Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội vào cuối ngày hôm nay hiện niêm yết tại 66,65 – 67,47 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần tại Mỹ tăng 5,2 USD lên mức 1.755,3 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng nhích dần và lên trên 1.760 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 105,60 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 28/11 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.667 đồng/USD, giảm 2 đồng so với ngày cuối tuần trước. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.610 – 24.850 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm về gần 16.400 USD, thì sang phiên hôm nay đã có nhịp lao dốc về gần 16.000 USD trước khi bật lên 16.200 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 2,18 USD (-2,86%), xuống 74,10 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 2,53 USD (-3,03%), xuống 81,10 USD/thùng.
VN-Index lấy lại ngưỡng 1.000 điểm
Nhẹ nhàng vượt 1.000 điểm ngay khi bước vào phiên chiều, số mã tăng trên HOSE đã vượt 400 mã và hơn 1/4 trong số đó tăng trần. Dù sau đó, VN-Index rung lắc đôi chút nhưng cũng đã chạm 1.005 điểm ngay khi bước vào đợt khớp lệnh ATC và gần như không đổi khi đóng cửa.
Điểm nhấn trong phiên là NVL, khi có hơn 55 triệu cổ phiếu dư bán sàn được hấp thụ, và tiếp tục có thêm hàng chục triệu đơn vị sau đó được khớp lệnh, giúp cổ phiếu này đóng cửa khớp tổng cộng hơn 104 triệu đơn vị, cao nhất thị trường, giá cổ phiếu lùi trở lại tham chiếu 20.450 đồng, chấm dứt chuỗi 17 phiên liên tiếp giảm sàn.
Một cổ phiếu khác cũng được quan tâm là PDR, khi chỉ khớp 2,5 triệu đơn vị và dư bán sàn hơn 97 triệu đơn vị phiên sáng cũng đã được mua bắt đáy mạnh, khi có thêm gần 40 triệu cổ phiếu chất sàn được hấp thụ. Dù vậy, kết phiên, PDR vẫn còn dư bán sàn hơn 42,6 triệu đơn vị.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng hơn 67 triệu đơn vị, với tổng giá trị mua ròng 1.703 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 28/11: VN-Index tăng 34,23 điểm (+3,52%), lên 1.005,69 điểm; HNX-Index tăng 7,29 điểm (+3,71%), lên 204,06 điểm; UpCoM-Index tăng 1,62 điểm (+2,37%), lên 70,03 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Các chỉ số chính trên Phố Wall trái chiều trong phiên thứ Sáu (25/11), khi các nhà đầu tư theo dõi doanh số bán hàng vào dịp mua sắm Black Friday và các trường hợp nhiễm Covid-19 tăng kỷ lục ở Trung Quốc.
Các cổ phiếu bán lẻ của Mỹ đã trở thành thước đo niềm tin của người tiêu dùng trong bối cảnh lạm phát ảnh hưởng đến sức mua. Từ đầu năm đến nay, chỉ số bán lẻ S&P 500 đã giảm hơn 30%, trong khi S&P 500 chỉ giảm 15%.
Tuần tới, các nhà đầu tư sẽ tập trung vào doanh số bán lẻ, đợt bùng phát COVID mới nhất của Trung Quốc và các bước đi tiếp theo của Fed.
Trong tuần qua, Dow Jones tăng 1,78% và S&P 500 tăng 1,53%, Nasdaq Composite tăng 0,72%.
Kết thúc phiên 25/11, chỉ số Dow Jones tăng 152,97 điểm (+0,45%), lên 34.347,03 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,14 điểm (-0,03%), xuống 4.026,12 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 58,96 điểm (-0,52%), xuống 11.226,36 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản giảm, do các cuộc biểu tình ở Trung Quốc về các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 đã đã làm tổn thương tâm lý nhà đầu tư, trong khi cổ phiếu công nghệ giảm tương ứng với các công ty cùng ngành ở Phố Wall.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,42% xuống 28.162,83 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,68% xuống 2.004,31 điểm.
Một làn sóng phản đối chưa từng có dưới thời Tập Cận Bình đã càn quét Trung Quốc, bao gồm cả các cuộc đụng độ với cảnh sát ở Thượng Hải, sau khi chính phủ tăng gấp đôi các biện pháp ngăn chặn sự gia tăng các ca nhiễm Covid-19 mới.
Kenji Abe, chiến lược gia cổ phiếu tại Daiwa, cho biết: "Tin tức này chắc chắn là một điều tiêu cực đối với chứng khoán Nhật Bản, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ, vốn tiếp xúc nhiều với thị trường và chuỗi cung ứng Trung Quốc".
Các cổ phiếu công nghệ đã chịu áp lực sau khi Apple giảm mạnh vào thứ Sáu với Tokyo Electron và Advantest lần lượt giảm 1,56% và 0,54%.
