Sáng 31/10 tại Hà Nội, Hội thảo "Gỡ khó cho vay tiêu dùng - Đẩy lùi tín dụng đen" đã được tổ chức bởi Hệ sinh thái Thông tin kinh tế VTVMoney, Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số, Đài Truyền hình Việt Nam.
Hội thảo nhằm tìm ra các giải pháp hỗ trợ thị trường tín dụng tiêu dùng phát triển lành mạnh, để cung cấp vốn cho các nhu cầu chính đáng của người dân, đặc biệt là người lao động thu nhập thấp và từng bước đẩy lùi tín dụng đen.
Hội thảo diễn ra tại thời điểm khi tín dụng tiêu dùng đang có dấu hiệu chững lại, trong khi đó tín dụng đen, lãi suất cao lại đang có những thủ đoạn mới, gây ra nhiều hệ lụy.
Những con số đáng chú ý về cho vay tiêu dùng và tín dụng đen
Vì cùng cực, túng quẫn, nhiều người đã chấp nhận đi vay tín dụng đen và rơi vào khốn khổ. Vấn nạn tín dụng đen vẫn chưa bao giờ hết nóng.
Theo báo cáo từ Bộ Công an, 3 năm qua đã có 2.740 vụ liên quan đến tín dụng đen bị phát hiện, gần 4.400 bị can đã bị khởi tố điều tra.
Còn tính riêng trong 6 tháng đầu năm nay, lực lượng công an đã phát hiện, xử lý hơn 700 vụ, khởi tố trên 400 vụ và 800 bị can.
Những con số cho thấy, nhiều người dân có nhu cầu vay vốn không cần thế chấp tài sản. Họ sẵn sàng chấp nhận lãi suất cả mấy trăm %/năm để vay tiền.
Nếu tín dụng chính thức phát triển thì tín dụng đen sẽ bị thu hẹp. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Ngược lại với tín dụng đen là tín dụng chính thức. Tín dụng chính thức huy động vốn và cho vay một cách công khai, minh bạch, trong đó, đặc biệt là cho vay tiêu dùng hướng đến những người có thu nhập trung bình, những người yếu thế trong xã hội - cũng chính là đối tượng mà tín dụng đen nhắm đến.
Cho vay tiêu dùng thường có tốc độ tăng trưởng lớn hơn tăng trưởng dư nợ cho vay chung của toàn nền kinh tế.
Trong 5 năm qua, năm 2018 thị trường ghi nhận mức dư nợ tín dụng tiêu dùng tăng 30,9%, nhưng tốc độ tăng trưởng đã chậm dần trong những năm sau đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh và phục hồi rừng vào năm 2022 với mức tăng 22,7%.
Còn nếu xét về giá trị tuyệt đối, dư nợ cho vay tiêu dùng của sự gia tăng rõ rệt, đến cuối năm 2022 đã vượt 2,5 triệu tỷ đồng cho thấy nhu cầu vốn của người dân không ngừng tăng lên.
Các chuyên gia cho rằng, khi khách hàng khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng chính thức, họ tìm đến kênh không chính thức. Ngược lại, nếu tín dụng chính thức phát triển thì tín dụng đen sẽ bị thu hẹp.
Cho vay tiêu dùng đuối sức vì khách "bùng nợ"
Như vậy, có thể thấy tăng trưởng tín dụng tiêu dùng năm 2022 là 22% và thị trường này vẫn còn rất tiềm năng. Tuy nhiên tính đến tháng 8 năm nay, dư nợ cho vay phục vụ đời sống toàn hệ thống đạt khoảng 2,67 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 0,35% so với cuối năm ngoái. Nếu so với mức tăng 22% của cả năm ngoái, con số này khiêm tốn. Đặc biệt, ở các công ty tài chính tiêu dùng, nơi chủ yếu cho vay người lao động, những người yếu thế, con số này còn sụt giảm. Vậy lý do gì khiến tỷ lệ tăng trưởng cho vay tiêu dùng đang dần chậm lại?
