Những năm gần đây, ngoài các công ty phân phối, các doanh nghiệp (DN) chuyên giải pháp quà tặng, nhiều nhà sản xuất cũng tham gia khai thác kênh "quà tặng", đặc biệt là dịp Tết. Thị trường quà Tết ngày càng cạnh tranh gay gắt.
Kênh bán hàng hấp dẫn
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, tại những hội chợ thực phẩm, hàng tiêu dùng ở TP HCM gần đây, rất nhiều gian hàng đã trưng bày các mẫu hộp quà Tết được đầu tư mẫu mã bắt mắt kèm câu chuyện sản phẩm thú vị để thu hút khách. Trên mạng xã hội, nhiều DN chạy quảng cáo cung cấp suất quà Tết số lượng lớn với cam kết chất lượng tốt kèm chiết khấu hấp dẫn, có nơi lên đến 35%.
Ông Lê Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia (tỉnh Thanh Hóa), cho biết sản phẩm của DN rất phù hợp làm quà Tết (nước mắm truyền thống, chà bông, kho quẹt, thịt chưng…). Vì thế, đây là mảng được đầu tư kỹ và đạt tăng trưởng gần 30%-50%/năm trong vài năm nay.
"Không chỉ bán được với số lượng lớn, đây còn là kênh quảng bá thương hiệu khi sản phẩm đến tận bếp ăn của người tiêu dùng. Từ việc ăn thử do được tặng, nhiều người sẽ trở thành khách hàng của công ty nên chúng tôi không đặt nặng vấn đề lợi nhuận. Có điều, khai thác kênh này không dễ, DN phải chuẩn bị nhân lực để tư vấn, thiết kế theo yêu cầu của từng khách hàng, chăm sóc khách hàng lâu dài để có đơn hàng" - ông Lê Anh lý giải.
Quà Tết là kênh bán hàng mới của nhiều doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh Ảnh: AN NA
Với quà Tết, ngoài vấn đề giá cả và chiết khấu, quan trọng nhất vẫn là chất lượng và thương hiệu. Theo CEO của Lê Gia, người đặt hàng cho các công ty bây giờ không còn mạo hiểm với sản phẩm không thương hiệu, giá rẻ vì sẽ phát sinh những "xì xào" khi tặng quà Tết, nhất là quà cho cán bộ, công nhân viên.
Là tên tuổi mới nhưng Công ty CP Bapi Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) cũng lên kế hoạch tham gia thị trường quà Tết. Các sản phẩm của DN này cũng là những thực phẩm tiêu thụ mạnh dịp Tết như heo, bò, gà tươi, thịt chế biến... Ông Đinh Văn Lộc, Tổng Giám đốc Bapi HAGL, cho biết sắp tung chương trình đặt trước sản phẩm và hẹn giao hàng cận Tết để công ty có thể chủ động lên kế hoạch sản xuất, ổn định giá. DN cũng chuẩn bị bao bì dạng túi quà kiêm chức năng bảo quản lạnh, thích hợp biếu tặng và kỳ vọng đây là kênh mang lại doanh thu lớn dịp Tết này.
Chị Bùi Hải Yến, chủ cửa hàng Bếp nhà Yến (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) lần đầu tham gia thị trường quà Tết với các đặc sản Bình Định được công nhận là sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm). "Dầu phộng, nước mắm, rượu, bánh tráng, trà dung, trà nụ… đều rất phù hợp làm quà Tết, nhất là cho khách hàng Bình Định đang ở các thành phố lớn. Những sản phẩm này đều đạt chất lượng, tôi định chỉ dùng giỏ mây, tre đơn giản với giá 25.000 đồng/giỏ, vừa thẩm mỹ vừa chân quê, bảo vệ môi trường để có giá phù hợp với số đông" - chị Yến tiết lộ.
