Thực tế chưa cải thiện
Hội nghị bàn tròn Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), tổ chức mới đây ở Hà Nội đã thu hút sự tham gia của nhiều bên liên quan. Hội nghị nhằm thúc đẩy đối thoại chính sách về quản trị công ty và tài chính doanh nghiệp giữa các nền kinh tế châu Á và OECD. Mục tiêu bao trùm của tổ chức này là nâng cao hiệu quả kinh tế và tăng trưởng bền vững bằng cách hỗ trợ các chính sách và thông lệ quản trị công ty tốt trong khu vực, phù hợp với các nguyên tắc quản trị công ty của G20/OECD.
Tại Việt Nam, theo đánh giá của Hội đồng bình chọn Doanh nghiệp niêm yết năm 2022, việc áp dụng các thông lệ quản trị công ty tốt vượt trên các quy định pháp lý vẫn là một thách thức với cộng đồng doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp niêm yết nói riêng. Đánh giá thẻ điểm quản trị công ty khu vực ASEAN cho thấy, nhiều năm nay, doanh nghiệp Việt Nam có mức điểm còn hạn chế so với nhiều quốc gia trong khu vực.
Trong khi doanh nghiệp nhiều nước đã quen với việc áp dụng thông lệ quản trị tốt của G20/OECD thì nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn khá mơ hồ cũng như chưa sẵn sàng đưa vào thực tiễn các thông lệ này.
Minh chứng cho nhận định trên nằm ở kết quả chấm điểm quản trị công ty năm 2021 (một hạng mục giải thưởng của Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết năm 2022). Theo đó, mức độ áp dụng các thông lệ quản trị tốt của doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam mới chỉ đạt 52,69%.
Nhiều thông lệ quản trị tốt chưa được doanh nghiệp nước ta quan tâm, như thực hiện báo cáo phát triển bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế; đảm bảo cân bằng giới trong hội đồng quản trị; trách nhiệm của hội đồng quản trị trong việc giám sát quy trình quản trị rủi ro; các chính sách nhằm lựa chọn nhà cung cấp đáp ứng các tiêu chuẩn phát triển bền vững...
Số liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy, năm 2021, có 7 trường hợp bị xử lý vi phạm về quản trị công ty, 9 tháng đầu năm 2022 có 14 trường hợp. Các vi phạm chủ yếu bao gồm quy định về giao dịch với cổ đông, người quản lý doanh nghiệp và người có liên quan của các đối tượng này, vi phạm công bố thông tin về quản trị công ty, vi phạm về tư cách hội đồng quản trị, thành phần hội đồng quản trị, ủy ban kiểm toán...
Lấy ví dụ ở việc thực thi các quy định về kiểm toán nội bộ. Kết quả khảo sát “Thực trạng triển khai kiểm toán nội bộ tại Việt Nam” do Phân viện Kiểm toán viên nội bộ Quốc tế tại Việt Nam (IIA Việt Nam) thực hiện và công bố tháng 11/2022 cho biết, có 77% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết đã có bộ phận kiểm toán nội bộ, 14% thuê dịch vụ bên ngoài, 9% chưa triển khai.
Đối tượng tham gia khảo sát là doanh nghiệp niêm yết hai sàn HOSE và HNX, doanh nghiệp có vốn nhà nước trên 50%, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con. Đây là nhóm doanh nghiệp phải thực hiện kiểm toán nội bộ theo quy định của Điều 10, Nghị định 05/2019/NĐ-CP.
Ở nhiều doanh nghiệp, nhân sự phụ trách ủy ban kiểm toán nội bộ thường phải nghe theo chỉ đạo của chủ tịch công ty.
Đơn vị thực hiện khảo sát cũng cho biết, dù nhiều doanh nghiệp đã thực hiện kiểm toán nội bộ nhưng tính độc lập và vị thế của bộ phận này chưa được đảm bảo. Có đến 22% doanh nghiệp khảo sát hiện đang niêm yết trên HOSE trả lời rằng bộ phận này vẫn kiêm nhiệm hoặc tham gia trực tiếp vào hoạt động kinh doanh.
Không chỉ vậy, bộ phận kiểm toán nội bộ bị hạn chế khả năng truy cập hồ sơ, chứng từ, kiểm tra tài sản… do “một số doanh nghiệp có định kiến về kiểm toán nội bộ và phòng thủ”. Điều này cũng khiến cho việc đánh giá thực trạng doanh nghiệp không thể đảm bảo.
