vĐồng tin tức tài chính 365

'Cuộc chiến thế kỷ' đòi quyền dạy sinh học của giáo viên Mỹ

2022-11-30 19:57

Ngày 10/7/1925, hàng trăm phóng viên tập trung tại Dayton, Tennessee, đưa tin về phiên tòa xét xử John Scopes, giáo viên khoa học 24 tuổi.

Scopes bị bắt vì vi phạm luật Tennessee, do đã giảng dạy thuyết tiến hóa của Darwin với nội dung "con người có nguồn gốc từ vượn cổ". Phiên tòa xét xử Scopes đã thu hút sự chú ý của cả nước Mỹ, là một trong những phiên tòa nổi tiếng nhất thế kỷ.

"Cuộc chiến" ươm mầm từ năm 1859 tại Vương quốc Anh, khi Charles Darwin xuất bản Nguồn gốc các loài. Trong cuốn sách của mình, Darwin đã đưa ra bằng chứng cho thấy các sinh vật sống đã tiến hóa từ các tổ tiên chung thông qua một cơ chế mà ông gọi là "chọn lọc tự nhiên". Theo quá trình tiến hóa, con người có quan hệ họ hàng với khỉ đột, tinh tinh và các động vật giống vượn khác.

Hầu hết các nhà khoa học phản ứng tích cực với thuyết tiến hóa của Darwin. Nhưng một số khác đã tức giận, coi đó là cuộc tấn công vào niềm tin tôn giáo của họ. Năm 1874, nhà thần học Princeton tên Charles Hodge đã viết một cuốn sách Thuyết Darwin là gì?, nội dung giải thích rằng "đó là chủ nghĩa vô thần hoàn toàn không phù hợp với Kinh thánh".

Tại Mỹ, một phong trào chống tiến hóa đã bắt đầu vào đầu những năm 1920. Những người phản đối Darwin tin rằng học thuyết sẽ gây hại cho sự phát triển tinh thần và đạo đức của học sinh.

Họ kêu gọi Luật chống tiến hóa, được thông qua lần đầu ở Oklahoma tháng 3/1923. Hai tháng sau, đến Florida tuyên bố, bất kỳ giáo viên trường công nào dạy thuyết Darwin là phạm pháp.

Một năm sau, ngày 23/3/1925, Tennessee trở thành tiểu bang thứ ba thông qua luật chống tiến hóa. Đây cũng là tiểu bang đầu tiên quy định tội danh hình sự cho hành vi này.

Ngày 4/5 cùng năm, tờ Chattanooga Daily Times in một tuyên bố của Liên minh Tự do Dân sự Mỹ (ACLU), tìm kiếm một giáo viên sinh học tại Tennessee "sẵn sàng chấp nhận" trở thành bị cáo, cùng họ chống lại luật này.

Trong thị trấn nông thôn nhỏ của Dayton, John Scopes, giáo viên môn khoa học, trường trung học Dayton đọc được lời "hiệu triệu" và tình nguyện bị bắt. Thầy Scopes bị cáo buộc vi phạm Luật chống tiến hóa của Tennessee do sử dụng sách giáo khoa về sự tiến hóa của loài người. Hình phạt cho việc vi phạm luật là 100 USD.

Bề ngoài, đây là vụ án đơn giản mà bất kỳ thẩm phán nào cũng có thể xử lý trong vài giờ. Nhưng điều đó đã không xảy ra. ACLU muốn biến vụ án Scopes trở thành trung tâm của chiến dịch Quyền tự do ngôn luận, tuyên bố: "Chúng tôi sẽ đưa vụ thầy Scopes lên Tòa án Tối cao, nếu cần thiết, để chứng minh rằng một giáo viên có thể nói sự thật mà không bị bỏ tù."

Thầy John Scopes trong phiên tòa thế kỷ, tháng 7/1925. Ảnh: Famous trials

Thầy John Scopes trong "phiên tòa thế kỷ", tháng 7/1925. Ảnh: Famous trials

Clarence Darrow, một trong những luật sư xét xử nổi tiếng nhất trong nước, đã tình nguyện bào chữa không thù lao cho thầy Scopes và ACLU, cũng là lần bào chữa miễn phí duy nhất trong sự nghiệp của ông.

Ở phía nhóm phản đối Thuyết tiến hóa, William Jennings Bryan, một nhà hùng biện cực kỳ nổi tiếng, đứng về phe công tố. Bryan đến phiên tòa không phải với tư cách là một luật sư. Ông tuyên bố, phiên xét xử Scopes là "trận chiến hoàng gia" để bảo vệ đức tin.

