Ngày 29/11, Chính phủ đã ban hành Nghị định 96/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công thương.
Theo cơ cấu, tổ chức mới của Bộ Công thương, Bộ này sẽ có thêm Ủy ban Cạnh tranh quốc gia và bỏ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng |
Theo nghị định, Bộ Công thương là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, bao gồm các ngành và lĩnh vực: Điện, than, dầu khí, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, công nghiệp cơ khí, luyện kim, công nghiệp khai thác mỏ và chế biến khoáng sản, công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp môi trường, công nghiệp công nghệ cao (không bao gồm công nghiệp công nghệ thông tin).
Ngoài ra còn có cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, khuyến công; thương mại trong nước; xuất nhập khẩu, thương mại biên giới; dịch vụ logistics; phát triển thị trường ngoài nước; quản lý thị trường; xúc tiến thương mại; thương mại điện tử; dịch vụ thương mại; hội nhập kinh tế quốc tế; cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; phòng vệ thương mại; các dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ.
Chính phủ cũng quy định về cơ cấu tổ chức của Bộ Công thương sẽ bao gồm 28 đơn vị, phần lớn giống như trước đây.
Đáng chú ý, Nghị định 96 bổ sung một Ủy ban Cạnh tranh quốc gia và bỏ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng trong cơ cấu tổ chức của Bộ Công thương.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng sẽ tiêp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo các quy định của pháp luật hiện hành cho đến khi Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia.
Vẫn theo Nghị định, Bộ trưởng Bộ Công thương trình Chính phủ Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia.
Chi Mai
Xem thêm: lmth.1498741a-gnud-ueit-iougn-ev-oab-av-hnart-hnac-cuc-ob-gnouht-gnoc-ob/nv.moc.enilnounuhp.www