Châu Âu đang mua nhiều gạo thơm, gạo chất lượng cao từ Việt Nam - Ảnh: BỬU ĐẤU
Theo bản tin thị trường nông sản tháng 11-2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành, giá gạo (5% tấm) xuất khẩu của Việt Nam vẫn ở mức 438 USD/tấn, cao hơn hàng của Thái Lan từ 13 đến 28 USD/tấn và cao hơn gạo Ấn Độ 60 - 65 USD/tấn.
Tại Việt Nam, giá gạo xuất khẩu tăng do nguồn cung giảm, trong khi nguồn cầu tăng trong dịp cuối năm. Nhu cầu từ các khách hàng châu Âu nhiều hơn, đặc biệt là đối với các loại chất lượng cao, gạo thơm và các thị trường trọng điểm như Philippines và Trung Quốc.
Theo số liệu thống kê, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 11-2022 ước đạt 600.000 tấn với giá trị 296 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo trong 11 tháng của năm 2022 đạt lần lượt 6,69 triệu tấn và 3,24 tỉ USD (tăng 6,9% so với cùng kỳ 2021).
Năm 2022, thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam gặp nhiều thuận lợi khi khách hàng mua gạo truyền thống là Philippines đã tăng nhập từ 2,9 triệu tấn lên 3,4 triệu tấn.
Thị trường Trung Quốc cũng chuyển từ nhập khẩu nhỏ giọt trong giai đoạn đầu năm sang nhập khẩu với khối lượng lớn vào cuối năm. Một số quốc gia châu Âu có xu hướng nhập khẩu gạo nhiều hơn nhằm thay thế cho nguồn cung lúa mì bị sụt giảm vì xung đột Nga - Ukraine.
6 tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu hơn 50.000 tấn gạo sang thị trường EU, kim ngạch thu về gần 37 triệu USD, tăng mạnh 84% về lượng và 96% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Đến tháng 8-2022, xuất khẩu gạo sang EU tiếp tục tăng 82% so với cùng kỳ.
Gạo Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu chủ yếu là gạo thơm (ST25, ST24, ST20, Đài Thơm 8, Jasmine...), còn lại là gạo trắng, gạo giống Nhật, gạo lứt, gạo hữu cơ...
Tại Diễn đàn trực tuyến kết nối cung cầu chuỗi lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra hôm 19-11, ông Lê Thanh Hòa, phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, nhận định với diễn biến nhu cầu gạo thế giới, cùng với việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tấm, áp thuế 20-25% các loại gạo xay xát và chưa xay xát tạo dư địa rất lớn cho xuất khẩu gạo Việt Nam.
"Bên cạnh đó, nhiều nước cũng chuyển hướng nhập khẩu gạo thay vì nhập khẩu lúa mì do đứt gãy nguồn cung từ chiến sự Nga - Ukraine. Bức tranh xuất khẩu gạo cuối năm rất tươi sáng, theo phán đoán cá nhân tôi, cả năm đạt hơn 7 triệu tấn, tương đương mức kỷ lục năm 2012" - ông Hòa nhận định.
Giá lúa nơi giảm, nơi tăng
Ở trong nước, giá lúa tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long diễn biến tăng trong 20 ngày đầu tháng và quay đầu giảm về cuối tháng.
Cụ thể, tại Tiền Giang, lúa IR 50404 giữa tháng tăng lên 6.500 đồng/kg và đến thời điểm hiện tại còn 6.300 đồng/kg. Lúa chất lượng cao OM 5451 sau khi tăng lên 6.500 đồng/kg thì nay còn 6.400 đồng/kg.
Tại Kiên Giang, lúa IR 50404 tăng thêm 500 đồng/kg lên 6.800 - 7.000 đồng/kg, lúa chất lượng cao OM 5451 tăng mạnh 900 đồng/kg lên 7.600 - 7.800 đồng/kg, lúa Đài Thơm 8 tăng 1.000 đồng/kg lên 7.800 - 8.000 đồng/kg.
Tại Vĩnh Long, lúa IR 50404 giá lúa vẫn giữ ở mức 5.700 đồng/kg.
TTO - Việt Nam vốn là cường quốc về lúa gạo khi đứng thứ 6 thế giới về sản xuất và thứ 3 về xuất khẩu. Sau các cuộc thi trong nước và quốc tế, Việt Nam ngày càng có nhiều loại gạo ngon, cao cấp, tạo tiếng vang trên thị trường quốc tế.
Xem thêm: mth.96395506182112202-man-teiv-ut-oac-gnoul-tahc-oag-moht-oag-ueihn-aum-ua-uahc/nv.ertiout