Từ đầu tháng 10 đến nay, khoa chỉnh hình - bệnh viện Nhi trung ương (Hà Nội) đã tiếp nhận 3 trường hợp trẻ bị chó cắn phải nhập viện. Các bệnh nhi đều trong tình trạng đa thương tích gây nguy hiểm đến tính mạng.
Gần đây nhất là bé N.L. (7 tuổi, ở Hà Nội) nhập viện trong tình trạng đau đớn, tâm lý hoảng loạn cùng với hàng trăm vết thương trên cơ thể do bị 4 con chó lao vào tấn công.
Theo gia đình, trước đó bé được bố đưa đến nơi làm việc. Trong lúc bố không để ý, bé bị 4 con chó do chủ nhà nuôi bất ngờ lao vào tấn công, dẫn tới hàng trăm vết thương trên cơ thể, nguy hiểm đến tính mạng…
Ngay sau đó, gia đình nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện Nhi trung ương cấp cứu.
Bốn con chó vốn được chủ nhà nuôi nhốt nhưng tại thời điểm xảy ra sự việc, chúng được thả rông, không đeo rọ mõm.
Bác sĩ Lê Tuấn Anh - phó trưởng khoa chỉnh hình - cho biết ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ đã tiến hành hồi sức cấp cứu, giảm đau và đưa thẳng bệnh nhi vào phòng mổ.
Trẻ được phẫu thuật cắt lọc, làm sạch các vết thương có lẫn đất, cát, lông chó… trong đó có vết thương dài 13cm.
Sau phẫu thuật, bé đã thoát khỏi tình trạng nguy hiểm tính mạng. Bé cũng được tiêm phòng bệnh dại và uốn ván để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên tâm lý của bé vẫn còn bị sang chấn nặng nề do cùng lúc bị 4 con chó tấn công.
Thực tế hiện nay, nhiều hộ gia đình nuôi chó vẫn có thói quen thả rông chó mà không đeo rọ mõm. Điều này tiềm ẩn nguy hiểm cho người dân, đặc biệt là trẻ em.
Để phòng tránh nguy cơ chó, mèo cắn, cào, theo bác sĩ Lê Tuấn Anh, các gia đình nuôi chó, mèo tại nhà cần phải tiêm phòng cho vật nuôi đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Ngoài ra, không thả rông vật nuôi, chó ra đường phải được đeo rọ mõm.
Đối với trường hợp nuôi nhốt chó, cần phải có vùng nuôi chó rõ ràng, cách xa khu dân cư, khu sinh hoạt cộng đồng.
Cần làm gì khi trẻ bị chó cắn?
Khi trẻ bị chó, mèo cắn, cào, liếm vào vết xước…, cha mẹ, người chăm sóc trẻ cần chú ý:
- Rửa vết thương dưới vòi nước chảy, càng sớm càng tốt trong 15 phút.
- Rửa vết thương bằng xà phòng và nước hoặc bằng các chất có tác dụng diệt khuẩn như cồn iod, cồn 70 độ hoặc rượu mạnh, xà phòng, dầu gội, dầu tắm…
- Khẩn trương đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu, đánh giá vết thương, tư vấn tiêm vắc xin và huyết thanh theo từng trường hợp cụ thể căn cứ theo tình trạng động vật cắn, hoàn cảnh bị cắn hoặc tiếp xúc với nguồn bệnh, tình hình bệnh dại trong vùng…
- Tuyệt đối không tự ý mua thuốc uống, bôi, đắp vào vết thương hoặc tự chữa bằng các mẹo dân gian… gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của trẻ.
Sau 16 ngày bị chó cắn, bé trai 7 tuổi ở phường Trưng Vương, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh bị sốt, sùi bọt mép, tiên lượng xấu.