Chứng khoán Trung Quốc sụt giảm khi các biện pháp nới lỏng tiền tệ gần đây không thể bù đắp được lo lắng của nhà đầu tư về các cuộc biểu tình chống lại các lệnh hạn chế nghiêm ngặt chống lây lan Covid-19.
Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,75% xuống 3.078,55 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 1,13% xuống 3.733,24 điểm
Các nhà đầu tư đã phớt lờ thông báo của ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) vào thứ Sáu về việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) của các ngân hàng để hỗ trợ nền kinh tế.
Làn sóng bất tuân dân sự là chưa từng có ở Trung Quốc đại lục kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền cách đây một thập kỷ và diễn ra trong bối cảnh sự thất vọng ngày càng tăng đối với chính sách Zero COVID đặc trưng của ông cũng như số ca nhiễm hàng ngày gần đây cao kỷ lục.
Mặc dù truyền thông nhà nước không đưa tin về các cuộc biểu tình, nhưng hình ảnh và video về các cuộc biểu tình đã lan truyền trên mạng xã hội.
Trong khi đó, số ca mắc COVID mới hàng ngày ở Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục, với hơn 40.000 ca nhiễm mới được báo cáo vào Chủ nhật.
Cổ phiếu giảm trên diện rộng với các lĩnh vực từ hàng tiêu dùng thiết yếu và tài chính đến kim loại màu đều giảm tới 3%.
Chứng khoán Hồng Kông cũng lao dốc, ảnh hưởng mạnh bởi cổ phiếu công nghệ và bất động sản.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,57% xuống 17.297,94 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 1,65% xuống 5.872,38 điểm.
Các đại gia công nghệ và nhà phát triển bất động sản dẫn đầu đà giảm, với Chỉ số Công nghệ giảm khoảng 2% và Chỉ số Bất động sản Đại lục giảm hơn 4%.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm do rủi ro chiếm ưu thế trước những lo ngại về các biện pháp phong tỏa do Covid-19 của Trung Quốc.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 29,59 điểm, tương đương 1,21% xuống 2.408,27 điểm.
“Sự bất ổn chính trị đã khiến tâm lý e ngại rủi ro trên thị trường tài chính gia tăng. Trung Quốc sẽ sớm phải sửa đổi lập trường chính sách ‘Zero COVID’ của họ”, Seo Sang-young nhà phân tích của Mirae Asset Securities cho biết.
Trong số các cổ phiếu lớn, gã khổng lồ công nghệ Samsung Electronics giảm 1,48% và SK Hynix giảm 2,35%, theo dõi mức giảm hơn 1% của Chỉ số bán dẫn Philadelphia trong phiên trước đó.
Nhà sản xuất pin LG Energy Solution mất 1,58%, trong khi cổ phiếu nền tảng Naver và Kakao giảm 2,43% và 2,67%.
Kết thúc phiên 28/11: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 120,20 điểm (-0,42%), xuống 28.162,83 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 23,14 điểm (-0,75%), xuống 3.078,55 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 275,64 điểm (-1,57%), xuống 17.297,94 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 29,59 điểm (-1,21%), xuống 2.408,27 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Vững gốc để vươn cành
Tuần trước, các nhà đầu tư trên thị trường vốn quan tâm đặc biệt đến cuộc họp do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chủ trì với sự tham gia của lãnh đạo các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, các công ty chứng khoán. Họ kỳ vọng sau cuộc họp sẽ có những giải pháp mới được công bố nhằm gỡ khó cho thị trường này..>> Chi tiết
- Nhà đầu tư nơm nớp nỗi lo lãi suất
Lãi suất tăng vẫn đang là một trong những yếu tố khiến nhiều nhà đầu tư có tâm lý thận trọng khi tham gia thị trường chứng khoán, bởi mối quan hệ giữa lãi suất và giá cổ phiếu thường ngược chiều..>> Chi tiết
- Thị trường chứng khoán: Tái cấu trúc để phát triển bền vững
Thị trường chứng khoán đang trải qua chuỗi ngày khó khăn, đòi hỏi mỗi thành viên phải gồng gánh vượt qua để có thể trụ vững và đi tiếp..>> Chi tiết
- Hiện tượng đình lạm sẽ thống trị năm 2023 và gây áp lực lên thị trường chứng khoán
Lạm phát gia tăng đi kèm với tăng trưởng kinh tế suy yếu (Stagflation - Đình lạm) là rủi ro chính đối với nền kinh tế toàn cầu vào năm 2023, do đó kỳ vọng về một đợt phục hồi trên thị trường chứng khoán là quá sớm sau đợt bán tháo khốc liệt trong năm nay..>> Chi tiết