Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.Đà Nẵng đang phối hợp Công ty CP Viện quy hoạch đô thị và nông thôn Quảng Nam lập quy hoạch phân khu sân bay tỷ lệ 1/2.000, với mục tiêu lấy dịch vụ logistics làm đòn bẩy phát triển kinh tế.
Theo đồ án Quy hoạch chung điều chỉnh TP.Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được Chính phủ phê duyệt, phân khu sân bay thuộc vùng lõi xanh, theo trục Cách Mạng Tháng Tám - Trường Chinh - Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương - Nguyễn Hữu Thọ. Phân khu bao gồm địa giới hành chính 9 phường thuộc 3 quận, trọng tâm là Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng và cụm logistics hiện đại mới để phát triển thành một trung tâm công cộng tại Đà Nẵng.
“Đô thị sân bay” lấy Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng làm trung tâm |
Phân khu sân bay được định hướng phát triển theo mô hình phát triển “đô thị sân bay”, lấy sân bay làm trung tâm, các đơn vị ở, công trình thương mại, dịch vụ và các khu chức năng đô thị khác được bố trí xung quanh. Định vị các hướng liên kết theo trục Đông - Tây có tăng cường liên kết trong nội bộ đô thị sân bay và với các phân khu đô thị khác, như liên kết giữa phân khu đô thị sân bay và phân khu ven sông Hàn và bờ Đông; liên kết với phân khu lõi xanh…
Kiến trúc sư Hoàng Quang Huy, nguyên Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng, cho biết việc quy hoạch giữ lại sân bay ở trung tâm Đà Nẵng để phát triển “đô thị sân bay” là hoàn toàn đúng đắn. Bởi trước đây đã từng có ý kiến bỏ sân bay Đà Nẵng để tập trung vào sân bay Chu Lai, nhưng về địa chính trị, TP.Đà Nẵng trước đây ngoài sân bay hiện tại còn có sân bay Nước Mặn, sân bay trên đỉnh Sơn Trà với tổng cộng 3 sân bay không thể tách rời. “Việc giữ sân bay ở trung tâm, hình thành “đô thị sân bay” còn có yếu tố quốc phòng, phát triển đô thị đi đôi với dự phòng quỹ đất, cơ sở vật chất dành cho quốc phòng…”, ông Huy nói.
Phát triển phân khu sân bay chú trọng yếu tố cảnh quan, công trình công cộng NGUYỄN TÚ |
Ưu tiên mở rộng không gian ngầm
Với tính chất đô thị giữa đô thị, diện tích bị hạn chế, quy hoạch phân khu sân bay ưu tiên khai thác không gian ngầm để mở rộng diện tích khai thác. Khu vực quy hoạch có hơn 50% là diện tích nằm trong khu vực sân bay nên việc quy hoạch không gian ngầm là rất cần thiết.
Quy hoạch 4 khu vực phát triển chính
Khu vực 1 là Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng. Khu vực 2 là khu vực cửa ngõ sân bay phía đông (định hướng phát triển công cộng, thương mại dịch vụ, phát triển các khu vực miễn thuế để hình thành mô hình “đô thị sân bay”. Khu vực 3 là khu đô thị phía nam. Khu vực 4 là khu đô thị phía tây bắc.
Không gian ngầm được bố trí tại các lô đất thương mại dịch vụ, công cộng, bệnh viện; với toàn bộ đất thương mại dịch vụ và công trình công cộng cấp đô thị, bảo đảm mỗi vị trí đều có bãi xe ngầm phục vụ riêng cho công trình, tăng diện tích cảnh quan cây xanh trên bề mặt. Các bãi đỗ xe cũng sử dụng không gian ngầm để tối ưu hóa không gian sử dụng. Về độ sâu, quy hoạch chia làm 3 lớp với công năng riêng: lớp nông (0 - 5 m) phục vụ xây dựng hạ tầng kỹ thuật ngầm như lối vào tầng hầm, hầm đi bộ; lớp trung bình (5 - 15 m) để xây công trình công cộng, bãi đỗ xe ngầm; lớp sâu (trên 15 m) xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật. Đặc biệt, có quy hoạch tuyến giao thông ngầm theo đường Trưng Nữ Vương đi ngang qua sân bay được ngầm hóa, kết hợp với tuyến tàu điện ngầm MRT.
Quy hoạch cũng nêu rõ thiết kế đô thị, quy định giới hạn về chiều cao xây dựng trong phân khu sân bay các các công trình tương ứng (nhà ga cảng hàng không, logistics, hạ tầng kỹ thuật…). Quy hoạch cũng tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan với trọng tâm là Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng và cụm logistics hiện đại mới; có định hướng phát triển kết hợp các đặc trưng hiện có như hệ thống cây xanh mặt nước, công trình công cộng, thương mại dịch vụ, khu dân cư thông qua các không gian công cộng, giao thông, không gian chuyển tiếp… tạo nên mô hình đô thị sân bay. Các khu vực trung tâm đô thị hiện hữu cũng được tái thiết, xác định các công trình điểm nhấn.
Theo ông Hồ Duy Diệm, nguyên Phó chủ tịch Hội Quy hoạch TP.Đà Nẵng, cần mở rộng đô thị mới phía tây ở H.Hòa Vang (xã Hòa Ninh, xã Hòa Nhơn) với trục giao thông chính kết nối nhanh chóng về sân bay, về trung tâm để giải quyết bài toán giãn dân cho “đô thị sân bay”, tạo thuận lợi, khuyến khích cư dân dịch chuyển. Từ QL1 làm đường hầm chui qua sân bay, đi thẳng qua trục Nguyễn Văn Linh - cầu Rồng ra biển. Đối với việc các khu dân cư quanh sân bay bị ngập trong trận mưa lịch sử 14.10, ông Hồ Duy Diệm so sánh bên trong sân bay rộng gần 1.000 ha, diện tích chứa nước lớn, lại bê tông hóa như cái chậu tràn nước ra ngoài thì ngập là tất yếu.
“Hệ thống thoát nước trong sân bay không còn phù hợp, trận ngập vừa qua còn bài học sâu sắc của việc lấp ao hồ, kênh mương thoát nước để phát triển đô thị quanh sân bay, nên sắp đến mở rộng sân bay cần phải quản lý đồng bộ giữa khu vực trong và ngoài”, ông Diệm nói.