Để thanh niên không phải bỏ bản lên phố thị làm thuê
Vừa chạm chân đến cửa A La homestay (xã Hang Kia, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình), đã thấy mùi thức ăn thơm nức mũi. Homestay đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao này khiến du khách cảm thấy an yên ngay từ ánh nhìn đầu tiên, với những căn nhà sàn độc đáo, đan xen kiến trúc truyền thống của người Mông và người Thái.
Sản phẩm du lịch Hang Kia của Giàng A La được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh. |
Không khí trong lành giữa màn mây, sương sóng sánh. Những hàng rau cải xanh mơn mởn trông trẻ trung như thể ve vuốt ánh nhìn. Mặt trời dát vàng các đóa hoa, gió mang theo những cánh ong, cánh bướm náo nức… tạo nên khung cảnh tựa chốn thần tiên
Giàng A La hồ hởi chạy ra đón khách. Đôi mắt một mí tươi vui, giọng nói lơ lớ pha giữa giọng Mông và tiếng Kinh dễ mến. Anh diện chiếc quần nâu trầm và áo Mông màu hồng trang trí bởi những đồng xu bằng bạc, tay cầm cây sáo trúc khiến ai nấy đều cảm thấy như đã quen biết từ lâu. Dường như đôi mắt ấy, giọng nói ấy cứ tựa như một lời khẳng định “hãy tin tưởng và yêu qúy tôi”.
Giàng A La có nhiều kỹ năng biểu diễn nghệ thuật, đặc biệt là thổi khen, thổi sáo. |
Dẫn chúng tôi tham quan A La Homestay, check-in vườn hoa trái của Hợp tác xã dịch vụ và nông nghiệp Hang Kia, Giàng A La kể, năm 2018, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng nghệ thuật Tây Bắc, anh quyết định trở về quê với khát khao cùng đồng bào làm giàu trên mảnh đất quê hương. Bởi lẽ, sinh ra và lớn lên nơi vùng cao còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, hơn ai hết, Giàng A La sớm thấu hiểu cuộc sống nhọc nhằn, vất vả của bố mẹ và những người dân nơi đây.
Vốn yêu văn hóa, lại có nghề thổi khèn, thổi sáo, tính cách thân thiện, cởi mở, nhiệt thành, ngay khi trở về Hang Kia, Giàng A La luôn là một trong những lựa chọn đầu tiên khi các doanh nghiệp lữ hành, cơ quan đơn vị cần hướng dẫn viên du lịch. Khắp các bản làng ở huyện Mai Châu, Hoà Bình, dường như chưa có nơi nào Giàng A La không để lại dấu chân.
Vẻ đẹp thung lũng Hang Kia. |
Cũng chính từ những tháng năm làm hướng dẫn viên du lịch, chàng trai Mông nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch của thung lũng Hang Kia nơi mình sinh ra. Ở nơi đó vẫn còn giữ được những phong tục tập quán, văn hóa đặc sắc nhất của đồng bào dân tộc Mông. Cảnh sắc thiên nhiên thì quá đỗi nguyên sơ với những biển mây bồng bềnh.
“Sau một thời gian làm hướng dẫn viên du lịch, khát khao cùng người dân và bà con đồng bào Mông làm du lịch cộng đồng của tôi càng lớn dần. Tôi muốn giới thiệu cho du khách trong nước cũng như quốc tế biết đến và được trải nghiệm, được hoà mình vào cuộc sống đầy sắc màu của người Mông ở Hang Kia. Và hơn hết, tôi mong ước giúp cho bà con đồng bào mông quê mình có sinh kế bền vững để thoát nghèo và làm giàu trên mảnh đất quê hương, thanh niên không phải bỏ bản lên phố thị làm thuê”, Giàng A La trải lòng.
Giàng A La giới thiệu sản phẩm thổ cẩm của đồng bào Mông cho du khách. |
Những trải nghiệm không thể nào quên
Từ những kiến thức, kinh nghiệm của bản thân, Giàng A La khá tự tin vào khát vọng khởi nghiệp với du lịch cộng đồng. Anh chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ và nhận được sự đồng hành của chính quyền địa phương. Tháng 6/2020, Giàng A La chính thức trở thành Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ du lịch và nông nghiệp Hang Kia với 11 thành viên, tổng số vốn khoảng 400 triệu đồng.