Hàng trăm nhà báo đã đến thị trấn để viết về "phiên tòa khỉ đột" dự kiến diễn ra trong nhiều tuần. Thị trấn bé nhỏ bỗng chốc nổi tiếng và tấp nập, mọi nhà trọ đều treo bảng hết phòng. Người dân tổ chức giết bò, lợn, nướng thịt, xúc xích ngoài trời và mua thêm hàng nghìn thùng bia, nước ngọt để chuẩn bị xem tòa.

Ngày 10/7/1925, phiên tòa đã được chuyển ra bên ngoài vì thẩm phán lo lắng rằng sàn phòng xử án có thể bị sập. Hơn 2.000 người đến chứng kiến phiên tòa thế kỷ, ngồi trên những chiếc ghế dài dưới những cây phong và ngồi bệt trên cỏ, trong cái nóng như ngạt thở.

Luật sư Darrow và nhà hùng biện Bryan có những chiến lược và mục tiêu trái ngược nhau. Ông Darrow tập hợp 8 nhà khoa học nổi tiếng để giải thích cơ sở khoa học của sự tiến hóa và chứng minh rằng nó không mâu thuẫn với Kinh thánh.

Song tại tòa, phía công tố phản đối các nhân chứng này vì luật cấm mọi hoạt động giảng dạy về sự tiến hóa của loài người, "không cần biết nó có mâu thuẫn với Kinh thánh hay có giá trị khoa học hay không". Thẩm phán đồng ý.

Luật sư Darrow xoay sang luận điểm rằng luật không hợp hiến, song thẩm phán cũng bác bỏ. "Luật không vi phạm bất kỳ quyền nào của giáo viên. Mối quan hệ giữa giáo viên và nhà trường dựa trên hợp đồng và nếu lương tâm của anh ta buộc anh ta phải dạy thuyết tiến hóa, anh ta có thể tìm cơ hội ở trường khác".

Luật sư Clarence Darrow trong phần thủ tục tại tòa án Tennessee, tháng 7/1925. Ảnh: NY Daily News

Luật sư Clarence Darrow trong phần thủ tục tại tòa án Tennessee, tháng 7/1925. Ảnh: NY Daily News

Vào ngày thứ sáu của phiên tòa, bên bào chữa đã hết nhân chứng. Các nỗ lực bào chữa của phía bị cáo đều bị chặn đứng. Ngày 21/7 cùng năm, sau chín phút nghị án, bồi thẩm đoàn tuyên thầy Scopes có tội, phạt 100 USD (1.700 USD ngày nay).

Trong lời sau cùng, thầy Scopes giãi bày: "Thưa quý tòa, tôi cảm thấy rằng tôi đã bị kết tội vi phạm một đạo luật bất công. Tôi sẽ tiếp tục phản đối luật này bằng mọi cách. Nếu không, tôi sẽ vi phạm lý tưởng của tôi về tự do học thuật, nghĩa là dạy sự thật, như Hiến pháp của chúng ta đã bảo vệ. Tôi nghĩ rằng mức phạt là không công bằng".

Luật sư Darrow và cộng sự kháng cáo lên tòa cấp cao bang Tennessee, song chánh án từ chối mở phiên phúc thẩm. Hành trình theo đuổi công lý của thầy Scopes chấm dứt ngay ở phiên sơ thẩm.

"Phiên tòa khỉ đột" đánh dấu chiến thắng của phe phản đối Thuyết tiến hóa. Hiệu ứng domino kéo theo một loạt tiểu bang khác cũng ban hành Luật cấm giảng dạy thuyết tiến hóa.

Tòa án Tối cao đã không xem xét vấn đề này cho đến 43 năm sau, trong vụ Epperson kiện Arkansas.

Bang Arkansas đã thông qua Luật chống thuyết tiến hóa năm 1928. Không giống như Tennessee, luật của Arkansas không đề cập đến Kinh thánh. Nó chỉ đơn giản là cấm bất kỳ trường công lập nào dạy hoặc sử dụng sách giáo khoa dạy rằng con người tiến hóa từ các loài động vật thấp hơn. Một giáo viên vi phạm pháp luật có thể bị sa thải hoặc bị phạt 500 USD, tương đương 3 tháng lương giáo viên khi đó.

Susan Epperson là con của giáo sư ngành sinh học tại Đại học Ozarks. Năm 1964, Susan bắt đầu được nhận làm giáo viên sinh học lớp 10 ở trường Little Rock, Arkansas. Khi này, năm 1965, sách giáo khoa sinh học được hội đồng giáo dục địa phương phê duyệt, không đề cập đến sự tiến hóa.

