Andreas Wanner, đồng sáng lập Mister Loo, nhà điều hành chuỗi vệ sinh công cộng trả phí có trụ sở tại Bangkok, đánh giá Covid-19 là một nhân tố "thay đổi cuộc chơi" theo hướng tích cực.
Mister Loo được Wanner và đồng nghiệp cũ tại UBS Dominik Schuler thành lập vào năm 2015, chuyên cung cấp nhà vệ sinh trong trung tâm thương mại, trung tâm giao thông và những nơi công cộng mà không có sẵn cơ sở vật chất miễn phí hoặc kém vệ sinh.
Các nhà vệ sinh của Mister Loo ốp gỗ, trang bị máy lạnh, máy phát nhạc. Nhân viên thường xuyên xông hương để loại bỏ mùi hôi khó chịu. Thông thường, người Thái phải trả trung bình 3 baht (2.300 đồng) để sử dụng nhà vệ sinh công cộng. Mister Loo áp dụng mức giá 5 baht với nhà vệ sinh thông thường và 10 baht để sử dụng gói cao cấp có điều hòa. Lối vào các nhà vệ sinh không tiếp xúc, được trang bị nhiều cảm biến khác nhau, thậm chí có cả wi-fi.
Startup này đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi đại dịch bùng phát vì Thái Lan và các khu vực khác của châu Á gần như ngừng hoạt động. "Dĩ nhiên chúng tôi đã phải chịu đựng", Wanner nói. Tuy nhiên, anh cũng đồng thời tin rằng, đại dịch đã làm thay đổi rất nhiều nhận thức về vệ sinh, tạo ra cơ hội lớn.
Tháng trước, doanh nghiệp này đã nhận được 5 triệu USD trong vòng gọi vốn Series từ Silverhorn Investment Advisors - quỹ đầu tư tập trung vào châu Á có trụ sở tại Hong Kong và responsAbility, công ty quản lý tài sản có trụ sở tại Thụy Sĩ. Silverhorn đã đầu tư 75% số vốn thông qua vốn chủ sở hữu và trở thành cổ đông lớn có ghế trong hội đồng quản trị Mister Loo. Còn responsAbility cung cấp phần còn lại thông qua tài trợ nợ.
Những người sáng lập Mister Loo có kế hoạch tăng số lượng nhà vệ sinh công cộng "hạng sang" thêm 20 lần, đạt 1.100 trong 5 năm tới và mở rộng thị trường sang Philippines và Ấn Độ.
"Chúng tôi đã có sẵn nền tảng để mở rộng thêm", Schuler nói và lưu ý công ty đã tích luỹ được bí quyết hoạt động trong 7 năm qua. Lãnh đạo của startup cùng các nhà đầu tư tin rằng các đối thủ cạnh tranh có thể xuất hiện khắp châu Á sau đại dịch.
Jason Chen, thuộc Silverhorn phụ trách Mister Loo, nhận định rủi ro hàng đầu là "không thể mở rộng quy mô nhanh nhất có thể". Do rào cản gia nhập thị trường không cao, Chen tin rằng "để bảo vệ doanh nghiệp, tất cả địa điểm có lợi nhất hoặc quan trọng nhất cần phải được doanh nghiệp xây dựng sớm"
Hoạt động chuẩn bị cho vòng gọi vốn series B đang được tiến hành. Silverhorn cam kết tiếp tục tham gia nhưng có thể với tỷ lệ nhỏ hơn để có thể thu hút nhiều đối tác chiến lược khác nhằm đẩy nhanh quá trình mở rộng. Vòng gọi vốn kế tiếp có thể diễn ra vào cuối 2023 với mục tiêu thu hút 10 triệu USD. Việc mở rộng chuỗi là bước để startup này hướng đến mục tiêu như Starbucks - muốn hiện diện tại các địa điểm nổi bật, được công nhận rộng rãi về dịch vụ chất lượng cao.
Mike Imam, CEO của Silverhorn tại Hong Kong, cho biết ông đã hạn chế đầu tư vào startup này vì không nhìn thấy "công thức thành công". Tuy nhiên, sau khi chứng kiến cách các nhà sáng lập xoay xở trong đại dịch, Imam đã quyết định đồng hành với kế hoạch của họ, bất chấp các startup hiện nay phải chịu nhiều thách thức khi hầu hết ngân hàng trung ương đang thắt chặt chính sách tiền tệ.
Bên cạnh mở rộng chuỗi, Mister Loo cũng đang tìm cách tạo ra các nguồn doanh thu mới như sử dụng cơ sở vật chất để mời quảng cáo. Một cách nữa là điều trị từ xa. "Chất thải của con người cung cấp rất nhiều dữ liệu về sức khoẻ", Schuler nói. Doanh nghiệp có kế hoạch cung cấp cho người dùng dữ liệu sức khoẻ chi tiết bằng cách kiểm tra nước tiểu, phân qua các cảm biến bồn cầu. Công ty cũng đang thử nghiệm các thiết bị đo dữ liệu quan trọng như chiều cao, cân nặng, lượng mỡ trong cơ thể và mức oxy trong máu và gửi kết quả đọc cho bệnh viện. Đối tượng sử dụng sẽ là những người có thu nhập thấp vốn không đủ khả năng chi trả cho việc kiểm tra sức khoẻ.
Schuler mong muốn startup sẽ "cung cấp dữ liệu sức khoẻ cấp bệnh viện" và đang xem xét một cái tên mới là Doctor Loo nhằm tạo ra cảm giác trung lập về giới tính. Startup này đặt mục tiêu thử nghiệm "nhà vệ sinh chăm sóc sức khoẻ" đầu tiên vào cuối quý I/2023.
Đức Minh (theo Nikkei Asia)