Bắt tay vào thực hiện mơ ước, Giàng A Lang và các thành viên Hợp tác xã đã cải tạo, chỉnh trang lại khuôn viên nhà 4 ngôi nhà ở của gia đình theo lối đan xen kiến trúc truyền thống của người Mông và người Thái để đón khách du lịch đến lưu trú, tham quan, trải nghiệm văn hóa.
A La homestay |
Mỗi ngôi nhà đều có phòng nghỉ khép kín, đầy đủ tiện nghi, đệm ga gối trắng muốt, tinh tươm, thơm tho, sạch sẽ. Khắp không gian trong nhà được bày trí một tinh tế các dụng cụ, vải thổ cẩm, sản vật địa phương của đồng bào dân tộc Mông và Thái nơi đây… khiến du khách phương xa đều cảm mến.
Cùng với dịch vụ Homestay, dưới sự dẫn dắt của Giàng A La, Hợp tác xã dịch vụ du lịch và nông nghiệp Hang Kia còn đồng lòng tạo nên những trải nghiệm về nông nghiệp khác biệt phục vụ du khách. Trên diện tích hơn 20 ha đất, Hợp tác xã dịch vụ du lịch và nông nghiệp Hang Kia đã trồng nhiều loại trái cây và hoa đặc trưng bản địa như đào, mận, cam, tam giác mạch, cải…
Du khách trên đường khám phá Hang Kia. |
Những ngày giáp Tết và mùa xuân, du khách đến với thung lũng Hang Kia sẽ được đắm mình trong sắc đào, mận tinh khôi, được hít hà hương hoa cam thanh nhã và có những bức ảnh lỗng lẫy giữa vườn hoa cải vàng…
Các hộ gia đình trong Hợp tác xã dịch vụ du lịch và nông nghiệp Hang Kia còn làm những cây cầu gỗ, cầu tre, tổ chim… mộc mạc, đơn sơ nhưng là bối cảnh tuyệt vời cho những bức ảnh trên nền mây trắng bảng lảng.
Chưa hết, các “thượng đế” đến với Hợp tác xã dịch vụ du lịch và nông nghiệp Hang Kia còn có thể tìm hiểu những nét văn hoá đặc sắc, nghề làm thủ công truyền thống của đồng bào Mông và Thái qua các hoạt động trải nghiệm hái quả ngay trong vườn nhà, vẽ sáp ong, nhuộm chàm, làm giấy dó,…
Giàng A La nướng thịt phục vụ du khách. |
Giàng A La cho biết, trước khi dịch Covid-19 ập đến, A La Homestay đón hàng trăm lượt khách mỗi tháng, bao gồm cả khách trong nước và quốc tế. Doanh thu trung bình mỗi năm của Hợp tác xã khoảng gần 1 tỉ đồng.
Tuy nhiên, năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, du lịch đóng cửa, lượng khách đến thưa thớt, chủ yếu chỉ có khách trong tỉnh đến tham quan, trải nghiệm nên gần như không có doanh thu.
Năm 2021, Giàng A La đạt giải Vàng cuộc thi “Thách thức sáng kiến kinh doanh”. |
Tuy nhiên, Giàng A La và các thành viên Hợp tác xã không nản lòng. Họ đoàn kết, cùng nhau suy nghĩ, tìm tòi hướng đi mới với mục tiêu phát triển, mở rộng quy mô Hợp tác xã. Cùng với việc cải tạo cảnh quan, tăng thêm dịch vụ để tạo nên những trải nghiệm, kỷ niệm không thể nào quên cho du khách, các thành viên còn đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và kinh doanh các loại hoa trái nhà làm.
Với quyết tâm đó, ngay khi Chính phủ cho phép mở lại toàn bộ hoạt động từ ngày 15/3/2022, Hợp tác xã dịch vụ du lịch và nông nghiệp Hang Kia lập tức trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách gần xa. Theo Giám đốc Giàng A La, các tour cuối tuần kể từ tháng 4/2022 đến nay phần lớn đều kín chỗ, công suất lưu trú luôn trong trạng thái kín phòng.
