Chương trình Cà phê doanh nhân HUBA lần thứ 68 do Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) TP HCM (HUBA) tổ chức đã diễn ra tại TP HCM vào ngày 26-11. Cùng với các giải pháp mà Chính phủ đang thực hiện nhằm xử lý những bất cập để lành mạnh hóa thị trường tài chính, sự kiện này là dịp để giới doanh nhân, chuyên gia bàn thảo các biện pháp vượt qua những khó khăn, thách thức do ảnh hưởng từ thị trường này.
Không thiếu tiền mà... thiếu vốn!
Phát biểu tại chương trình, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Chủ tịch HUBA, cho rằng cộng đồng DN đang bước vào mùa kinh doanh cuối năm nhưng gặp nhiều khó khăn về vốn, thách thức do ảnh hưởng từ thị trường tài chính. Vì vậy, giải bài toán vốn thời điểm này là cần thiết.
TS Trần Du Lịch khẳng định nền kinh tế hiện tại không thiếu tiền mà thiếu vốn! Cụ thể là lượng tiền cung ứng ra nền kinh tế không thiếu nhưng để luân chuyển thành vốn cho DN đưa vào sản xuất - kinh doanh, đầu tư… thì lại đang bị nghẽn. Vấn đề lúc này là phải cấp bách xử lý những điểm nghẽn.
"Câu chuyện hiện tại giống như chúng ta thấy ruộng khô, thiếu nước nhưng kế bên có hồ nước mênh mông mà nước không chảy tới ruộng. Ngay như lĩnh vực đầu tư công có khoảng 800.000 - 900.000 tỉ đồng đang tồn đọng, nếu không xử lý được thì không chuyển thành vốn. Bài toán lúc này là xử lý điểm nghẽn, để tiền chuyển thành vốn" - TS Trần Du Lịch nói.
Doanh nghiệp rất cần vốn cho mùa kinh doanh cuối năm. Trong ảnh: Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày của một doanh nghiệp tại chương trình Cà phê doanh nhân ngày 26-11 Ảnh: BÌNH AN
Với lĩnh vực bất động sản, chuyên gia kinh tế này phân tích thêm: Cùng với việc các DN liên tục kiến nghị những giải pháp xử lý, bản thân DN cũng cần nhìn rõ hạn chế để tìm cách khắc phục. Một số DN bất động sản lớn than thiếu vốn, gặp khó khăn nhưng khi hỏi rõ thì không DN nào có hệ thống quản trị rủi ro tài chính một cách hiệu quả. Phần lớn DN hoạt động theo mô hình gia đình, nếu đầu tư đa ngành thì buộc phải xây dựng hệ thống quản trị rủi ro.
Theo TS Trần Du Lịch, kinh doanh bất động sản quan trọng là chọn địa điểm để đầu tư, dùng tiền của người khác một cách thông minh. Dù vậy, một số DN lại dùng công cụ tài chính quá mức, tức đi vay quá mức. Kết quả, thời điểm này, cả vốn tín dụng, ứng vốn trước từ khách hàng, trái phiếu DN, vốn chủ sở hữu đều khó khiến DN khó khăn. Các DN cũng đưa ra thị trường những sản phẩm đầu cơ nhiều hơn là sản phẩm cho nhu cầu sử dụng… Do đó, bên cạnh hỗ trợ của nhà nước, bản thân DN cũng phải tự tái cấu trúc để xử lý "trục trặc" riêng.
Phải "tạo ống dẫn nước thẳng vào ruộng"
Không chỉ DN bất động sản, rất nhiều DN các lĩnh vực khác đều cho biết đang gặp khó khăn vì thiếu vốn và khó tiếp cận vốn. Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh (Bidrico), nói đây là lúc DN rất cần vốn cho mùa sản xuất cuối năm nhưng các ngân hàng đều thông báo hết hạn mức (room) tín dụng. Theo ông Hiến, cùng với vốn, DN mong lãi suất cho vay ổn định để bình ổn thị trường tiêu dùng.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Tập đoàn Vietravel, cho rằng rất nhiều ngành khác như du lịch và hàng không đều rất khó tiếp cận được vốn. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp nhưng DN, nhất là DN lữ hành, hoàn toàn không tiếp cận được vốn. Ông Kỳ lo lắng: "Cũng vì DN du lịch không tiếp cận được vốn, không được hỗ trợ nên rất khó để kích cầu, quảng bá xúc tiến ở nước ngoài, không phát động được du lịch quốc tế… Trong khi chiều ngược lại, DN các nước đang vào Việt Nam, mời gọi và thu hút khách Việt đi nước ngoài nườm nượp".
Để khơi thông dòng vốn cho DN như TS Trần Du Lịch nói là "cần kênh để dẫn nước vào ruộng", ông Nguyễn Quốc Kỳ đề xuất "cần nạo vét khơi lại các kênh dẫn vốn đang bị kẹt". Cụ thể là cần cơ chế chính sách nhanh, phù hợp của cơ quan quản lý để "tạo ống dẫn nước thẳng vào ruộng", tháo gỡ tắc nghẽn dòng vốn cho DN. Ông Kỳ gợi ý sau chương trình này, có thể xây dựng một kênh kết nối giữa các DN là hội viên của HUBA với các tổ chức tài chính đồng hành và cam kết hỗ trợ cho HUBA.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP HCM (HFIC), nhận định điểm nghẽn trên thị trường vốn hiện nay có phần đến từ những trái phiếu dưới chuẩn. Chính những DN đang sử dụng đòn bẩy tài chính nhiều thì rủi ro càng lớn, vì không trở tay kịp. Do đó, trong việc giải quyết điểm nghẽn, bản thân các DN phải tự xem lại mình, có thể tái cấu trúc bằng nhiều cách như tìm kiếm đối tác để mua bán, sáp nhập với các DN khác nhằm phát triển tốt hơn.
Cũng theo ông Thanh, vừa qua Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đã can thiệp để ngăn ngừa những sự cố. Sắp tới đây, cần có những giải pháp để có cơ chế xử lý, bảo đảm phát hành trái phiếu đạt chuẩn, lúc đó nhà đầu tư sẽ tin tưởng trở lại.
Riêng về tiếp cận vốn, lãnh đạo HFIC khẳng định đang tìm kiếm khách hàng để cho vay. HFIC đang làm việc với Ngân hàng Thế giới để chuẩn bị phát hành trái phiếu ra các DN có nhu cầu, trị giá khoảng 200 triệu USD, ưu tiên cho những dự án như điện, xe chạy điện, điện mặt trời...
Cần tháo gỡ khó khăn về thủ tục
Theo TS Trần Du Lịch, so với khó khăn giai đoạn 2008-2011, ở thời điểm hiện tại, tiềm lực tài chính và tiềm lực của nền kinh tế tốt hơn nhiều, khả năng chống chịu cũng tốt hơn. DN có khó khăn cục bộ nhưng khi phát triển sẽ vẫn mạnh. Như ở TP HCM, một số DN bất động sản ngưng trệ nhưng hàng trăm, hàng ngàn DN khác sẵn sàng thay thế đầu tư với điều kiện tháo gỡ những điểm nghẽn dự án đang tắc, sẽ có dòng vốn bơm vào.
Quan trọng lúc này là tháo gỡ khó khăn về thủ tục triển khai dự án để các DN hoạt động tốt, lành mạnh tiếp tục triển khai, từ đó lan tỏa ra các DN khác.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 24-11