Tự tin cạnh tranh với hàng Thái, Malaysia...
3 container sầu riêng đầu tiên đã được Công ty Vinamit xuất chính ngạch vào Trung Quốc ngày 17/9. Hiện mỗi tháng Vinamit xuất đến khoảng 1.000 tấn sầu riêng vào thị trường lớn này. Ông Nguyễn Lâm Viên - Tổng giám đốc Vinamit - cho biết, trước đây sầu riêng Việt Nam vào Trung Quốc đều dưới dạng chế biến, nếu xuất tươi thì phải xuất qua Thái Lan, Lào rồi từ đó đưa vào Trung Quốc. Sầu riêng tươi Việt Nam giờ có thể xuất trực tiếp vào Trung Quốc là 1 cơ hội lớn vì đây là quốc gia tiêu thụ sầu riêng nhiều nhất thế giới. Sản lượng tiêu thụ của thị trường này lên đến vài chục ngàn tấn/tháng. Nếu giá sầu riêng Việt Nam ở mức hợp lý có thể không có đủ hàng để bán.
Theo ông Nguyễn Lâm Viên, sầu riêng Việt Nam hoàn toàn đủ sức cạnh tranh, thậm chí có thể vượt sầu riêng Thái Lan, Lào tại thị trường lớn này. Ưu thế của chúng ta bao gồm: có thu hoạch quanh năm; chỉ mất khoảng 4 ngày để chuyển hàng bằng đường bộ trong khi Thái Lan mất từ 7 ngày trở lên giúp sầu riêng Việt Nam giữ được chất lượng, chi phí vận chuyển thấp; thói quen ăn sầu riêng chín mềm của người tiêu dùng Việt Nam và Trung Quốc giống nhau… Nông dân Thái Lan đang lo lắng sầu riêng Việt sẽ giành thị phần của họ tại Trung Quốc.
Nông sản, thủy sản Việt Nam có nhiều tiềm năng xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc (trong ảnh: Công nhân đang thu hoạch chuối tại Bình Phước) - ẢNH: QUỐC THÁI |
Chuối cũng là nông sản được cấp phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc cùng đợt với sầu riêng. Ông Võ Quan Huy - Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An - cho rằng trái chuối là mặt hàng đầy tiềm năng. Trong năm 2022, trong khi hầu hết các mặt hàng rau quả xuất sang Trung Quốc đều giảm thì chuối vẫn tăng trưởng vượt bậc. Giá trị xuất khẩu chuối trong 8 tháng đầu năm đạt 237 triệu USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2021. Hiện sản lượng chuối Việt Nam chiếm 43% tổng sản lượng nhập vào Trung Quốc, vượt qua cả Philippines, Campuchia và Ecuador.
Cần quản lý trồng trọt chặt chẽ
Hiện Việt Nam đã có 11 loại trái cây xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc gồm thanh long, dưa hấu, vải, chuối, nhãn, xoài, chôm chôm, mít, măng cụt, sầu riêng, chanh dây. Tuy nhiên, yêu cầu là khâu trồng trọt phải đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường này.
Theo ông Võ Quan Huy, mức sống người dân Trung Quốc ngày càng cao nên tiêu chuẩn nhập khẩu vào nước này ngày càng khó. Ví dụ tôm nuôi ngoài đúng tiêu chuẩn thì màu sắc phải đẹp; trái cây phải có nhật ký sản xuất, mã số vùng trồng… Tuy nhiên hiện không có nhiều vùng nguyên liệu ở nước ta đạt chuẩn. Nếu mã số vùng trồng nào không đạt tiêu chuẩn của Trung Quốc thì họ sẽ yêu cầu cơ quan kiểm dịch Việt Nam trả hàng, rút khỏi danh sách xuất khẩu. Nông sản bị trả nhiều thì sẽ làm liên lụy các doanh nghiệp khác, tệ hơn là có thể bị cấm luôn ngành hàng đó. “Nếu chúng ta vẫn sản xuất theo kiểu ăn xổi ở thì thì sẽ mất chỗ. Do vậy, cơ quan quản lý, doanh nghiệp, nông dân phải liên kết chặt chẽ với nhau” - ông Huy nói.
Ông Nguyễn Lâm Viên cũng cho rằng, việc Thái Lan cho biết sẽ nâng chất lượng sầu riêng để cạnh tranh với Việt Nam đòi hỏi chúng ta phải có giải pháp nâng cao chất lượng. “Các thị trường xuất khẩu nước ngoài đều yêu cầu về mã vùng trồng, mã đóng gói, mã xuất khẩu… Đã có tình trạng gian dối, đem mã vùng trồng bán cho người khác, dẫn đến người không trồng sầu riêng thì có mã vùng trồng, người có sầu riêng thì lại không có mã, tạo cái nhìn không tốt về sầu riêng Việt Nam. Điều cần làm hiện nay là thành lập hiệp hội trồng và bán sầu riêng, nông dân sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu cùng là thành viên, cùng thống nhất lên kế hoạch trồng trọt, đăng ký mã vùng trồng, mã xuất khẩu” - ông Nguyễn Lâm Viên đề nghị.
Với mặt hàng thủy sản, ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - cho biết, hiện người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng quan tâm hơn đến các sản phẩm thủy sản tốt cho sức khỏe, không ô nhiễm, chất lượng cao. Họ đòi hỏi mặt hàng thủy sản phải được truy xuất nguồn gốc thông qua quét mã QR bao gồm thông tin về thành phẩm, chứng chỉ theo chuỗi, chứng nhận xuất xứ, có tư vấn về cách chế biến. Thời gian qua, không ít lô hàng thủy sản xuất sang Trung Quốc bị trả về do không đảm bảo về mặt chất lượng (tồn dư kháng sinh, kim loại nặng, phụ gia…) làm giảm uy tín của thủy sản Việt Nam. Để thâm nhập một cách bền vững thị trường này, các doanh nghiệp xuất khẩu phải tăng cường biện pháp kiểm soát. Nông dân phải được tuyên truyền, hướng dẫn nắm chắc và thực hiện đúng quy định sử dụng các chất được phép, cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ các loại chất cấm, kháng sinh trên thị trường.
Thanh Hoa
Xem thêm: lmth.5168741a-couq-gnurt-oav-hcagn-hnihc-nas-gnon-uahk-taux-ioh-oc-ueihn/nv.moc.enilnounuhp.www