Giải bài toán giá rẻ - chất lượng
Theo ông Võ Thanh Lộc, Giám đốc marketing hệ thống cửa hàng thực phẩm Farmers Market, năm nay, các suất quà phổ thông (tặng nhân viên, đối tác) có xu hướng giảm về số lượng và giá trị. Trong đó, suất quà phổ biến có giá 400.000 - 500.000 đồng, ít nơi đặt suất có giá trị hơn 500.000 -700.000 đồng. Các suất quà giá trị cao thường được đặt muộn hơn nhưng dự báo sẽ giảm so với các năm trước do ảnh hưởng kinh tế khó khăn.
"Những DN chốt hàng sớm sẽ có sản phẩm đa dạng để lựa chọn, giá rẻ hơn vì giỏ quà có xu hướng tăng cận Tết. Năm nay, Farmers Market đưa ra thị trường vài chục mã hàng nhãn riêng phục vụ Tết được lên kế hoạch từ sớm nên mức chiết khấu có thể lên đến 30%-35%. Với sản phẩm các thương hiệu khác, chúng tôi phải nhập hàng chiết khấu tối đa là 15%" - ông Lộc cho biết.
Cũng theo ông Võ Thanh Lộc, do chi phí cho việc quà tặng Tết ở nhiều nơi bị cắt giảm nên năm nay, khách hàng chủ yếu chọn mẫu bao bì in đại trà, sau đó dán logo của DN vì tiền bao bì thấp hơn loại in riêng 30%-40%. Khách hàng cũng chọn giỏ quà bằng tre, cói, lục bình… do xu hướng tiêu dùng xanh, tiết kiệm.
Bà Lâm Thụy Nguyên Hồng, Tổng Giám đốc Công ty CP Mỹ thuật Gia Long (nhãn hàng Ikachi, chuyên về giải pháp quà tặng), nhận định thị trường giỏ quà Tết được ngày càng cạnh tranh khốc liệt bởi rất nhiều người tham gia. Phần đông khách giờ cần giỏ quà chất lượng, có ý tưởng độc đáo nhưng giá không cao, thậm chí là rẻ.
"Để giải bài toán khó này, Ikachi sử dụng chất liệu chủ đạo là giấy carton chi phí không cao nhưng thiết kế đẹp, tạo ra sự cao cấp, sang trọng. Chẳng hạn, bộ sưu tập "Về nhà là Tết" tái hiện nhiều ký ức đẹp, từ xe đò ngày Tết đến nhà Tết cổ truyền…" - bà Hồng nêu giải pháp.
Ngoài ra, vỏ hộp quà cũng được Ikachi thiết kế để có thể tái sử dụng, gia tăng giá trị. Năm nay, Ikachi lần đầu bán vỏ hộp quà riêng nhằm phục vụ nhóm khách hàng có thể tự làm phần ruột (như bánh, mứt, các loại khô…) để tặng hoặc kinh doanh trong diện hẹp với chi phí tiết kiệm.
Mang lại giá trị tinh thần
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, cho rằng người tiêu dùng đang có xu hướng tiết giảm trong mua sắm, tập trung vào hàng thiết yếu, có giá vừa phải. "Các phần quà xa xỉ, hoành tráng sẽ càng ít khách mua nên người bán cần quan tâm đến xu hướng này. Thay vào đó, các sản phẩm có tiềm năng làm quà Tết như đặc sản vùng miền, sản phẩm mang ý nghĩa tình cảm sẽ được khách ưu tiên chọn mua" - ông Dũng nhận xét.
Theo Amazon, sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, sức khỏe tinh thần ngày càng được chú trọng, xu hướng tặng quà trở nên phổ biến bởi nó mang lại giá trị tinh thần cho nhau. Do đó, quà tặng đang trở thành nhóm hàng đầy tiềm năng để các DN Việt Nam nhập cuộc thương mại điện tử xuyên biên giới. Đây là nhóm hàng được dự báo tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2023.
Xem thêm: mth.23031613272112202-pihn-nohn-hnart-hnac-tet-auq-gnourt-iht/et-hnik/nv.moc.dln