Ở nhiều doanh nghiệp, nhân sự phụ trách ủy ban kiểm toán nội bộ thường phải nghe theo chỉ đạo của chủ tịch công ty và vị trí này theo nhận xét của các lãnh đạo trong doanh nghiệp, dễ dàng bị thay thế nếu ông chủ tịch không hài lòng.
Trong khi đó, Nghị định 05 của Chính phủ đã quy định rõ nguyên tắc để bảo đảm tính khách quan và độc lập của kiểm toán nội bộ.
Bài học lớn về quản trị công ty
Những vụ việc bị khởi tố gần đây trên thị trường chứng khoán Việt Nam cho thấy sự thiếu vắng vai trò của quản trị công ty. Nếu doanh nghiệp tuân thủ theo các nguyên tắc quản trị công ty tốt, có sự giám sát kịp thời từ cơ quan quản lý, có lẽ thực tế đã khác.
Các đại diện tham dự Hội nghị OECD năm nay thống nhất quan điểm “Quản trị công ty tốt đóng vai trò thiết yếu quyết định cho sự năng động và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế trên diện rộng, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc quản lý rủi ro môi trường, xã hội và quản trị (ESG), khai thác tốt hơn những đóng góp quan trọng của các cổ đông, chủ nợ, nhân viên, khách hàng, nhà cung cấp hoặc cộng đồng, vì sự thành công lâu dài của doanh nghiệp”.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, việc cải thiện quản trị công ty của các công ty đại chúng đòi hỏi nỗ lực của nhiều bên khác nhau, của các cơ quan quản lý, các tổ chức hành động vì thị trường minh bạch và của chính những người tham gia thị trường, các cổ đông.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, ngoài một hệ thống pháp luật đầy đủ hình thành một nền tảng quản trị công ty tốt và hiệu quả, bản thân từng doanh nghiệp, từng thành viên Hội đồng quản trị và từng thành viên thị trường phải có đầy đủ kinh nghiệm, trình độ, đạo đức nghề nghiệp và ý thức rõ ràng về tầm quan trọng của quản trị công ty đối với từng doanh nghiệp và cả nền kinh tế.
Các cải thiện quản trị quan trọng cần được thực thi nằm ở khía cạnh cấu trúc quyền lợi và trách nhiệm trong quản trị công ty, sự minh bạch trong phân công trách nhiệm trong các thành viên hội đồng quản trị, nâng cao vai trò kiểm toán nội bộ, công bố và minh bạch thông tin, nâng cao các thực hành bảo vệ quyền lợi cổ đông và các bên liên quan.
Thực tế cho thấy, cải thiện quản trị công ty bắt nguồn từ sự nỗ lực của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng áp dụng công nghệ thông tin trong việc cho phép các cổ đông tham dự đại hội cổ đông trực tuyến và biểu quyết thông qua trên nền tảng bảo mật của Trung tâm Lưu ký.
Nhờ đó, các doanh nghiệp vẫn đảm bảo quyền cổ đông ở khía cạnh tham dự và biểu quyết tại đại hội cổ đông.
Nhìn rộng hơn, cần thực thi những biện pháp mạnh mẽ hơn để nâng cao nền tảng quản trị công ty cho các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.
“Hệ thống pháp luật đầy đủ sẽ góp phần hình thành một nền tảng quản trị công ty tốt và hiệu quả. Tuy nhiên, bản thân từng doanh nghiệp, thành viên hội đồng quản trị và thành viên thị trường phải có đầy đủ kinh nghiệm, trình độ, đạo đức nghề nghiệp và ý thức rõ ràng về tầm quan trọng của quản trị công ty đối với từng doanh nghiệp và cả nền kinh tế,” Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nói.
Các báo cáo đánh giá việc thực thi quản trị công ty cho thấy vai trò lãnh đạo của hội đồng quản trị tại các doanh nghiệp đại chúng là rất quan trọng. Cụ thể, hội đồng quản trị đòi hỏi có tầm nhìn và cam kết cho một khuôn khổ, cơ chế đảm bảo quản trị tốt, minh bạch thông tin, tôn trọng quyền lợi cổ đông và các bên liên quan.
Ông Nguyễn Đức Chi chỉ ra việc cải thiện quản trị cần được thực thi ở khía cạnh cấu trúc quyền lợi và trách nhiệm trong quản trị, như sự minh bạch trong phân công trách nhiệm các thành viên hội đồng quản trị, từ đó nâng cao vai trò kiểm toán nội bộ, công bố và minh bạch thông tin, nâng cao các thực hành bảo vệ quyền lợi cổ đông và các bên liên quan.