Mục tiêu của việc áp giá trần là giảm nguồn thu của Nga mà không gây ra sự gián đoạn lớn đối với thị trường dầu mỏ toàn cầu vốn có thể đẩy giá năng lượng lên cao hơn.
Ông Zelenskiy, người liên tục thúc đẩy các đồng minh áp đặt biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Nga, cho rằng mức giá trần 30-40 USD/thùng sẽ đem lại hiệu quả và Nga sẽ cảm nhận được lệnh trừng phạt rõ ràng hơn.
Ý tưởng của việc áp giá trần là cấm các công ty vận chuyển, bảo hiểm và tái bảo hiểm chuyên chở dầu thô của Nga trên toàn cầu, trừ khi mặt hàng này được bán với giá thấp hơn giá do G7 và các đồng minh quy định.
Ba Lan, Estonia và Lithuania đang thúc đẩy việc áp mức giá trần thấp hơn nhiều so với mức 65-70 USD/thùng của G7 trong khi Hy Lạp, CH Cyprus và Malta muốn mức giá cao hơn.
Theo các nguồn tin thân cận, mức giá trần đề xuất của G7 có thể ít tác động ngay lập tức đến nguồn thu của Nga, khi mức giá này phù hợp với những mức giá người mua châu Á đang trả.
Hai nguồn tin cho biết, một số nhà máy lọc dầu của Ấn Độ đang hưởng mức chiết khấu khoảng 25-35 USD/thùng khi chuyển từ dầu Brent sang dầu Urals của Nga.
Trong bối cảnh dầu Brent giao dịch ở mức khoảng 85 USD/thùng, mức giá 50-60 USD/thùng của dầu Urals, còn thấp hơn mức giá trần.
Hướng dẫn của Bộ Tài chính Mỹ được công bố ngày 22/11 cho biết, mức giá trần sẽ được áp dụng cho giá FOB, không bao gồm chi phí bảo hiểm và vận chuyển.
Ngoài ra, theo hướng dẫn trên, khách hàng ở các quốc gia đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với dầu thô Nga, như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) không được phép mua dầu của Nga ngay cả dưới mức giá trần.
Xem thêm: nhc.31155918172112202-agn-uad-iov-iod-gnuht-dsu-04-03-nart-pa-taux-ed-eniarku/nv.fefac