Tuy nhiên, năm đó, hội đồng nhà trường đã thông qua một cuốn sách giáo khoa mới có cả một chương về sự tiến hóa. Epperson không thích Luật chống tiến hóa, nhưng cô lo lắng có thể bị sa thải nếu sử dụng sách giáo khoa.

Được hỗ trợ bởi Hiệp hội Giáo dục Arkansas, cô Susan Epperson đã ký tên là nguyên đơn, nộp đơn kiện bang Arkansas, vào ngày 6/12/1965. Cô lập luận, việc không dạy thuyết tiến hóa sẽ đi ngược lại "nghĩa vụ của một giáo viên sinh học có trách nhiệm" và do đó gây hại cho học sinh của cô.

Cô Susan Epperson cầm trong tay cuốn sách giáo khoa Sinh học hiện đại giảng dạy về Thuyết tiến hóa. Ảnh: Arkansas online

Cô Susan Epperson cầm trong tay cuốn sách giáo khoa Sinh học hiện đại giảng dạy về Thuyết tiến hóa. Ảnh: Arkansas online

Phiên tòa bắt đầu ngày Cá tháng Tư năm 1966, song nhiều người lo sợ rằng sẽ là một "gánh xiếc khác", giống như "phiên tòa khỉ đột" của thầy Scopes 4 thập kỷ trước.

Sau phiên điều trần kéo dài hai giờ, thẩm phán phán quyết rằng sách giáo khoa sinh học của trường trung học "không tạo thành mối nguy hiểm đối với sự an toàn, sức khỏe và đạo đức của cộng đồng đến mức bị nhà nước đàn áp".

Phiên tòa chỉ kéo dài hai giờ hai mươi phút. Vào ngày 27/5/1966, Thẩm phán tuyên bố Luật cấm giảng dạy thuyết tiến hóa là vi hiến với lý do vi phạm quyền tự do ngôn luận, tuyên phần thắng thuộc về cô Susan.

Tuy nhiên, năm sau, Tòa án cấp cao bang Arkansas đảo ngược quyết định, phán quyết rằng đạo luậtthể hiện "việc thực thi hợp lệ quyền lực của tiểu bang trong việc chỉ định chương trình giảng dạy trong các trường công lập."

Cô Susan và các thành viên ủng hộ Thuyết tiến hóa quyết định kháng cáo lên tòa Tối cao.

Phiên điều trần tại Tòa án Tối cao bắt đầu vào ngày 16/10/1968 và bản án được công bố vào ngày 12/11 cùng năm. Tòa Tối cao nhận thấy việc đảo ngược phán quyết của Tòa Arkansas sai lầm và tuyên phần thắng thuộc về cô Susan.

Thẩm phán lưu ý, không cho phép Nhà nước yêu cầu việc dạy và học phải phù hợp với các nguyên tắc hoặc sự cấm đoán của bất kỳ giáo phái hoặc giáo điều tôn giáo nào. Do đó Đạo luật của Arkansas là vi hiến vì trên thực tế "là một phương tiện tài trợ cho tôn giáo".

Vụ Epperson kiện Arkansas có ý nghĩa quan trọng vì nó yêu cầu các chính phủ từ chối ủng hộ bất kỳ tôn giáo hoặc lý thuyết tôn giáo cụ thể nào hơn tôn giáo khác.

Trận chiến để được giảng dạy môn sinh học vẫn chưa kết thúc tại phiên tòa này. Đến tận năm 1999, Kansas vẫn xóa thuyết tiến hóa khỏi các bài kiểm tra của tiểu bang để ngăn cản các trường dạy nội dung này. Ngày nay, tranh chấp về việc giảng dạy thuyết tiến hóa vẫn diễn ra ở một số tiểu bang nước Mỹ.

Sau vụ kiện, cô Susan Epperson vẫn tiếp tục giảng dạy tại Đại học Colorado. Con gái bà được truyền cảm hứng đam mê khoa học từ mẹ và ông ngoại, trở thành tiến sĩ sinh học phân tử.

Nhìn lại vụ kiện lịch sử nửa thế kỷ trước, bà Susan Epperson cho rằng: "Tôi, cũng như rất nhiều người trong cộng đồng khoa học, đều coi khoa học và đức tin luôn bổ sung cho nhau".

Hải Thư (Theo Law, MTSU, History Arkansas, Supreme Court US)

Xem thêm: lmth.7381454-ym-neiv-oaig-auc-coh-hnis-yad-neyuq-iod-yk-eht-neihc-couc/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“'Cuộc chiến thế kỷ' đòi quyền dạy sinh học của giáo viên Mỹ”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools