Nhóm học sinh của Trường cao đẳng Công thương TP.HCM đo huyết áp cho Thứ trưởng Lê Tấn Dũng ngay sau khi thuyết trình xong về dự án "Máy đo huyết áp" - Ảnh: THU HƯƠNG
Chiều 27-11, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tổ chức lễ bế mạc và trao giải cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp" - Startup Kite 2022 tại Trường cao đẳng Lý Tự Trọng (quận Tân Bình, TP.HCM).
Kết thúc cuộc thi có 37 giải trong 80 dự án tham gia vòng chung kết, trong đó có 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba. Với tính thực tiễn cao và hướng đến giá thành thấp (300.000 đồng/sản phẩm), giải nhất cuộc thi thuộc về dự án "Máy đo huyết áp" của nhóm sinh viên Trường cao đẳng Công thương TP.HCM.
Ngay trước giờ bế mạc diễn ra, dự án "Máy đo huyết áp" đã kêu gọi đầu tư được 800 triệu đồng từ các cá nhân, doanh nghiệp. Dự kiến ngay sau khi cuộc thi khép lại, nhóm sinh viên sẽ bắt tay ngay vào việc hoàn thiện và sản xuất sản phẩm.
2 giải nhì thuộc về dự án của nhóm sinh viên Trường cao đẳng Lý Tự Trọng TP.HCM và nhóm sinh viên Trường cao đẳng Viễn Đông. 3 giải ba lần lượt thuộc về nhóm sinh viên Trường cao đẳng Thương mại TP.HCM, Trường cao đẳng Lý Tự Trọng TP.HCM và Trường cao đẳng FPT Polytechnic TP Hà Nội. Ngoài ra còn có 30 giải khuyến khích.
Nhóm sinh viên Trường cao đẳng Lý Tự Trọng TP.HCM cùng phối hợp, thuyết trình dự án "Smartsite: Giải pháp giám sát điều khiển từ xa trạm viễn thông" - Ảnh: THU HƯƠNG
Tương tự dự án của nhóm sinh viên Trường cao đẳng Công thương TP.HCM, dự án "Smartsite: Giải pháp giám sát điều khiển từ xa trạm viễn thông" của nhóm sinh viên Trường cao đẳng Lý Tự Trọng TP.HCM được đầu tư 1 tỉ đồng và 1.000 sản phẩm đã được đặt sản xuất trước đó.
Dự án của nhóm sinh viên Trường cao đẳng Cộng đồng Kon Tum và Trường cao đẳng Long An cũng được đầu tư lần lượt 400 triệu đồng và 300 triệu đồng.
Phát biểu tại buổi trao giải, ông Lê Tấn Dũng, thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, khẳng định: "Cuộc thi đã thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, tinh thần chủ động tìm kiếm việc làm giáo dục nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp và hơn nữa thúc đẩy các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tiếp tục phải đổi mới, nâng cao chất lượng, tìm giải pháp tạo môi trường thuận lợi để khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo của học sinh, sinh viên.
Đồng thời việc tổ chức cuộc thi cũng là một trong những giải pháp quan trọng kêu gọi các doanh nghiệp gắn kết hơn nữa trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp, qua đó ươm mầm sáng tạo, khởi nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Cuộc thi này vừa tạo sân chơi cho học sinh, sinh viên, vừa qua đó giúp thay đổi nhận thức xã hội về học nghề, thúc đẩy bạn trẻ tự tin vào giáo dục nghề nghiệp để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của đất nước".
Tại chương trình, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp trao giấy chứng nhận cho các đội thi tham gia vòng chung kết Startup Kite 2022 và trao bằng khen cho 18 cơ sở giáo dục nghề nghiệp có thành tích xuất sắc trong hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên năm 2022.
Cuối buổi lễ, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng phát động cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp" - Starup Kite 2023.
Hơn 1.500 ý tưởng khởi nghiệp
Startup Kite 2022 tổ chức từ tháng 5-2022 đến nay, trải qua ba vòng thi: vòng sơ tuyển, bán kết và vòng chung kết. Vòng sơ tuyển (cấp trường) do các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức thi, chấm thi đã ghi nhận 1.512 ý tưởng, dự án của học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp.
Có 206 dự án thuộc 57 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại 30 tỉnh, thành phố được vào vòng bán kết. 80 ý tưởng, dự án xuất sắc nhất toàn quốc dự thi tại vòng chung kết trong ba ngày từ 25 đến 27-11-2022.
Đặc biệt, sau cuộc thi, những đội thi xuất sắc sẽ được ban tổ chức kết nối với các doanh nhân và hướng dẫn hoàn thiện ý tưởng dự án.
TTO - Đó là đề nghị của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng tại ngày hội khởi nghiệp sáng tạo lần 2 diễn ra ở Quảng Nam vào sáng nay.
Xem thêm: mth.74195558172112202-neiv-hnis-auc-peihgn-iohk-na-ud-cac-ut-uad-gnod-it-3-nag/nv.ertiout