Ngày 31/10, tại Tọa đàm về "Tính đúng, tính đủ để có giá điện phù hợp", PGS.TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, thực tế hiện nay, giá bán điện vẫn còn mang màu sắc "bao cấp", bù trì. Trong khi mấy năm gần đây, chi phí sản xuất điện tăng rất cao, các điều kiện đầu vào như vốn, tỉ giá hối đoái, giá các năng lượng khác… đều tăng cao nhưng giá điện tại Việt Nam vẫn giữ ở mức thấp, chỉ tăng hầu như không đáng kể.
"Tinh thần của chúng ta là hỗ trợ người lao động, hỗ trợ xã hội trong lúc khó khăn. Tuy nhiên, cách tư duy này trả giá bằng câu chuyện thị trường mất cân bằng. Đặc biệt đối với bên sản xuất như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và nhiều doanh nghiệp sản xuất điện bị lỗ rất nặng", PGS.TS. Trần Đình Thiên nêu ý kiến.
PGS.TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
PGS.TS. Trần Đình Thiên cũng cho rằng giá điện thấp sẽ khiến tiêu dùng điện nhiều, sử dụng điện lãng phí. Đồng thời, giá quá thấp sẽ không khuyến khích các nhà đầu tư sản xuất điện. Và khi đó, quy luật của thị trường sẽ phát huy tác dụng đó là muốn tiêu dùng theo giá điện thấp, sẽ không có điện dùng.
Theo ông Thiên, giá điện phải đảm bảo được khâu sản xuất điện còn phần hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng yếu thế trong xã hội cần tách riêng vào phần an sinh xã hội chứ không thể hạch toán vào giá điện như hiện nay bởi "sự bao cấp sẽ làm hỏng cơ chế thị trường".
Cùng quan điểm, chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa – Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính)cho biết giá điện thấp, nói là tốt cho sản xuất, kinh doanh, tốt cho đời sống người dân nhưng thực tế là khi chi phí đầu vào không được tính đúng, sản phẩm đầu ra sẽ không phản ánh đúng giá trị thị trường và "đã đến lúc chúng ta phải vươn ra nguyên tắc thị trường để hạch toán, tính toán giá điện cho đúng, cho đủ".
Cần tách bạch giữa giá điện và chính sách hỗ trợ
Tại tạo đàm, đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu thẳng thắn cho rằng: Phải phân định giữa giá điện nói chung và các chính sách hỗ trợ khác bởi "hai việc này không thể nhập vào làm một" như hiện nay. Phân tích rõ hơn về điểm nghẽn này, ông Hiếu nhấn mạnh vào 3 việc cần tập trung:
Đối với sản xuất điện, phải rà soát quy định, tăng sự cạnh tranh trong sản xuất. Với khâu phân phối điện, phải tăng sự lựa chọn cho người tiêu dùng, tăng sự cạnh tranh trong phân phối. Cuối cùng, các chính sách khi xây dựng phải thúc đẩy hành vi của người tiêu dùng, đó là tiết kiệm điện.
PGS.TS. Trần Đình Thiên một lần nữa khẳng định, giá điện và việc hỗ trợ cho nhóm xã hội thu nhập thấp phải tách bạch càng rõ càng tốt. Khi đó các doanh nghiệp ngành điện không phải gánh lỗ như hiện nay.
Để tách bạch giá điện và đảm bảo cho mọi người dân đều có thể sử dụng điện, theo ông Nguyễn Tiến Thoả, đó là cần sửa Luật Điện và đẩy nhanh lộ trình xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Bởi khi đó, người tiêu dùng sẽ được phép lựa chọn đơn vị bán điện giá hợp lý nhất, phục vụ tốt nhất.
"Nhà nước luôn luôn có chính sách hỗ trợ người dân ngoài giá điện, chúng ta đừng nghĩ là trong giá điện phải có chính sách an sinh. Hãy để thị trường điều tiết", ông Nguyễn Tiến Thoả nêu ý kiến.
Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
Ông Phan Đức Hiếu cũng cho rằng, xây dựng chính sách giá điện cần tập trung việc tăng tính cạnh tranh. Các chi phí mềm trong sản xuất điện, phân phối điện, bán lẻ điện như thủ tục hành chính hay chi phí tuân thủ pháp luật cũng phải giảm.
"Cần tách bạch các chính sách và đưa ra chính sách phù hợp với từng nhóm đối tượng khác nhau. Ví dụ như đưa ra các chính sách thúc đẩy tiết kiệm điện, chính sách thúc đẩy tiêu thụ điện xanh… làm sao đạt được mục tiêu hài hòa chung cho cả nền kinh tế", ông Hiếu nêu.
Nhìn rộng ra, theo chuyên gia năng lượng TS Hà Đăng Sơn, khi xây dựng chính sách giá điện mới, cần nhìn nhận tổng thể về thị trường năng lượng quốc tế khi đưa ra các ưu đãi thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường điện.
"Phải làm sao tạo điều kiện tốt nhất thu hút nhà đầu tư nhưng vẫn phải đảm bảo yếu tố về an ninh năng lượng quốc gia. Tức là nếu có biến động xảy ra, cần phải đảm bảo được bao nhiêu phần trăm cung ứng năng lượng quốc gia, không thể "mở bung" toàn bộ. Một mặt tạo điều kiện để thu hút tối đa các đầu tư tư nhân cũng như của các nhà đầu tư nước ngoài. Mặt khác chúng ta vẫn phải đảm bảo được an ninh năng lượng quốc gia để trong bất kỳ tình huống nào, chúng ta vẫn có dự phòng nguồn điện", TS Hà Đăng Sơn nói.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.40010419010113202-ihp-gnal-gnud-us-neihk-es-paht-neid-aig-aig-neyuhc/et-hnik/nv.vtv