Bộ trưởng Kinh tế đối ngoại và Hợp tác phát triển Hà Lan Liesje Schreinemacher tại TP.HCM - Ảnh: Đại sứ quán Hà Lan
Bộ trưởng Schreinemacher thăm Việt Nam từ ngày 28 đến 30-11 với nhiều hoạt động tại TP.HCM, Hải Phòng và Hà Nội nhằm thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Hà Lan hướng tới tăng cường chuyển đổi xanh, đặc biệt trong các lĩnh vực nước, hậu cần, năng lượng và kinh tế tuần hoàn.
"Tôi nghĩ rằng Hà Lan có những kinh nghiệm và sáng kiến có thể giúp phát triển kinh tế Việt Nam theo hướng xanh và bền vững hơn. Có rất nhiều tiềm năng trong quan hệ thương mại hai nước chỉ mới được khai mở và những tiềm năng này sẽ có lợi cho cả hai đất nước", bà Schreinemacher nói.
Nhưng không chỉ có phía Hà Lan xuất khẩu công nghệ sang Việt Nam, Hà Lan cùng có thể học hỏi từ Việt Nam.
Hà Lan và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng, trong đó Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam cũng gặp các thách thức về quản lý nước như Hà Lan, quốc gia có 26% diện tích nằm dưới mực nước biển và 60% dân số sống dưới mực nước biển đến 5m.
Theo bà Schreinemacher, hai quốc gia có thể học hỏi lẫn nhau. Kinh nghiệm và kiến thức các công ty Hà Lan có được từ Việt Nam có thể có ích cho Hà Lan.
Về tiềm năng hợp tác thương mại trong tương lai giữa hai nước trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm, bà cho biết tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam ước đạt 8% là con số mà nhiều quốc gia châu Âu mơ ước nhưng không đạt được. Với Hà Lan, Việt Nam hứa hẹn mang lại tiềm năng và lợi ích to lớn cho nhà đầu tư.
"Tôi đã nói chuyện với các công ty lớn, nhỏ ở Hà Lan và tôi tin rằng có rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Hà Lan đầu tư, khởi nghiệp tại Việt Nam hoặc chuyển đến Việt Nam. Các bạn là một thị trường đang tăng trưởng hấp dẫn", bà Schreinemacher nhận định.
Chuyến thăm của bà Schreinemacher là một trong những hoạt động kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hà Lan, thiết lập từ năm 1973.
Trong khi quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hà Lan chuẩn bị tròn 50 năm, quan hệ thương mại của hai nước đã có lịch sử khoảng 400 năm khi các thương nhân Hà Lan đến Hội An năm 1601.
Trong chuyến công tác tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã họp với Bộ trưởng Scheinemacher vào sáng 28-11. Ngoài ra, bà dự Diễn đàn và triển lãm Kinh tế xanh (GEFE) 2022, do Phòng Thương mại châu Âu Eurocham tổ chức từ ngày 28 đến 30-11 và nhiều hoạt động khác.
Hà Lan và Việt Nam là hai quốc gia có mối quan hệ lâu dài và đáng tin cậy. Hai nước đã thiết lập thỏa thuận đối tác chiến lược trong lĩnh vực "Nước và thích ứng với biến đổi khí hậu" và "Nông nghiệp và an ninh lương thực".
Hà Lan là đối tác thương mại lớn thứ hai của Liên minh châu Âu (EU) và là nhà đầu tư trực tiếp lớn nhất của EU tại Việt Nam cũng như là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 5 tại Việt Nam. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) góp phần thúc đẩy thương mại bền vững và bao trùm. Hai nước sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2023.
TTO - Ông Ahmed Aboutaleb, thị trưởng thành phố Rotterdam, Hà Lan, đang có chuyến công tác ở TP.HCM từ ngày 26 đến 28-7. Chuyến thăm nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Hà Lan, đặc biệt trong phát triển đô thị bền vững, cảng và hậu cần.