Theo Hiệp hội Ngân hàng, nợ xấu hiện nay của 16 công ty tài chính được cấp phép vào khoảng 8 - 10%, cá biệt có trường hợp lên đến 20%. Điều này khiến nhiều công ty lâm vào tình trạng khó khăn, thua lỗ. Ngoài nguyên nhân đến từ tình hình kinh tế gặp nhiều thách thức, còn do tình trạng người vay cố tình "bùng nợ" không trả.
"Không trả nợ là một trong những nguyên nhân khiến các công ty rất hoang mang trong việc mở rộng cho vay đối tượng có thu nhập thấp. Đây cũng là mảnh đất màu mỡ để tín dụng đen phát triển", ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp Hội Ngân hàng Việt Nam, cho biết.
"Một trong những nguyên nhân khách quan là nhiều hội nhóm bùng nợ đã xuất hiện trên các mạng xã hội lôi kéo khách hàng", ông Lê Quốc Ninh, Chủ nhiệm CLB Tài chính tiêu dùng, Tổng Giám đốc Mcredit, cho hay.
Tâm lý "bùng nợ" đã gây ra nhiều hệ lụy với cho vay tiêu dùng chính thống. Từ năm 2022 đến nay, nhiều nhân viên thu hồi khoản vay của các công ty tài chính bị đe dọa, hành hung.
"Đối với FE Credit, 2 năm trước đây 2019, 2020, thống kê nhân viên đòi nợ bị gây khó khăn bởi người đi vay chỉ có 2 trường hợp, nhưng năm 2022, 2023, tình trạng này trở nên trầm trọng hơn, có 24 vụ", bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Quyền Tổng Giám đốc Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE Credit), thông tin.
Ngoài ra, hiện nay nhiều công ty tài chính được cấp phép đang bị đánh đồng với những tổ tín dụng đen khiến hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề. Việc "bùng nợ" chưa được xử lý dẫn đến nợ xấu của 16 công ty tài chính tiêu dùng tăng cao. Thực tế, dù dư nợ cho vay tiêu dùng toàn ngành ngân hàng vẫn tăng, nhưng riêng dư nợ của 16 công ty tài chính không tăng mà còn giảm trên 60.000 tỷ đồng.
Khi dư nợ cho vay tại 16 công ty tài chính tiêu dùng bị giảm, dẫn đến việc người dân có thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn khó thể tiếp cận được vốn vay. Hệ quả là tín dụng đen bắt đầu trỗi dậy, mặc dù các cơ quan quản lý nhà nước tích cực triệt phá nhiều ổ nhóm tín dụng đen, nhưng diễn biến còn rất phức tạp dưới nhiều hình thức tinh vi nhất là trên môi trường mạng và kéo theo đó là nhiều hệ lụy, khi lãi suất lên đến hàng trăm, hàng nghìn %/năm.
"Với những hoạt động cho vay qua app dù số tiền vay nhỏ, nhưng lãi suất, khoản phí lớn. Người vay phải thế chấp danh bạ điện thoại, nguy cơ tiềm ẩn lộ lọt thông tin cá nhân, phát sinh đòi nợ trái pháp luật. Gần đây, chúng tôi triệt phá nhóm núp bóng dưới dạng công ty luật để hoạt động đòi nợ trái pháp luật, có biểu hiện của cưỡng đoạt tài sản", Thiếu tá Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Trưởng phòng 6, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, thông tin.
Giải pháp thúc đẩy cho vay tiêu dùng
Vậy làm thế nào để thúc đẩy cho vay tiêu dùng, đẩy lùi tín dụng đen? Tại Hội thảo các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia cũng đã đưa ra nhiều giải pháp. Trong đó, điểm nhấn là cần một hành lang pháp lý đầy đủ, cũng như nâng cao nhận thức cho người vay.
Theo các chuyên gia, hiện nay hàng lang pháp lý cho vay tiêu dùng đã có nhưng chưa hoàn thiện và chưa được thực hiện đầy đủ dẫn đến chuyện người vay "bùng nợ" chưa được xử lý triệt để. Còn các công ty tài chính ngại ngần phải giải quyết qua tòa án, do khoản vay tiêu dùng thường nhỏ, dẫn đến nợ xấu gia tăng.
