bankman-Fried có nghĩ rằng vẫn có thể làm những điều phi đạo đức nếu như có mục đích tốt đằng sau. Hồi mùa hè, tôi đã từng hỏi Sam câu này.
Nhiều nghĩ cho rằng “khởi đầu bằng 1 công ty tiền số để kiếm hàng tỷ USD cũng giống như kiếm tiền bằng 1 công ty thuốc lá như Philip Morris”. Cả hai đều là những lĩnh vực kinh doanh gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, vẫn có một số lằn ranh mà bạn không thể làm cho dù có lý do tốt đằng sau. “Cậu nghĩ có hay không những lằn ranh này? Nếu có, giới hạn của cậu là ở đâu?” tôi hỏi.
“Có. Câu trả lời không thể là không. Rất có thể cuối cùng bạn sẽ gây ra những thứ tồi tệ hơn nhiều so với dự tính. Nhưng không có gì là đơn giản, mọi thứ không chỉ phụ thuộc vào mảng kinh doanh chính mà còn phụ thuộc vào sự hợp tác với các đối tác trong lĩnh vực thiện nguyện. Câu chuyện luôn phức tạp, và bạn phải nghiêm túc xem xét công việc của bạn có những ảnh hưởng, tác động gì”, cậu nói.
“Bạn có thể tưởng tượng nếu như Philip Morris Foundation có những ý tưởng thực sự tốt để làm cho thế giới tốt đẹp hơn, họ sẽ phải vất vả làm việc với Gates Foundation”.
Điều gì đã xảy ra?
Bankman-Fried khẳng định FTX không bao giờ đem tiền gửi của các khách hàng đi đầu tư. Tôi đã xoáy sâu vào chuyện này. Mặc dù nhà sáng lập FTX vẫn tiếp tục nhấn mạnh FTX không trực tiếp sử dụng tiền của khách hàng theo cách đó, cậu thú nhận rằng Alameda đã vay 1 lượng tiền lớn hơn nhiều so với bảng cân đối kế toán của FTX để đem đi đầu tư. Tệ hơn là Bankman-Fried không nhận ra điều này trong khi đó chính là thứ khiến FTX sụp đổ.
Tại sao Sam chỉ nhận ra vấn đề khi quá muộn? “Đôi lúc đời sẽ âm thầm quật ngã bạn” – cậu nói.
Một số người cho rằng những vết nứt đã bắt đầu xuất hiện từ đầu năm nay, khi Alameda báo cáo khoản lỗ khổng lồ sau khi đồng tiền số Luna sụp đổ. Bankman-Fried cho biết cậu đã không nhận ra vấn đề lớn đến vậy bởi vì “khâu kế toán quá phức tạp”.
Điều hối tiếc nhất của ông trùm tiền số
Theo Bankman-Fried, có lẽ FTX sẽ tránh được thảm họa nếu như FTX không tuyên bố phá sản – động thái khiến mọi thứ vượt ra ngoài tầm kiểm soát của cậu. (Trong quá trình tuyên bố phá sản, Bankman-Fried bị mất chức CEO, được thay thế bởi John J. Ray III, 1 luật sư đã giúp các chủ nợ lấy lại hàng tỷ USD sau khi tập đoàn Enron sụp đổ).
“Họ đã cố thiêu rụi tất cả”, Sam nói. Cậu cho biết mình sẽ không làm như vậy mà thay vào đó sẽ cố gắng huy động thêm tiền. Thực tế tờ Wall Street Journal đã đưa tin Sam cũng đã cố gắng gọi vốn, nhưng tờ này bình luận kể cả khi FTX được bơm thêm vốn thì vẫn phải đàm phán với các chủ nợ - điều không hề dễ dàng.
Trong khi Bankman-Fried chia sẻ một số đồng nghiệp – đồng sáng lập Gary Wang và giám đốc kỹ thuật Nishad Singh – cảm thấy sợ hãi, tội lỗi và xấu hổ, ít nhất thì ở vẻ bề ngoài dường như cậu không có chút cảm xúc nào. “Trên thế giới này không phải chỉ có trắng và đen, mọi thứ không phân định rõ ràng như vậy”.
Bankman-Fried cho biết ưu tiên số 1 của cậu là huy động được 8 tỷ USD để lấp đầy lỗ hổng tài chính của FTX. “Cơ bản thì đó chính là thứ quan trọng nhất đối với cả cuộc đời còn lại của tôi”. Nhưng cậu cũng kể rằng nếu như “chỉ 1 tháng trước tôi là 1 trong những nhà gọi vốn vĩ đại nhất thế giới, 8 tỷ USD chỉ là chuyện nhỏ” thì giờ không có nhà đầu tư nào tỏ ra tiềm năng.
Tham khảo The Vox