Báo Đầu tư Chứng khoán lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số công ty chứng khoán cho phiên giao dịch ngày 28/11.
Tận dụng nhịp chỉnh để mua tích lũy cổ phiếu có cơ bản tốt
CTCK Rồng Việt (VDSC)
Trải qua gần 1 tuần tranh chấp theo chiều hướng giảm điểm, thị trường đã khởi sắc trở lại và lấy lại độ cao trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần. Dù vậy, đối diện với ngưỡng cản từ đường MA20, tương ứng với 970 điểm, thanh khoản ở phần lớn cổ phiếu vẫn duy trì ở mức thấp.
Điều này thể hiện tâm lý vẫn còn thận trọng trong chiều tăng của các nhà đầu tư. Do đó, thị trường có khả năng sẽ duy trì được đà tăng, tuy nhiên cần quan sát rủi ro rung lắc tại vùng 990-1.000 điểm trong vài phiên kế tiếp.
Với kịch bản này, nhà đầu tư có thể tiếp tục kỳ vọng vào nhịp hồi phục sắp tới của thị trường và tận dụng nhịp chỉnh để mua tích lũy cổ phiếu có cơ bản tốt và có mức chiết khấu sâu khi dòng tiền hỗ trợ hoạt động tích cực trở lại
Hạn chế mua đuổi nếu cổ phiếu đã tăng mạnh
CTCK Vietcombank (VCBS)
Về góc nhìn kỹ thuật, kết tuần VN-Index tạo nến doji với bóng nến dài phía dưới cho thấy lực cầu gia tăng tốt ở khu vực điểm 920-940 điểm.
Bên cạnh đó, tại khung đồ thị giờ, 2 chỉ báo MACD và RSI cũng đồng loạt cho tín hiệu tích cực trở lại. Tuy nhiên, vùng điểm 970-980 vẫn là kháng cự mạnh của thị trường trong ngắn hạn.
Nếu thanh khoản mua chủ động được duy trì tốt giúp chỉ số chung vượt được kháng cự thì nhịp hồi phục sẽ có thể kéo dài lên vùng điểm 1.000-1.020 điểm.
Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư hạn chế mua đuổi nếu cổ phiếu đã tăng mạnh, giữ tỷ trọng cổ phiếu hợp lý, khoảng 30% tài khoản để có thể quản trị được rủi ro nếu thị trường bất ngờ xuất hiện áp lực bán.
Kiểm định lại vùng kháng cự quanh mốc 975 điểm
CTCK Tân Việt (TVSI)
VN-Index kết phiên cuối tuần trước với cây nến tăng điểm marubozu với giá đóng cửa ở mức cao nhất ngày đi kèm gap tăng giá, cho thấy lực cầu hoàn toàn chiếm ưu thế. Đà tăng điểm đã lan tỏa đều ra thị trường thay vì chỉ xuất hiện ở một vài nhóm ngành như các phiên trước đó.
Chỉ số vẫn tạm thời nằm dưới mức bình quân 20 phiên và chỉ tăng nhẹ so với giá đóng cửa tuần trước đó, vẫn ở dưới mức kháng cự ngắn hạn của 2 tuần qua tại 975 điểm.
Trong phiên đầu tuần tới, VN-Index sẽ kiểm định lại vùng kháng cự quanh mốc 975 điểm và kỳ vọng vượt qua thành công. Khi đó, chỉ số sẽ tiếp diễn đà hồi phục lên mốc cao hơn quanh 1.030-1.040 điểm
Tín hiệu dẫn dắt dòng tiền lớn giải ngân mới
CTCK MB (MBS)
Thị trường dễ dàng vượt cản tâm lý 970 điểm khi nhóm cổ phiếu dẫn dắt như bất động sản, ngân hàng, chứng khoán, ... đã quay lại trong phiên trước đó. Qua đó đã đóng vai trò tín hiệu củng cố VN-Index tiếp tục nhịp phục hồi, đồng thời kéo dòng tiền lớn quay trở lại thị trường.
Về kỹ thuật, VN-Index vượt cản thành công với thanh khoản được cải thiện sẽ là tín hiệu dẫn dắt dòng tiền lớn giải ngân mới. Sự trở lại của nhóm cổ phiếu dẫn dắt sẽ tạo sự lan tỏa dòng tiền sang các nhóm cổ phiếu khác như: thép, xây dựng, dầu khí, sản xuất điện, hóa chất, …
Chỉ mở mua mới quanh các ngưỡng hỗ trợ gần của cổ phiếu mục tiêu
CTCK KB Việt Nam (KBSV)
Trong phiên cuối tuần qua, lực cầu gia tăng cùng với thanh khoản cải thiện đã giúp cho chỉ số nới rộng đà hồi phục của phiên liền trước và hình thành mẫu nến tuần doji chân dài tích cực.
Mặc dù xu hướng giảm điểm trong trung hạn vẫn đóng vai trò chủ đạo, VN-Index đang có nhiều cơ hội thử thách lại ngưỡng cản gần quanh 98x, và tích cực hơn là 1.00x điểm.
Nhà đầu tư được khuyến nghị chỉ mở mua mới quanh các ngưỡng hỗ trợ gần của cổ phiếu mục tiêu nhưng khống chế tỷ trọng ở mức an toàn.
Hạn chế mua đuổi trong khi chờ các tín hiệu rõ ràng hơn
CTCK BIDV (BSC)
Trong phiên cuối tuần trước, thị trường giằng co tại vùng 955-960 điểm trong cả phiên sáng, sau đó bật tăng mạnh trong phiên chiều và kết phiên tăng gần 24 điểm. Độ rộng nghiêng về phía tích cực với 16/19 ngành tăng điểm, trong đó ngành Tài nguyên Cơ bản vẫn tiếp tục đà tăng ấn tượng gần 9%.
Dù bật tăng mạnh, nhưng thị trường chưa thể vượt qua vùng kháng cự 970-975 điểm.
Nhà đầu tư tiếp tục theo dõi, hạn chế mua đuổi trong khi chờ các tín hiệu rõ ràng hơn, cũng như hiệu ứng tâm lý tích cực hơn từ hiệu ứng mua ròng của các quỹ ngoại.