Giàng A La khởi nghiệp thành công bởi anh luôn nỗ lực đương đầu với khó khăn, thử thách, xuất phát từ tình yêu quê hương và đồng bào nơi mình sinh sống. |
Không bỏ cuộc trước khó khăn
Không chỉ thành công trong phát triển kinh tế, góp phần thay đổi diện mạo quê hương, mô hình du lịch cộng đồng của chàng trai Mông đã tạo việc làm cho nhiều đoàn viên thanh niên và phụ nữ tại địa phương.
Hiện nay, Hợp tác xã dịch vụ du lịch và nông nghiệp Hang Kia có 11 thành viên làm chính và 6 lao động làm việc theo thời vụ. Mức thu nhập bình quân của mỗi người là 4-5 triệu đồng/tháng.
Giàng A La luôn coi quảng bá, phát triển văn hóa, du lịch phải tạo được kế sinh nhai cho bà con; đem lại cuộc sống ấm no cho người dân ở vùng cao vốn còn nhiều khó khăn.
“Tinh thần khởi nghiệp, không bỏ cuộc trước khó khăn là yếu tố tiên quyết thành công”, Giàng A La chia sẻ bí quyết thành công của bản thân và Hợp tác xã.
Giám đốc trẻ Giàng A La chụp hình lưu niệm cùng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan. |
Và với sự bền bỉ, kiên trì cùng nỗ lực làm giàu trên mảnh đất quê hương, cuối năm 2020, sản phẩm du lịch Hang Kia của Giàng A La được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh.
Năm 2021, Giàng A La đạt giải Vàng cuộc thi “Thách thức sáng kiến kinh doanh” do tổ chức AEA (Aide et Action) phối hợp với Trung tâm Hợp tác phát triển Tây Bắc cùng với Tỉnh đoàn Hoà Bình và Lào Cai tổ chức về ý tưởng du lịch cộng đồng.
Nhìn vào thành công hiện tại, ít ai biết Giàng A La và các thành viên Hợp tác xã đã vất vả đến nhường nào. Giàng A La cho biết, anh đã trải qua rất nhiều khó khăn, thất bại trên hành trình khởi nghiệp. “Những ngày đầu khởi nghiệp, tôi mang dự án đi thi, từng phải sửa đi sửa lại tới 30 lần trước đêm chung kết 3 ngày. Kết quả, anh đã chinh phục được ban giám khảo đạt giải thưởng cao nhất cuộc thi “Thách thức sáng kiến kinh doanh”, chàng trai Mông sinh năm 1996 tâm sự.
Giám đốc Giàng A La tại Lễ ra mắt Hợp tác xã dịch vụ du lịch và nông nghiệp Hang Kia. |
Từ câu chuyện khởi nghiệp của mình, Giàng A La mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội hỗ trợ mở các lớp đào tạo tư vấn chuyên sâu về khởi nghiệp, lập nghiệp tại các xã, bản làng để thanh niên vùng cao được định hướng và hơn hết là truyền tinh thần khởi nghiệp. Đồng thời, tạo thêm nhiều sân chơi, diễn đàn để các bạn trẻ tương tác, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức khởi nghiệp, lập nghiệp.
Nói về dự định trong thời gian tới, anh Giàng A La cho biết, khi hoạt động du lịch trở lại bình thường, lượng khách đến đông hơn, anh và Hợp tác xã dự định sẽ nhân rộng các mô hình dịch vụ tương tự như Hang Kia, kết nối với bà con trong thôn, bản để bán các sản phẩm do họ làm ra cho du khách. Ngoài ra, Giàng A La bật mí sẽ học hỏi, tận dụng quảng cáo trên các trang mạng xã hội để mọi người biết đến vùng đất quê hương mình.
Mô hình du lịch cộng đồng kết hợp với nông nghiệp độc đáo của Giàng A La không chỉ thu hút khách thập phương, quảng bá văn hóa, cảnh quan hấp dẫn của đồng bào Mông ở Mai Châu, Hòa Bình, đến đông đảo du khách trong nước và quốc tế; mà còn giải quyết công ăn việc làm, tiêu thụ nông sản, giúp bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương… thật đáng trân trọng và học tập.