Tính đúng, tính đủ giá điện và dần tiến tới giá theo thị trường được các chuyên gia đề cập tại tọa đàm cùng chủ đề do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, chiều 31/10.
Ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhìn nhận giá điện ở Việt Nam hiện thấp so với giá thành sản xuất, và thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực. Điều này dẫn tới thực tế, EVN - doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh điện - thua lỗ, trên 26.000 tỷ đồng trong 2022.
Mặt khác, giá điện thấp khiến tiêu dùng nhiều, lãng phí và không khuyến khích đầu tư sản xuất điện. Ông Thiên nói, khi đó quy luật thị trường sẽ phát huy tác dụng là muốn tiêu dùng theo giá thấp, sẽ không có điện dùng.
Theo ông, giá điện phải đảm bảo khâu sản xuất, còn phần hỗ trợ Nhà nước phải tách riêng, tính vào an sinh xã hội. "Cách bù giá, bao cấp một phần cho các đối tượng yếu thế hiện nay ảnh hưởng trực tiếp tới giá điện thực tế, làm hỏng cơ chế thị trường", ông nhận xét, và nhắc lại quan điểm rằng "giá điện cao chưa chết, nhưng mất điện mới gay".
Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói, muốn có giá điện hợp lý thì nguyên tắc thị trường phải chi phối, đảm bảo cân bằng cung cầu và sản xuất, tiêu dùng.
"Cơ chế thực hiện giá điện với phương thức cơ bản đã định hình rồi, quan trọng là tách bạch rõ giữa giá thị trường và hỗ trợ cho đối tượng yếu thế. Không thể đầu vào cao mà vẫn để giá điện thấp", ông nói. Tức là, chính sách xã hội có cơ chế hỗ trợ các nhóm thu nhập thấp, tách bạch với giá điện chung, chứ "không nên để EVN lỗ và nguy cơ phá sản như hiện nay".
Theo cập nhật từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), giá nhiên liệu (than, khí, dầu) cho sản xuất điện giảm so với 2022 nhưng vẫn ở mức cao. Cụ thể, giá than nhập khẩu tăng gần 3 lần so với 2020, trên 1,3 lần so với 2021. Giá dầu cũng tăng xấp xỉ 2 lần năm 2020 và trên 1,1 lần 2021.
Trong khi đó, giá than pha trộn mua từ TKV tăng 29,6-46%, còn Tổng công ty Đông Bắc là 40,6-49,8% tùy chủng loại so với 2021. Tương tự, giá mua điện từ các nhà máy điện turbin khí cũng tăng, do lượng khí Nam Côn Sơn giảm mạnh. Những yếu tố này đẩy giá thành các nguồn điện than, turbin khí lên cao, trong khi tỷ trọng các nguồn phát này chiếm tỷ trọng 55% sản lượng điện toàn hệ thống.
Với chi phí nhiên liệu đầu vào hiện nay, EVN tính toán, giá thành sản xuất mỗi kWh khoảng 2.098 đồng, tức cao hơn giá bán lẻ bình quân gần 180 đồng một kWh.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) phân tích, cơ cấu điện hiện nay có nhiệt điện, thủy điện và các nguồn khác. Nguồn điện rẻ nhất hiện là thủy điện, chiếm khoảng 28% sản lượng, còn lại các nguồn điện giá thành cao như năng lượng tái tạo, trên 2.000 đồng một kWh với các dự án được hưởng giá FIT ưu đãi.
Ở giai đoạn mực nước các hồ thủy điện xuống thấp, để đảm bảo nhu cầu sản xuất, tiêu dùng, ngành điện sẽ phải huy động các nguồn giá cao, như điện chạy dầu với giá thành 5.000- 5.800 đồng một kWh, trong khi giá bán lẻ bình quân hiện là 1.920,37 đồng một kWh.
"Chúng ta không thể mua cao - bán thấp do sự phụ thuộc nguyên liệu đầu vào, nhưng với nỗ lực của Nhà nước, ngành điện bù đắp về giá từ trước đến nay hiện vẫn đủ điện cho kinh tế với mức giá chưa tính đúng, đủ với giá thành", ông Thỏa nhìn nhận.
Bên cạnh đó, việc duy trì mức giá thấp cũng khiến các nhà đầu tư không muốn bỏ vốn vào các dự án nguồn, lưới điện. Ông Hà Đăng Sơn, chuyên gia năng lượng, dẫn thực tế, các chuyên gia đánh giá Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi, và Quy hoạch VIII cũng đưa ra mục tiêu phát triển 6.000 MW loại năng lượng này tới 2030. Song khi tiếp xúc với các nhà đầu tư, họ đánh giá "Việt Nam không hẳn là cô gái đẹp, không thực sự hấp dẫn" khi thiếu cơ chế đồng bộ về quản lý, giá cho loại năng lượng này phát triển.
"Nhiều nhà đầu tư cho rằng, nếu Chính phủ đưa ra chính sách, giá tốt thì sẽ rót tiền, còn không thì sẽ tìm tới các nước có cơ chế hấp dẫn hơn", ông nói.
Chuyên gia này khuyến nghị, cơ chế về thu hút đầu tư, trong đó có giá điện cần thay đổi phù hợp để nhà đầu tư (tư nhân, nước ngoài) thấy hấp dẫn, sẵn sàng bỏ tiền, và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Việt Nam đang định hướng chuyển đổi sang kinh tế xanh, nên theo các chuyên gia, một trong ưu tiên chính sách là cần kiên quyết thực hiện lộ trình tăng giá điện và giá các năng lượng theo hướng tính đủ chi phí kinh tế, xã hội. Việc này nhằm hạn chế, hoặc ít nhất không ưu đãi với các ngành kinh tế thâm dụng điện năng và buộc doanh nghiệp phải đổi mới giải pháp kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, tăng hiệu quả sử dụng năng lượng.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa đồng tình, tính đúng, đủ là yêu cầu bắt buộc trong sản xuất kinh doanh của mọi doanh nghiệp, gắn với cơ chế thị trường.
"Giá điện thấp thì khó thu hút đầu tư nước ngoài vào lưới, truyền tải do không đủ chi phí, lợi nhuận thì không thể kêu gọi họ rót vốn vì an sinh xã hội. Nếu điện không đi trước một bước sẽ khiến nền kinh tế khó khăn. Thiếu điện sẽ tạo nhiều điểm nghẽn từ sản xuất đến kinh tế", ông Thỏa nói.
Nêu quan điểm, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế lưu ý, trước hết cần đảm bảo an ninh nguồn điện nhờ các chính sách đồng bộ, kịp thời phát triển ngành năng lượng. "Các dự án nguồn điện cần được đẩy nhanh, tăng tính cạnh tranh trên cơ sở giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, không sản xuất bằng mọi giá, và chính sách phù hợp với từng nhóm đối tượng, tiết kiệm điện, tiêu thụ điện xanh", ông bày tỏ.
Còn theo ông Thỏa, cơ quan quản lý năng lượng cần đẩy nhanh việc sửa Luật Điện lực, trong đó có quy định về giá theo hướng thị trường. Đây sẽ là nước chuẩn bị cho vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, khi đó người tiêu dùng được lựa chọn đơn vị bán điện với giá tốt, dịch vụ tốt nhất. Nhà nước cũng cần cải cách biểu giá bán lẻ điện, có các chính sách hỗ trợ cho người nghèo, thu nhập thấp và tính toán ngân sách hỗ trợ phù hợp.
Anh Minh