"Người cho vay hiện nay giống như người đi ô tô. Còn người đi vay giống như người đi bộ, kiểu gì thì kiểu đi xe ô tô ông cũng bị mắc lỗi nếu như tai nạn xảy ra. Ý là ở đây nó chưa công bằng, Tôi nghĩ phải luật hóa cho công bằng hơn", Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính tiền tệ Quốc gia, nêu quan điểm.
"Kể cả những người cho vay tiêu dùng có mấy chục triệu, thì sẽ treo trên đầu một quyết định phải thi hành án. Bất cứ khi nào có tài sản phải xử lý. Cái này cần phải có hướng dẫn; Ngân hàng Nhà nước, cơ quan quản lý phải có cụ thể để đơn vị tài chính chủ động hơn. Khi có việc thực thi như vậy thì người vay sẽ không dám bùng nợ vì bùng cũng không được. Chế tài vào ngay, đi đâu thì có tài sản là sẽ bị xử lý ngay", Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật Thiên Thanh, nói.
"Hiện đang có một dự thảo luật các tổ chức tín dụng được bàn thảo chờ thông qua. Chúng tôi mong muốn các công ty tài chính có một giới hạn nợ xấu khác với tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng vì tính chất, thời hạn khoản vay cũng như tệp khách hàng của các công ty tài chính và ngân hàng rất khác nhau", bà Olena Khlon, Phó Tổng Giám đốc thường trực Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà - Hà Nội, chia sẻ.
Đại diện các chuyên gia, doanh nghiệp trao đổi tại hội thảo. (Ảnh: VGP)
Ngoài ra, mức lãi suất hợp lý không quá cao, phù hợp với người lao động thu nhập thấp, sẽ là điều kiện để người vay tiếp cận dễ dàng hơn với tín dụng tiêu dùng chính thống.
"7.000 tỷ đồng được giải ngân, chỉ có 300 tỷ là vay đúng nghĩa là vay ưu đãi 15 - 25%. Còn lại 6.700 tỷ là vay với mức lãi suất theo quy định khách bình thường của hai công ty tài chính. Dù chúng tôi đã đưa ra mức lãi suất 15 - 25%, nhưng nhiều công nhân vẫn cho rằng mức lãi suất đó là cao", bà Trần Thị Thanh Hà, Trưởng Ban quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho hay.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng, khuyến khích các tổ chức tín dụng tăng cường các biện pháp xác thực khách hàng vay vốn để tránh rủi ro và thu hồi nợ tốt hơn.
"Để triển khai đề án 06 về ứng dụng dữ liệu dân cư trong ngành ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Bộ Công an xây dựng kế hoạch phối hợp 01 xác thực khách hàng qua thẻ CCCD gắn chip, ứng dụng VNeID trong mở tài khoản điện tử và triển khai chấm điểm tín dụng tại các tổ chức tín dụng", bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thông tin.
Triển khai thành công đề án 06 của Chính phủ sẽ giúp làm sạch dữ liệu dân cư, tránh tình trạng sử dụng tài khoản "ảo" để hoạt động tín dụng đen.
Nhiều giải pháp đã được các nhà hoạch định chính sách cũng như các chuyên gia đưa ra, trong đó rất cần sự chung tay góp sức từ phía các cơ quan chức năng, các tổ chức, công ty tài chính và chính những người đi vay. Một hành lang pháp lý rõ ràng để bảo vệ quyền lợi của tất cả các bên là điều thị trường mong đợi.
Quan trọng hơn hết là ý thức của chính những người trong cuộc, có vay có trả, người đi vay cần tự giác, có trách nhiệm cao với khoản nợ của mình. Công ty tài chính cũng cần thực hiện đúng vai trò, quyền hạn, góp phần thúc đẩy cho vay tiêu dùng và đẩy lùi tín dụng đen.
VTV.vn - Theo báo cáo Fiin group, nợ xấu tại các công ty tài chính đã tăng từ 10,7% cuối năm 2022 lên tới 12,5% sau 6 tháng năm 2023.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!