Theo TS. Võ Trí Thành, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cần phải tháo gỡ các nút thắt để doanh nghiệp vẫn tiếp cận được vốn với chi phí hợp lý.
PV: Theo ông, dòng tiền đang bị mắc kẹt chính ở đâu?
TS. Võ Trí Thành: Theo tôi, nguyên nhân chính khiến cho dòng tiền tắc nghẽn chính là do thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang bị tê liệt. Kênh cổ phiếu thì thị trường ảm đạm, room tín dụng rất eo hẹp... Một trong những lý do khiến dòng tiền bị tắc nghẽn khan hiếm là do đầu tư công và các gói hỗ trợ tài khóa giải ngân quá chậm. Vấn đề nữa tôi muốn nói thêm là tâm lý phòng thủ của thị trường rất cao dẫn đến thanh khoản khan hiếm.
Tuy nhiên theo đánh giá của tôi, khó khăn lớn nhất hiện nay là cùng lúc chúng ta phải xử lý ba bài toán. Thứ nhất là ổn định kinh tế vĩ mô. Thứ hai là câu chuyện tỷ giá và cán cân thanh toán quốc tế. Thứ ba là an toàn của hệ thống ngân hàng. Đó là mục tiêu rất thách thức và bài toán đi tìm điểm cân bằng đó không đơn giản khi xét ở nhiều chiều.
Mặc dù từ góc độ của doanh nghiệp thì khát vốn là nhu cầu rất chính đáng. Song từ góc độ người quản lý vĩ mô, an toàn hệ thống, ổn định vĩ mô cũng rất quan trọng. Vì vậy nhiệm vụ của chúng ta là phải tìm được điểm cân bằng.
PV: Vậy theo ông giải pháp nào để tìm được điểm cân bằng này và gỡ nghẽn dòng tiền cho doanh nghiệp?
TS. Võ Trí Thành: Đó là cái giỏi cái khéo của nhà điều hành để làm sao tìm được điểm cân bằng mà không gây ra sự đổ vỡ trên thị trường bất động sản, hệ thống ngân hàng hay cả niềm tin thị trường và xã hội.
Ở đây phải thẳng thắn mà nói, dư địa chính sách tiền tệ đang khá hạn hẹp. Trong khi chúng ta có vị thế tài khóa tốt. Nhưng rất tiếc việc triển khai thực hiện lại chưa nhanh như mong muốn. Gói hỗ trợ nền kinh tế 350.000 tỷ đồng đến nay mới thực hiện được khoảng 60.000 tỷ đồng, còn gần 300.000 tỷ đồng chưa thực hiện được; gói hỗ trợ thuê nhà cho người lao động cũng chưa được như kỳ vọng…
Muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thời gian tới, Chính phủ cần tập trung đẩy nhanh giải ngân gói hỗ trợ này. Bên cạnh đẩy mạnh chi tiêu hàng trăm ngàn tỷ đồng đầu tư công đang ứ đọng thì có thể xem xét các gói hỗ trợ không còn “hợp thời” phải linh hoạt chuyển tiền đó sang các lĩnh vực khác. Ví dụ, có thể dùng thêm tiền nguồn khác để hỗ trợ gói cho người lao động vay thuê nhà nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đang khó khăn đơn hàng để giữ chân người lao động.
Tuy vậy, mấu chốt tháo điểm nghẽn thị trường hiện nay vẫn là tháo ngòi nổ trái phiếu. Nếu muốn gỡ được điểm nghẽn này, tôi cho rằng, cần phải lưu tâm đến một số vấn đề.
Đó là thông tin minh bạch và nhà hoạch định chính sách phải cam kết rất rõ ràng về trái phiếu. Cách xử lý sai phạm trong giai đoạn khó khăn này phải làm sao cho hài hoà hơn, khéo léo hơn. Ngoài ra tôi nghĩ Việt Nam có thể tham khảo cách làm giải cứu thị trường bất động sản của Trung Quốc gần đây để đưa ra giải pháp cho phù hợp. Gói giải cứu thị trường bất động sản của Trung Quốc tập trung vào một số điểm cơ bản, trong đó tạo điều kiện cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp quay lại vận hành; linh hoạt điều kiện cho vay với bất động sản…
PV: Đang có đề xuất NHNN nới room tín dụng khơi thông dòng tiền cho doanh nghiệp. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
TS. Võ Trí Thành: Tôi cho rằng, thời điểm này việc nới room không còn nhiều ý nghĩa. Dư địa tín dụng từ nay đến cuối năm vẫn còn khoảng 2%, tương đương còn hơn 230 nghìn tỷ đồng sẽ được bơm ra nền kinh tế. Vì vậy điều quan trọng là đưa dòng vốn này đến đúng địa chỉ.
Tôi cho rằng, con số tăng trưởng tín dụng 14% là hợp lý về cả ngắn hạn lẫn dài hạn. Như tôi nói ở trên, dư địa chính sách tiền tệ rất hạn hẹp khi mà phải xử lý cùng lúc nhiều vấn đề ổn định vĩ mô, an toàn hệ thống… NHNN phải cân đối các yếu tố trên, nên việc thận trọng giữ room tín dụng ở mức 14% là phù hợp.
Đối với những khó khăn hiện tại của thị trường, tôi cho rằng, các bộ, ngành liên quan sau khi tìm ra được gốc rễ của vấn đề nên cùng ngồi lại xúm tay vào để xử lý sẽ hiệu quả hơn.
Xin cảm ơn ông!
Xem thêm: lmth.07161000042210202-ort-oh-iog-nagn-iaig-hnam-yad/nv.semitaer